Người phụ nữ góp phần giữ bản sắc cho Tai O

Ngôi làng chài nhỏ bé Tai O phía Tây Nam hòn đảo lớn nhất Hồng Kông Lantau dần hiện ra trước mắt tôi trong chiều hoàng hôn đang dần buông. Nắng vàng mạng mặt biển như chiếc lưới quăng chưa kịp cất lên.

Tai O với những ngôi nhà Pang uk trên những chiếc cột kèo chênh vênh sóng biển...

Tai O vốn không kiêu hãnh mà là sự đối lập với một Hồng Kông phồn hoa không ngớt ánh đèn những tòa nhà cao ốc. Tai O với những ngôi nhà Pang uk trên những chiếc cột kèo chênh vênh sóng biển lại ru giấc ngủ bình yên của ngư dân khi đêm về. Buổi chiều tình cờ đó tôi đã gặp bà, người phụ nữ cả một đời gắn bó với làng chài, những công việc thầm lặng của bà Hoàng Huệ Quỳnh góp phần gìn giữ một Tai O hôm nay còn nguyên vẻ hoang sơ quá khứ xứng đáng là “Venice của Hồng Kông” nơi vốn chẳng bao giờ ngớt khách tới thăm.

Bước chân lang thang như chú mèo rong duổi trên con đường Shek Tsai Po bao quanh ngọn đồi Fu Shan (đồi con hổ) bên những cánh hoa dương tử kinh rung rinh trong gió biển, tôi nghĩ tới câu nói của một người bạn khi nói rằng khám phá một vùng đất nên tìm đến những gì khác biệt và đối lập của vùng đất đó. Ngắm nhìn Tai O trong chiều bình yên, những người già thư thái trong ban công những ngôi nhà Pang Uk, tôi thấy mình như thoát ra khỏi những bước chân luôn tấp nập vội vã chiếm lĩnh những con phố Hồng Kông hào nhoáng, mệt mỏi trong khoảng khắc đèn xanh, đèn đỏ cho người đi bộ.

Tôi tình cờ ghé một ngôi nhà cổ với biển hiệu “dự án phát triển kinh tế” nhằm thỏa trí tò mò và cũng vì muốn nói chuyện với ai đó nơi đây. Người phụ nữ trung tuổi tên Hoàng Huệ Quỳnh (Wang Wai King trong tiếng Quảng Đông) với mái tóc ngắn gọn gàng vốn là kiểu tóc phổ biến của phụ nữ Hồng Kông tầm tuổi đó mỉm cười chào đón tôi.

Bà Hoàng Huệ Quỳnh

Bà trầm giọng kể cho tôi nghe hơn 20 năm tái dựng lại lịch sử tám mươi năm từ 1920 tới 2000 của Tai O. Số kiếp bà gắn với ngôi làng Tai O khi sáu tháng tuổi cha mẹ bà chuyển tới vùng đất này. Người thiếu nữ ấy lớn lên, lấy chồng và sinh con như những người phụ nữ khác trong làng.

Rồi những ngày tháng tham gia công tác xã hội của Tai O đã giúp bà hiểu vị trí và sự cần thiết duy trì bản sắc của Tai O. Vậy là người phụ nữ bình dị với tình yêu gắn bó làng chài bắt tay vào tìm hiểu và tái hiện lại những ngày tháng quá khứ củaTai O. Không nản chí, bà tìm lại di tích ở những ngôi nhà đổ nát, nói chuyện với những người già trong làng, nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè.

Tìm lại quá khứ cho Tai O trong những cuốn sách nhiều giá trị bà viết ra về lịch sử, truyền thống và cả những câu chuyện huyền bí của Tai O tạo nên một Tai O hấp dẫn hơn không chỉ bởi những sản phẩm cá ướp muối và tôm phơi nổi tiếng. Giọng bà lắng xuống đầy cảm xúc: “Tai O là một vùng đất đẹp trong quá khứ, hiện tại và sẽ là cả tương lai. Cuộc đời tôi gắn với vùng đất này. Tôi muốn ghi giữ lại lịch sử Tai O”.

Tháng 11/2004, chính quyền muốn tiến hành Dự án phát triển đảo Lantau với mục đích bảo tồn di sản văn hóa và nguồn lợi thiên nhiên của làng chài Tai O với số vốn 620 tỷ đô la Hồng Kông. Người phụ nữ vốn chỉ quanh quẩn với ngôi làng mấy chục năm lại có ý kiến khá. Bà kiến nghị với chính quyền nên bảo tồn truyền thống ở Tai O và môi trường tự nhiên ở đây.

Theo bà, mọi can thiệp xây dựng sẽ biến Tai O thành một khu du lịch nhân tạo. Những du khách tới Tai O hấp dẫn bởi chính lối sống còn giữ nguyên bản sắc của dân làng cũng như khung cảnh nơi đây. Dự án mà chính quyền định thực hiện không thể thúc đẩy kinh tế cộng đồng cũng như mang đến sức hút với khách du lịch. Bà đã kiến nghị lên chính phủ cần "nghe" thêm ý kiến người dân cũng như chính quyền địa phương. Dự án cuối cùng bị hủy bỏ do những công sức của bà Hoàng Huệ Quỳnh và nhiều người dân bình thường khác.

Sau 25 năm cống hiến bảo vệ môi trường và nghề truyền thống địa phương, bà nhận được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2005 (là một trong 1.000 người phụ nữ trên thế giới đến năm đó được đề cử cho giải này).

Quang cảnh yên bình ở Tai O

Giờ đây, làng chài với gần ba nghìn người có hơn một nghìn người già nơi đây đang đối mặt những khó khăn lớn vì nguồn lợi từ biển đang cạn kiệt, lớp trẻ đã không còn muốn theo nghề chài lưới nữa mà đi tìm những công việc trong thành phố. Bảo tồn Tai O tiếp tục là một công việc đầy thách thức với bà Hoàng Huệ Quỳnh cũng như người dân nơi đây.

Chia tay người phụ nữ, tôi lặng lẽ bước về phía đầu làng, rảo qua những am thờ cạnh lối vào các ngôi nhà, nơi ngư dân thờ thần đất để cầu xin sự trở về bình an và những mẻ lưới bội thu từ những chuyến đi biển. Những bông hoa dương tử kinh như níu kéo tôi. Loài hoa đã trở thành biểu tượng của Hồng Kông khi quan tổng trấn người Anh Henry Blake tìm thấy vào hơn 100 năm trước. Mặt trời đỏ ối, chiều dần buông, một cảm giác khó tả xâm chiếm, có lẽ là ước muốn được trở lại ngôi làng trong những lần sau. Tôi nghĩ tới vài câu thơ trong bài hát của bà viết về Tai O: “Tai O được núi bao bọc, núi ấp núi. Ngày qua ngày, những đám mây và mặt trời làm Tai O đẹp hơn. Người dân làng  Lueng Uk làm việc chăm chỉ kiếm sống…”.

Hải Anh

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/du-lich/nguoi-phu-nu-gop-phan-giu-ban-sac-cho-tai-o-61482.html