Người nổi tiếng ở Nhật trầm cảm vì áp lực phải hoàn hảo

'Sự nghiệp của bạn sẽ sụp đổ nếu truyền thông và công chúng biết bạn có vấn đề tâm lý', Tamaki Suda, nhà sản xuất truyền hình, chia sẻ.

Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, nói về việc nhiều nghệ sĩ dù gặp vấn đề tâm lý, họ vẫn buộc phải giấu kín cảm xúc và duy trì hình ảnh hoàn hảo theo quan niệm xã hội.

Ngày 28/9, truyền thông Nhật Bản chấn động trước cái chết của nữ diễn viên nổi tiếng Yuko Takeuchi (40 tuổi), người được mệnh danh "Nữ hoàng nước mắt" của điện ảnh xứ hoa anh đào. Cô được phát hiện tự tử tại nhà riêng, để lại sau lưng gia đình nhỏ cùng sự nghiệp diễn xuất đồ sộ của mình.

Sự ra đi của Takeuchi là cú sốc đối với công chúng bởi trước đó, cô luôn xuất hiện trước đám đông với vẻ ngoài xinh đẹp, duyên dáng, chăm chỉ và tràn đầy năng lượng. Không có di thư, nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của nữ diễn viên mãi là một ẩn số.

Yuko Takeuchi không phải nghệ sĩ Nhật Bản duy nhất tự sát trong năm nay. Mới đây, hai diễn viên Sei Ashina (36 tuổi) và Haruma Miura (30 tuổi) đã tự kết thúc đời mình tại nhà riêng. Họ đều là những gương mặt sáng giá của điện ảnh xứ hoa anh đào, từng đạt nhiều giải thưởng, sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo và luôn hoàn hảo trước mắt công chúng.

Do quan niệm xã hội đề cao tính kiên nhẫn và chịu đựng, người dân nước này hiếm khi chia sẻ khó khăn của mình. Với các ngôi sao nổi tiếng, họ buộc phải kiềm nén nỗi buồn để thể hiện hình ảnh tươi mới, hoàn hảo. Sự dồn nén tâm trạng và áp lực từ công chúng đẩy nhiều nghệ sĩ vào cảnh trầm cảm kéo dài, thậm chí đi đến ý định tự vẫn.

 Gần đây, Yuko Takeuchi, nữ diễn viên tài ba của điện ảnh Nhật Bản, đã tự sát tại nhà riêng. Ảnh:Le Segretain/Getty Images.

Gần đây, Yuko Takeuchi, nữ diễn viên tài ba của điện ảnh Nhật Bản, đã tự sát tại nhà riêng. Ảnh:Le Segretain/Getty Images.

Xã hội không chứa chấp nỗi buồn

Theo báo cáo của chính phủ, kể từ đầu tháng 8/2020, tỷ lệ tự tử tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 74% nạn nhân là nữ giới trong độ tuổi 16-30.

"Người Nhật hiếm khi thể hiện sự yếu đuối và nỗi buồn của mình. Chúng tôi không thể tới gặp bác sĩ tâm lý, cũng không thể chia sẻ tâm tư với người thân", Yasuyuki Shimizu, giám đốc Trung tâm Thúc đẩy biện pháp chống trầm cảm Nhật Bản (JSCPC), chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm và quyết định tự vẫn của người dân nước này vô cùng phức tạp. Một trong những lý do phổ biến ngày nay là áp lực phải thể hiện sự thành đạt và hạnh phúc trên mạng xã hội.

"Nếu thực tế không như những gì phô bày trên mạng, bạn sẽ cảm thấy chật vật vì luôn giả vờ sống 'cuộc đời trong mơ' để đáp ứng kỳ vọng của bạn bè và người theo dõi", ông Shimizu nói.

Bên cạnh đó, người dân xứ hoa anh đào có xu hướng tách biệt con người xã hội (soto) và con người nội tâm (uchi) của mình. Dù có gặp khó khăn trong cuộc sống, họ vẫn mang vẻ ngoài tích cực, tươi vui vì sợ rằng sự yếu đuối của bản thân sẽ phiền hà người khác.

 Người Nhật không thể hiện sự yếu đuối của bản thân vì lo sợ gây phiền hà cho người khác. Ảnh: Charly Triballeau/AFP.

Người Nhật không thể hiện sự yếu đuối của bản thân vì lo sợ gây phiền hà cho người khác. Ảnh: Charly Triballeau/AFP.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lối suy nghĩ trên đã giúp Nhật Bản khống chế thành công số ca nhiễm và tử vong. Để tránh trở thành gánh nặng của cộng đồng, phần lớn công dân đều tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, tránh tập trung đông đúc và chủ động giãn cách xã hội.

"Quan niệm cộng đồng đã trở thành ưu thế của Nhật Bản trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, điều này phản ánh việc con người không dám bộc lộ cảm xúc tiêu cực như đau khổ, buồn bã... vì sợ trở nên lạc loài", Toshihiko Matsumoto, giám đốc Trung tâm Thần kinh và Tâm lý học Quốc gia tại Viện Sức khỏe tâm thần, nhận định.

Khi thành công gắn liền với sự hoàn hảo

Đối với những nghệ sĩ Nhật Bản, áp lực thường đến từ kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ.

Tại các nước châu Âu và Mỹ, người nổi tiếng có thể cởi mở chia sẻ về tình trạng tâm lý của bản thân với công chúng và tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia khi cần. Nhưng ở xứ hoa anh đào, hành động này được coi là "khác thường".

"Nếu là một ngôi sao đình đám, sự nghiệp của bạn sẽ sụp đổ nếu truyền thông và công chúng biết bạn có vấn đề tâm lý. Chỉ cần đề cập đến nó, hình ảnh của bạn sẽ bị gán với cụm từ 'trầm cảm' hay 'bất thường' mãi mãi. Lúc đó, cơ hội việc làm của bạn sẽ thưa dần", Tamaki Tsuda, nhà sản xuất truyền hình, nói.

Thực tế, đại dịch đã khiến ngành giải trí Nhật Bản "tê liệt" suốt nhiều tháng qua. Các chương trình truyền hình và điện ảnh phải ngừng quay hoặc thay đổi cách làm việc, nhiều nghệ sĩ không may nhiễm virus corona chủng mới và cơ hội việc làm ngày càng hạn chế.

Những xáo trộn trong công việc khiến nhiều nghệ sĩ rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ rằng mình sẽ mất đi chỗ đứng trong ngành giải trí khắc nghiệt.

"Người Nhật thường có thói quen đổ lỗi cho bản thân. Nhiều nghệ sĩ tự trách mình khi lịch trình trống trơn suốt nhiều tháng, nghĩ rằng 'do họ chưa đủ xuất sắc và chăm chỉ'", Hiromichi Shizume, một nhà sản xuất khác, cho biết.

 Áp lực từ công việc và dư luận đẩy nhiều nghệ sĩ Nhật Bản vào cảm trầm cảm. Ảnh: Pascal Le Segretain.

Áp lực từ công việc và dư luận đẩy nhiều nghệ sĩ Nhật Bản vào cảm trầm cảm. Ảnh: Pascal Le Segretain.

Dẫu vậy, những minh tinh xứ hoa anh đào hiếm khi nhận được sự đồng cảm của công chúng. Chỉ cần một lời nói, một việc làm đi ngược lại số đông, các nghệ sĩ lập tức bị nhấn chìm trong những lời chỉ trích của người hâm mộ.

Điển hình như nữ diễn viên tài ba Yuko Takeuchi, người đã quyên sinh tại nhà riêng vài ngày trước. Dù đã qua đời, cô vẫn bị cư dân mạng Nhật Bản lên án vì hành động của mình.

Một người dùng Twitter đăng tải dòng trạng thái: "Trước đó, mọi chuyện vẫn ổn mà. Sao cô ta có thể tự sát và để lại hai đứa trẻ? Đúng là người vô trách nhiệm thì không thể thành danh được. Cô ta có gặp khó khăn về tài chính hay bệnh tật gì đâu?".

"Yuko Takeuchi sống trong căn nhà có giá thuê 1.85 triệu yen/tháng. Vậy là tiền bạc chưa đủ để con người hạnh phúc sao?", một tài khoản khác bình luận.

Tại cuộc họp báo sau khi nữ diễn viên qua đời, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato bày tỏ sự quan ngại trước hàng loạt vụ tự sát của người nổi tiếng.

"Để không còn đơn độc với những âu lo của bản thân, chúng ta cần cùng nhau xây dựng một xã hội, nơi ta có thể ủng hộ và chăm sóc lẫn nhau", ông Katsunobu phát biểu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm lý lại không quá tin tưởng lời hứa của chính phủ.

"Tương tự như bao chính sách khác, ý tưởng 'xã hội nơi không ai cảm thấy cô đơn' rất khó để hiện thực hóa. Chúng ta không thể thay đổi xã hội trong một sớm một chiều được", Michiko Ueda, giáo sư Chính trị học tại ĐH Waseda (Tokyo), nhận định.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-noi-tieng-o-nhat-tram-cam-vi-ap-luc-phai-hoan-hao-post1138842.html