Người Nhật trở lại

Mặc dù thị trường bất động sản đang trầm lắng, nhưng cuộc họp báo về thị trường bất động sản TP.HCM quý I/2012 do Savills Việt Nam tổ chức hôm 6.4 lại có khá đông người tham dự. Điều này được đại diện của Savills lý giải một cách dí dỏm rằng, chắc do thị trường khó khăn, mọi người quá rảnh rỗi nên mới đi họp. Điều đó có thể đúng một phần.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể thấy bên cạnh những nhà đầu tư trong nước, còn có khá nhiều tổ chức nước ngoài đến nghe ngóng để tìm cơ hội. Nhà đầu tư Nhật là một trong số đó. Thực tế là chỉ ngay sau buổi họp báo, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư của Savills Việt Nam, đã phải tạm dừng các cuộc trao đổi bên lề với phóng viên để làm việc với 2 nhà đầu tư Nhật. Không tiết lộ danh tính các nhà đầu tư này, nhưng ông Khương cho biết, họ đang nhờ Công ty tư vấn về việc mua lại dự án nhà ở tại Việt Nam.

Những người đi tiên phong

Những năm qua, trong khi các nhà đầu tư châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản Việt Nam thì người Nhật dường như không mấy quan tâm. Cần biết rằng, ngay cả tại thị trường của nước họ, nhà đầu tư Nhật cũng im hơi lặng tiếng kể từ cuộc khủng hoảng địa ốc thập niên 1990. Từ những năm 1990-2005, giá đất ở Nhật giảm tới 70% trong một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, gần đây, đặc biệt là sau thảm họa động đất - sóng thần tại Nhật, nhà đầu tư Nhật đã bắt đầu quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam bên cạnh các lĩnh vực tài chính, truyền thông và hàng tiêu dùng.

Trong đó, có thể kể đến Tập đoàn Tokyu, một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật hoạt động trên các lĩnh vực như tàu điện, phát triển đô thị, giao thông vận tải, kinh doanh bán lẻ siêu thị, khách sạn và văn hóa giáo dục. Tập đoàn này đã cùng với Tổng Công ty Becamex IDC thành lập liên doanh Becamex Tokyu để đầu tư xây dựng dự án Khu Đô thị Tokyu Binh Duong Garden City tại thành phố mới Bình Dương. Dự án vừa được khởi công vào ngày 2.3 vừa qua với vốn đầu tư dự kiến 25.000 tỉ đồng trên diện tích 71 ha, bao gồm khu giải trí, thương mại, văn phòng và khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở.

Dự án này đã tạo ra sự đột phá về vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam quý I/2012, sau 3 năm liên tục sụt giảm. Tính đến ngày 20.3, cả nước có 120 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,26 tỉ USD, bằng 77,2% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, Tokyu Binh Duong Garden City đã chiếm đến 1,2 tỉ USD.

Tháng 12 năm ngoái, Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam đã tư vấn thành công cho thương vụ Công ty Tama Global Investment Pte, thành viên của Tập đoàn Tama Home có doanh thu 1,8 tỉ USD/năm, mua lại 20% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (CotecLand). Với sự hợp tác này, Tama Home sẽ chuyển giao các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng và quản lý xây dựng bất động sản.

Bên cạnh lĩnh vực nhà ở, tại phân khúc bất động sản công nghiệp, ngày 19.3, Sojitz Corporation, Daiwa House Industry và Kobelco Eco-Solution đã hợp tác với đối tác Việt Nam là Donafood để xây dựng Khu Công nghiệp Long Đức 281 ha tại xã Long Đức (Long Thành, Đồng Nai). Theo dự kiến, các công ty Nhật sẽ cùng với Donafood đầu tư khoảng 100 triệu USD để phát triển khu công nghiệp này.

Trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản, người Nhật cũng đã bắt đầu có mặt. Hồi cuối tháng 2, Tập đoàn KMIX Corporation đã mua lại 45% cổ phần của Công ty Huy Bảo để thâm nhập thị trường quản lý và bảo trì cao ốc tại Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, các dự án bất động sản mang phong cách Nhật được dự báo sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. “Có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn thương lượng. Cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp và các đô thị mới là những phân khúc đang được nhà đầu tư Nhật quan tâm”, ông Khương, Savills Việt Nam, cho biết.

Vì sao là Việt Nam?

Ông Khương cho rằng khó khăn hiện nay của nhà đầu tư Nhật chính là thị trường ở nước họ đã bão hòa. Vì thế, họ phải tìm kiếm thị trường mới. Họ chọn Việt Nam vì nhìn thấy được một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn với cơ cấu dân số trẻ cao và năng động.

Ngoài ra, còn có một lý do khác là lãi suất vay vốn tại Nhật rất thấp. Tại các ngân hàng khu vực của Nhật, lãi suất cho vay chỉ khoảng 1%. Trong khi đó, đồng yen lại lên giá so với tiền đồng. So sánh lãi suất vay của Nhật và Việt Nam cũng có thể thấy nhà đầu tư Nhật đang có sự thuận lợi đáng kể.

Lợi nhuận trong đầu tư địa ốc tại Việt Nam cũng có thể là lý do khiến nhà đầu tư Nhật quan tâm đến thị trường này. Năm ngoái, trả lời cho câu hỏi vì sao thị trường bất động sản Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, cho rằng một phần là vì các thị trường như Philippines, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông đã không còn hấp dẫn.

“Lấy ví dụ một số tòa nhà được xây dựng trên đường Robinson ở Singapore, nhà đầu tư phải bỏ ra 15.000 USD/m 2 để xây nhà bán hoặc cho thuê mà chỉ kiếm lời có 3%, một con số quá thấp. Trong khi đó, nếu đầu tư vào các địa điểm tốt ở Việt Nam thì có thể lãi hơn 20%”, ông nói.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=12135