Người Nhật ít tập thể dục nhưng lại khỏe mạnh và sống lâu nhất, bí quyết là do đâu?

Nhật Bản là đất nước có tuổi thọ trung bình đứng đầu thế giới, thậm chí còn được xếp hạng là quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới.

Người Nhật không chỉ sống lâu mà còn có tỷ lệ người mắc béo phì rất thấp, liệu điều này có liên quan đến việc tập thể dục thể thao của họ hay không?

1. 60% người Nhật tập thể dục ít hơn mức trung bình của thế giới

Theo dữ liệu về tuổi thọ toàn cầu do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tổng hợp, tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản là 81,09 tuổi và tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 87,26 tuổi. Dữ liệu này khiến Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới.

Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới cũng công bố số liệu khảo sát về tỷ lệ béo phì toàn cầu, trong đó Nhật Bản đứng trong danh sách các quốc gia phát triển có tỷ lệ béo phì thấp với tỷ lệ béo phì là 4%. Trong khi đó Pháp có tỷ lệ béo phì là 11%, và Mỹ cao tới 32%. Nhiều người suy đoán, liệu người Nhật có yêu thích thể thao, rèn luyện sức khỏe để duy trì tỷ lệ béo phì thấp như vậy hay không? Tuy nhiên, theo khảo sát của tạp chí The Lancet, Nhật Bản là một trong những “quốc gia ít yêu thể thao nhất thế giới, cụ thể 60% người Nhật không tập thể dục."

Mặc dù vậy, một số nhà khoa học đã phát hiện ra cách vận động của người Nhật không nằm ở việc tập thể dục hằng ngày. Vì đi lại ở Nhật Bản bằng taxi rất tốn kém, mật độ dân số cao nên họ tập trung đi bộ hoặc đi xe đạp để có thể đáp ứng nhu cầu đi lại. Ngoài ra, địa hình Nhật Bản là đồi núi, nhiều đường lên dốc và xuống dốc. Vì vậy, đối với người Nhật, ngay cả việc đi lại hằng ngày cũng là một cuộc leo núi.

2. Người Nhật tập trung vào 5 thói quen ăn uống tốt

Có người cho rằng Nhật Bản là nước phát triển với tiêu chuẩn y tế và hệ thống an ninh y tế tương đối hoàn thiện nên người dân đương nhiên sẽ sống lâu hơn. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, chế độ ăn uống cũng là một yếu tố quan trọng.

Người Nhật thường ăn đồ nguội: Người Nhật thường ăn “cơm nguội” như cơm nắm, sushi,… Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, cơm nguội có chứa một loại "tinh bột kháng" có thể chống lại sự phân hủy của amylase và làm chậm tốc độ hấp thụ của cơ thể , do đó tốc độ tăng lượng đường trong máu cũng sẽ chậm hơn.

Người Nhật ăn nhiều hải sản: Người Nhật ít khi ăn thịt đỏ bởi trước đây, những loại thịt đỏ thường được dùng làm dược liệu. Họ thích ăn thịt trắng và đặc biệt là hải sản đánh bắt ở biển sâu. Những loại hải sản này rất dầu dinh dưỡng, làm giảm mức cholesterol xấu và có lợi cho sức khỏe tim mạch

Người Nhật ăn ít và chủ trương “no đủ 80%”: Mặc dù bàn ăn của người Nhật bày trí rất nhiều món ăn nhưng khẩu phẩn ăn lại không lớn. Họ chỉ ăn no đến 80% để hệ tiêu hóa hoạt động một cách tốt nhất, không ăn quá no gây nặng bụng, khó tiêu.

Phương pháp nấu ăn ít dầu mỡ: Phương pháp nấu ăn của Người Nhật rất nhẹ nhàng và ít dầu mỡ. Hơn nữa, người dân rất thích hương vị nguyên bản của món ăn và không thêm quá nhiều gia vị khi chế biến.

Người Nhật và văn hóa cơm hộp bento: Mặc dù ở Nhật Bản có nhiều hàng quán nhưng người dân địa phương thích tự nấu ăn, chú ý đến dinh dưỡng và thích mang theo hộp cơm trưa bento đi làm.

Hà Giang (Theo Aboluowang)

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/nguoi-nhat-it-tap-the-duc-nhung-lai-khoe-manh-va-song-lau-nhat-bi-quyet-la-do-dau-202816.html