Người phụ nữ nhập viện vì ăn hồng ngâm sai cách, chuyên gia chỉ rõ ăn hồng ngâm cần tránh sai lầm này!

Ăn cùng 1 lúc 5 quả hồng ngâm lúc đói, sau 1-2 tuần, người bệnh phải nhập viện cấp cứu vì tắc ruột.

Vừa qua, các bác sĩ BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết đã tiến hành phẫu thuật cho cho nữ bệnh nhân tên Đ.T.C. (37 tuổi, trú tại Tân Việt, Đông Triều, Quảng Ninh) bị tắc ruột do 3 cục bã thức ăn lớn kích thước 5x6cm.

Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau quặn bụng vùng quanh rốn kèm theo bí trung đại tiện. Hình ảnh chụp CT và soi dạ dày phát hiện tắc ruột do cục bã thức ăn. Khoảng 1-2 tuần trước, chị C. ăn cùng lúc khoảng 5 quả hồng lúc đói.

Mất tới hơn 1 giờ đồng hồ nội soi, các bác sĩ tại đây đã lấy bỏ 2 cục bã thức ăn tại dạ dày và 1 cục bã tại ruột non của người bệnh.

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Đỗ Quang Út (Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) cho biết, cục bã thức ăn hình thành do sự tích tụ các chất được ăn uống vào dưới dạng các khối hoặc khối đông kết không tiêu hóa được. Như trường hợp của người bệnh nhân C. thì việc ăn nhiều quả hồng khi đói đó cũng là một trong những nguyên nhân hình thành cục bã thức ăn. Bởi trong quả hồng có chất nhựa gây kết dính thức ăn tạo nên cục thức ăn lớn rất khó tiêu hóa.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thận trọng, đặc biệt là những người đã cắt dạ dày bán phần, có bệnh lý về răng miệng làm giảm chức năng nhai, thói quen ăn quá nhanh, không ăn các loại quả chưa chín kỹ có vị chát (hồng ngâm, sung, ổi) và thực phẩm có nhiều chất xơ bã...

4 dấu hiệu cảnh báo sơm người bị tắc ruột

Đau bụng, chướng bụng

Đau bụng là dấu hiệu tắc ruột được cảnh báo sớm nhất, người bệnh có thể bị đau từng cơn, đột ngột hoặc dữ dội rồi giảm dần, khoảng 2 - 3 phút sau lại xuất hiện các cơn đau khác. Ban đầu cơn đau bụng ở người bệnh tắc ruột chỉ khu trú ở một vùng bụng, sau đó đau lan tỏa ra toàn bụng.

Ảnh minh họa

Buồn nôn, nôn liên tục

Đâu là triệu chứng tắc ruột rất thường gặp, hầu như bệnh nhân nào cũng gặp phải, có nhiều người không bị nôn mà chỉ buồn nôn. Nếu xuất hiện nôn thì có thể kèm theo các cơn đau, người bệnh nôn ra thức ăn trước rồi sau đó nôn ra nước mật, dịch tiêu hóa và phân.

Bí trung đại tiện

Bí trung tiện, đại tiện chính là triệu chứng quan trọng, chứng tỏ sự bí tắc hoàn toàn các chất trong lòng ruột của người bệnh. Tuy nhiên, dấu hiệu bí trung tiện, đại tiện có thể xảy ra muộn bởi thời gian đầu bị tắc ruột thì ruột vẫn còn co bóp đẩy hơi và phân ở phía dưới chỗ bị tắc ra ngoài, đến khi hơi và các chất ở bên trên chỗ bị tắc không xuống được nữa thì bệnh nhân mới có triệu chứng bí trung đại tiện.

Bụng căng, gõ vang

Đối với bệnh nhân bị hội chứng tắc ruột mà gầy thì thành bụng mỏng và sờ thì có thể thấy quai ruột nổi hằn lên thành bụng, khi chiếu ánh sáng vào bụng thì có thể nhìn thấy sóng nhu động ở các quai ruột nổi cộm lên và di chuyển như rắn bò bên dưới da bụng. Dấu hiệu tắc ruột này còn được gọi là hiện tượng rắn bò gặp trong tắc ruột cơ học.

Ngoài những dấu hiệu tắc ruột có thể nhận biết sớm thì để chẩn đoán chính xác vị trí tắc và nguyên nhân, cơ chế tắc ruột, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang, siêu âm...

Bánh Trung Thu ngày càng ‘ngáo giá’, nhiều khách hàng quay lưng

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-nhap-vien-vi-an-hong-ngam-sai-cach-chuyen-gia-chi-ro-an-hong-ngam-can-tranh-sai-lam-nay-17223092511134171.htm