Người nuôi tôm tại Nghệ An thận trọng thả lứa mới

Sau hơn 1 tháng kể từ thời điểm xuất hiện hiện tượng tôm chết hàng loạt, hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu rục rịch thả lứa tôm mới. Lần này, quy trình nuôi được siết chặt hơn để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Vụ tôm vớt vát

Những ngày giữa tháng 5/2024, gia đình anh Hồ Đình Ánh ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu đang tập trung kiểm tra máy móc, cải tạo ao, đầm để chuẩn bị thả lứa tôm mới. Gia đình anh là một trong những hộ dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt cách đây 1 tháng.

Anh Ánh chia sẻ: Các cơ quan chức năng đã về làm việc, lấy mẫu xét nghiệm. Mặc dù vậy, các mẫu bệnh phẩm đều âm tính với các dịch bệnh thường gặp trên tôm. Do đó, nguyên nhân tôm chết có thể do yếu tố nguồn nước, môi trường, giống… những vấn đề này thì những hộ chăn nuôi như chúng tôi không thể kiểm tra được. Gia đình cũng nghỉ nuôi tôm hơn 1 tháng nay. Tuy nhiên, bây giờ phải nuôi lại, vì đây là nghề chính, không làm thì không có thu nhập…

 Người nuôi tôm kiểm tra máy móc, chuẩn bị thả lứa mới. Ảnh: Q.A

Người nuôi tôm kiểm tra máy móc, chuẩn bị thả lứa mới. Ảnh: Q.A

Được biết, trong vụ tôm vừa qua, gia đình anh Ánh đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng, bao gồm 200 triệu đồng tiền giống và 200 triệu đồng các chi phí khác như thay bạt, bỏ vôi, xử lý môi trường, thuốc men… Tuy nhiên do tôm chết toàn bộ khi mới thả nên coi như mất trắng. Lần này, anh Ánh quyết định thay đổi diện tích, quy mô nuôi tôm với phương châm “ăn chắc mặc bền”…

“Vụ vừa rồi tôi đầu tư thả 3 ha tôm với 9 ao. Nhưng do tôm chết nên bà con không dám đầu tư lớn nữa. Lần này, tôi thả chỉ 1 ao 3.000m2 với 50 vạn con tôm giống, được nhập từ tỉnh Ninh Thuận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chi phí rẻ hơn nhiều so với vụ đầu, vừa thả vừa giám sát xem có hiện tượng tôm chết nữa không. Nếu vẫn rủi ro thì thiệt hại cũng không đáng kể. Nếu thành công thì coi như gỡ gạc được phần nào…”, anh Ánh tâm sự.

 Tôm thả lứa mới cần được kiểm tra thường xuyên. Ảnh: Q.A

Tôm thả lứa mới cần được kiểm tra thường xuyên. Ảnh: Q.A

Không chỉ gia đình anh Ánh mà hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Bảng, bà con cũng đang rục rịch thả lại lứa tôm mới. Ông Vũ Văn Dương – Chủ tịch UBND xã này cho biết: Quỳnh Bảng là địa phương trọng điểm về nghề nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu với tổng diện tích gần 170 ha. Hiện nay, một số hộ dân đang cải tạo ao, đầm, kiểm tra máy móc để chuẩn bị thả lứa mới với diện tích khoảng 60%, hy vọng sẽ cứu vớt được phần nào thiệt hại.

"Theo khảo sát thì diện tích này tập trung ở những hộ vẫn có điều kiện để nuôi vụ tiếp theo. Số diện tích còn lại người dân vẫn để trống”, ông Dương cho biết thêm.

Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật

Ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đối với vùng có diện tích tôm bị chết trên địa bàn, huyện đã định hướng bà con nên tạm nghỉ một thời gian để ổn định lại môi trường nuôi, nguồn nước hoặc chuyển đổi sang nuôi trồng loài khác thay tôm.

 Người dân cần kiểm tra ngay khi tôm có dấu hiệu bất thường. Ảnh: Q.A

Người dân cần kiểm tra ngay khi tôm có dấu hiệu bất thường. Ảnh: Q.A

"Do nghề nuôi tôm truyền thống đã tồn tại hàng chục năm qua, là nguồn thu nhập chính của các hộ dân, nên việc người dân quyết tâm tiếp tục đầu tư nuôi lứa mới thì chính quyền không thể ngăn cản. Đối với việc chuyển đổi sang vật nuôi khác, thực tế những năm qua, một số hộ nuôi tôm cũng đã thử nghiệm nuôi cá, cua. Dù năng suất, chất lượng vẫn đạt, tuy nhiên, đầu ra lại không đảm bảo bằng việc nuôi tôm. Do đó, họ đã không thể duy trì. Các hộ dân phải thực hiện nghiêm quy trình nuôi tôm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để rủi ro không lặp lại. Huyện cũng đã ban hành văn bản, hướng dẫn cụ thể cho các gia đình thực hiện…”, ông Trúc nhấn mạnh.

 Lực lượng chức năng kiểm tra tôm nuôi tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Q.A

Lực lượng chức năng kiểm tra tôm nuôi tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Q.A

Theo đó, yếu tố quan trọng nhất khi nuôi tôm là lựa chọn con giống, bởi nguồn giống tôm khỏe mạnh quyết định đến 50% thành bại của vụ tôm. Con giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng. Tuyệt đối không thả nuôi các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra theo quy định.

Đối với nguồn nước nuôi tôm phải có kế hoạch dự trữ nước trong ao chứa, lắng để chủ động cấp nước khi cần thiết. Nước trong ao chứa lắng phải được xử lý Chlorine nồng độ 30ppm, thời gian xử lý 7-10 ngày trước khi cấp vào ao nuôi. Luôn duy trì mực nước trong ao nuôi tối thiểu từ 1,3 -1,5m. Những hộ nuôi tôm trong nhà có mái che cần điều chỉnh hệ thống lưới để giảm ánh nắng trực tiếp vào bể nuôi, thông gió, thông nhiệt để giảm hiệu ứng nhà kính.

Thả tôm nuôi trong giai đoạn này sẽ trùng vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Do đó, người dân cần tăng cường thời gian quạt khí nước ao nuôi để cung cấp oxy và tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ trong nước. Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị ẩm mốc và hạn chế lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi. Trong thời điểm thời tiết nắng nóng nên giảm lượng thức ăn hàng ngày, chỉ cho ăn 70-80% so với bình thường. Định kỳ 5-7 ngày/lần bổ sung Vitamin C, khoáng, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.

 Việc thả lứa tôm mới cần được theo dõi định kỳ. Ảnh: Q.A

Việc thả lứa tôm mới cần được theo dõi định kỳ. Ảnh: Q.A

Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế sự xâm nhập tác nhân gây bệnh vào ao nuôi như: Kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới xung quanh bờ ao, dụng cụ, thiết bị không được dùng chung giữa các ao nuôi và được tiêu độc, khử trùng sau mỗi đợt sử dụng.

Điều quan trọng nhất trong vụ tôm này là người dân cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi, lấy mẫu tôm kiểm tra định kỳ để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, chết bất thường phải báo ngay HTX, tổ cộng đồng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để lấy mẫu xét nghiệm kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch như vừa qua, khiến tôm chết hàng loạt không thể cứu vãn.

Q.A

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-nuoi-tom-tai-nghe-an-than-trong-tha-lua-moi-post289645.html