Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên trắng tay...

Sau bão số 12, nước lũ từ thượng nguồn về không chỉ nhấn chìm nhiều khu dân cư, làng mạc mà cơ ngơi sản xuất, kinh doanh của người dân Phú Yên cũng bị trôi theo dòng lũ. Tại các làng biển ven vịnh Xuân Đài, nước lũ về làm tôm hùm nuôi của bà con bị ngạt nước chết hàng loạt, gây thiệt hại đến hàng tỉ đồng...

Hàng loạt điểm mua bán tôm hùm dọc theo đường biển khu vực vịnh Xuân Đài.

Có mặt tại các làng biển ven vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) mấy ngày nay, thật đau xót khi chứng kiến cảnh người nuôi tôm hùm đang cố lặn hụp dưới dòng nước lũ đục ngầu để kiểm tra lồng bè và cứu vớt những lồng tôm còn sót lại.

Tuy nhiên, dù đã cố nhưng hầu hết các hộ nuôi tôm tại đây chỉ biết than trời sao nỡ cướp đi cơ ngơi, sinh kế của họ sau cả năm trời bỏ công, bỏ vốn để chăn nuôi, giờ phải... trắng tay.

Thẩn thờ nhìn dòng nước lũ đang cuồn cuộn trôi, bà Hà Thị Lợi ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu nói trong nước mắt: “Vụ này, tôi chạy vạy vay vốn hơn 300 triệu của ngân hàng để thả nuôi 1.000 con tôm hùm thịt. Thấy tôm đang lớn lại bắt đầu có giá nên chần chừ chưa thu hoạch với mong muốn chờ thêm thời gian nữa để giá cao hơn, sản lượng tôm cũng nhiều hơn. Ai ngờ...”.

Bà Lợi so sánh, nếu bán vào thời điểm hiện nay thì giá tôm khoảng 800.000 đồng/ kg, gia đình bà sẽ có lãi lớn. Tuy nhiên, nước lũ đã làm tôm chết hàng loạt.

Khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên không chỉ có gia đình bà Lợi mà nhiều hộ nuôi tôm hùm khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Nhiều gia đình trắng tay chỉ sau một đêm. Hộ thiệt hại ít nhất mất 200 triệu đồng, nhiều lên đến hơn 2 tỉ đồng. Cả làng biển rơi vào bế tắc...

Rời Xuân Yên, chúng tôi đến xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu. Nơi đây bầu không khí u buồn cũng như đang bao trùm các làng biển có người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài. Hàng loạt lồng tôm hùm nuôi sắp đến vụ thu hoạch của người dân đều bị chết do ngạt nước lũ.

Trên tuyến đường ven biển của xã Xuân Phương, nhiều điểm mua bán tôm hùm hai ngày nay bỗng hình thành và tấp nập người. Xa xa từ phía vịnh Xuân Đài, các thuyền thúng nối nhau quay vào bờ chở theo nhiều thùng tôm vào bán cho thương lái. Điều đáng nói là hầu hết đều là tôm hùm đã chết hoặc sắp chết.

Theo nhiều người dân, họ cố vớt mang tôm vào bán dù giá rất thấp nhưng với mong muốn vớt vát được bao nhiêu tiền thì hay bấy nhiêu.

Theo bà Phạm Thị Ngã, bình thường 1 kg tôm hùm thịt giá đến 800 nghìn đồng, khi chết chỉ còn 200.000 đồng. Nhà bà đầu tư 200 triệu đồng để ươm nuôi 5.000 con tôm hùm và thả nuôi 1.000 con tôm thịt. Chỉ sau một đêm lũ, gia đình bà cũng mất hết...

Ông Nguyễn Văn Tuyền (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) chia sẻ: “Hầu hết các hộ nuôi đều bị thiệt hại bởi đợt lũ này. Toàn xã có đến 80 đến 90% số hộ bị thiệt hại. Một, hai người nhận lồng xuống dưới sâu thì may ra còn cứu được 50%, còn ngoài ra là chết sạch hết”.

“Trong hai ngày (11 và 12/11), nước lũ về gây thiệt hại nặng cho nghề nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Xuân Đài. Riêng ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, số tôm hùm thịt chết lên đến hơn 8 tấn”- ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu xác nhận.

1 kg tôm hùm thịt bình thường giá đến 800 nghìn đồng, nhưng khi tôm chết như hiện nay giá chỉ còn 200.000 đồng/1kg.

Theo báo cáo nhanh của UBND thị xã Sông Cầu, tại các địa phương gồm phường: Xuân Phương, Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Yên và xã Xuân Thịnh đã có 169 hộ, 1.521 lồng nuôi, với gần 150 nghìn con tôm xanh có trọng lượng từ 2 - 2,5 lạng/con bị chết, ước thiệt hại gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê sơ bộ ban đầu, bởi hiện nay, hiện tượng tôm chết chưa dừng lại và chưa thể thống kê được.

Trước thực trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho biết, nguyên nhân là do ảnh hưởng của nước lũ đã làm tôm bị sốc nước và chết. Tôm chết nhiều tập trung ở các lồng bè trên vịnh Xuân Đài, đặc biệt là tại các khu vực gần cửa sông Tam Giang, sông Bắc Lục Khẩu, bởi ở các khu vực này, lượng nước lũ về đổ ra các con sông quá lớn trong khi số lượng lồng nuôi thì quá dày, khó có thể di dời được.

Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu tôm, cá nuôi bị chết và mẫu nước vùng nuôi đưa đi xét nghiệm để có kết luận chính xác. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp các địa phương và Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu thống kê thiệt hại, hướng dẫn người nuôi các biện pháp xử lý.

Trước khi rời thị xã Sông Cầu, lòng chúng tôi nặng trĩu khi chứng kiến những thiệt hại của người nuôi tôm hùm tại đây. Sao không nặng lòng được khi mà hơn 7 tháng qua, người dân nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên đã phải lao đao do tôm không bán được vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Nay tôm hùm lên giá thì lại mất trắng vì sốc nước lũ.

Điều mà người dân mong muốn lúc này là Nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ khoanh nợ và cho vay mới để tái sản xuất..../.

Bài, ảnh: Đình Tăng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-tom-hum-o-phu-yen-trang-tay-567821.html