Người nhà Samsung kiện nhau

Với doanh nhân lớn, có nhiều người họ hàng trong cùng một tập đoàn là rất có lợi. Đặc biệt là khi bầu cử vào các chức vụ chủ chốt của tập đoàn. Tuy thế, khi chia gia sản, quá nhiều anh chị em, cháu chắt cũng lại gây ra tình hình phức tạp, mà nếu không cẩn thận sẽ dẫn tới kiện cáo, chuốc thù gây oán. Trường hợp ông Lee Kun-hee, lãnh đạo tập đoàn không lồ Samsung của Hàn Quốc là ví dụ điển hình.

Người sáng lập Samsung - Lee Byung-chull

Từ biểu tượng 3 ngôi sao

Trong vòng mấy tháng gần đây, ông Lee Kun-hee bị tới ba đơn kiện. Tất cả có thể nói đó là người trong nhà kiện nhau. Những người đứng ra kiện là anh, chị và người cháu của ông Lee Kun-hee - chủ tịch hội đồng quản trị Samsung. Cả ba người vừa nêu đều đòi hỏi số cổ phiếu mà dường như họ chưa được chia khi người sáng lập tập đoàn Samsung - Lee Byung-chull qua đời.

Ông Lee Byung-chull sinh năm 1910 trong một gia đình địa chủ lớn ở Uiryeong, tỉnh Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc. Khi trưởng thành, chàng trai trẻ Byung-chull du học tại Đại học tổng hợp Waseda ở Tokyo, Nhật Bản. Tuy thế, giấc mơ đại học của người thanh niên đầy nhiệt huyết này bị dang dở, vì khi đang học người cha qua đời nên Byung-chull trở về nước. Tiếp quản gia sản của cha để lại, chàng trai trẻ bắt tay vào sản xuất gạo, bột mì và mì ống. Đến năm 1938, do kinh doanh thuận lợi nên Lee Byung-chull thành lập hãng thương mại Samsung Sanghoe với 40 nhân công.

Logo (biểu tượng) đầu tiên của hãng gồm có 3 ngôi sao (vì Samsung trong tiếng Hàn quốc có nghĩa là 3 ngôi sao). Lee Byung-chull giải thích số 3 tượng trưng cho “sức mạnh, hài hòa và vươn xa”, còn ngôi sao là biểu tượng của “trường tồn”. Theo một cách hiểu khác, 3 ngôi sao cũng là hình ảnh ba người con trai ruột của Lee Byung-chull.

Công cuộc kinh doanh của Samsung Sanghoe rất phát đạt nên vào năm 1947, đại bản doanh của hãng chuyển tới Seoul. Ngay cả khi chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên diễn ra vào đầu những năm 1950 cũng không cản trở sự phát triển của hãng. Vào năm 1953, Lee Byung-chull thành lập thêm một hãng kinh doanh - Cheil Sugar. Lợi nhuận của Cheil Sugar được ông Byung-chull đầu tư thành lập thêm nhiều hãng khác như Cheil Wool Textile Co. chuyên bản vải vóc, hay các hãng bảo hiểm, sản xuất máy móc…

Tới năm 1961, Lee Byung-chull gộp tất cả các hãng lại để thành lập tập đoàn Samsung (Samsung Corporation) và trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn này. Đến năm 1969, ông thành lập Samsung Electronics và hàng loạt các chi nhánh chuyên trong lĩnh vực điện tử gia dụng như Samsung Electronics Devices Co., Samsung Electro-Mechanics Co., Samsung Corning Co. và Samsung Semiconductor & Telecommunications Co., mà sản phẩm đầu tiên torng lĩnh vực này là chiếc ti vi đen trắng.

Vào năm 1983, Samsung sản xuất những chiếc máy vi tính cá nhân đầu tiên. Kết quả, Samsung Electronics là một torng những đơn vị chủ lực của tập đoàn Samsung và nắm giữ cổ phiếu trong các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp hóa chất, tài chính, marketing, xây dựng và nhiều địa hạt khác.

Năm 1987, khi Lee Byung-chull qua đời ở tuổi 77 vì ung thư phổi, Samsung lọt vào top 50 tập đoàn lớn nhất thế giới và trong vòng gần 10 năm là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Ở thời điểm người sáng lập tập đoàn qua đời, Samsung có tổng cộng 75.000 nhân viên, còn tới năm 2010 là 340.000. Trong năm 2010 này, doanh thu của Samsung đạt 172 tỉ USD và chiếm gần 1/5 GDP của Hàn Quốc.

Ông Lee Kun-hee, đang đối diện với nhiều đơn kiện của người nhà.

Đến sự bổ nhiệm trái khoáy

Sau cái chết của Lee Byung-chull, những người con của ông được thừa kế gia tài mà ông để lại. Theo thông tin từ báo chí, Byung-chull có khá nhiều con. Báo The New York Times trong khi thông tin về cái chết của cha đẻ tập đoàn Samsung, có đề cập đến chuyện con cái của ông. Theo đó, Byung-chull có bốn người con trai và sáu người con gái. Tuy thế, đó là thông tin không chính xác, sau này báo giới thông tin rằng, thực ra Lee Byung-chull chỉ có tất cả tám người con, gồm ba người con trai và năm người con gái.

Mới đầu người ta chỉ thông tin là Lee Kun-hee, người con thứ ba của Lee Byung-chull sẽ thay thế cha trong vị trí chủ tịch hội đồng quản trị. Đây là điều khá bất thường, vì theo truyền thống châu Á, lẽ ra người con trai trưởng phải tiếp quản vị trí này. Còn các thông tin khác như phân chia tài sản thì hầu như được giữ kín.

Những năm 1990, Samsung bắt đầu phân tách hàng loạt các hãng “con” của mình như mạng lưới bán lẻ Shinsegae, hãng sản xuất thực phẩm Cheil Jedang, hãng sản xuất giấy Hansol. Quyền lãnh đạo được chia cho những người họ hàng của Lee Byung-chull. Trong những năm này dưới sự lãnh đạo của Lee Kun-hee, Samsung bắt đầu mở rộng thị trường ra nước ngoài như Mỹ, Anh, Đức, Thái Lan, Mexico và Trung Quốc.

Theo thông tin từ báo Korea IT Times, Shinsegae Group do con gái út của Lee Byung-chull là Lee Myung-hee điều hành, còn Cheil Jedang do cháu nội của ông là Lee Jae-hyun quản lý.

Trong một bài viết Korean Links thông tin rằng, vợ của Lee Kun-hee là Kang Ha-ra lãnh đạo bảo tàng nghệ thuật của dòng họ, còn con gái Lee Boo-jin nắm giữ mạng lưới khách sạn, một người con gái khác - Lee Seo-hyun, làm chủ mạng lưới bán lẻ thời trang. Con trai của nhà lãnh đạo Samsung hiện nay - Lee Jae-yong, từ năm 2010 là chủ tịch của Samsung Electronics.

Một người con gái khác của Lee Kun-hee là Lee Yoon-hyung vào năm 2005 đã tự tử vì người cha cấm cô này lấy bạn trai làm chồng. Nhà lãnh đạo tập đoàn đã không tham dự lễ chôn cất con gái mình. Với họ hàng ruột thịt chưa biết thế nào, nhưng với người trong gia đình mình, Lee Kun-hee đã sắp xếp chu toàn mọi vị trí. Đây có thể cũng là nguyên nhân khiến những người khác trong đại gia đình Samsung cảm thấy không hài lòng.

Và sóng gió nơi hậu trường

Về kiện cáo tranh cãi trong nội bộ đại gia đình Lee về quyền thừa kế người ta bắt đầu biết đến vào tháng 2.2012, khi người anh trai cả là Lee Maeng-hee đâm đơn kiện người em Lee Kun-hee. Tổng giá trị tiền vụ kiện này là 700 tỉ won (tương đương 625 tỉ USD).

Sau đó, người chị gái là Lee Sook-hee kiện Lee Kun-hee đòi 190 tỉ won. Cuối cùng vào ngày 28.3 vừa qua, hãng tin Yonhap thông báo, gia đình Lee Jae-chan - cháu gái gọi Lee Kun-hee là chú ruột - cũng đâm đơn lên tòa án đòi quyền hưởng 100 tỉ cổ phiếu của hãng sản xuất đồ điện tử gia dụng. Lee Jae-chan là con gái của Lee Chang-hee, người con trai thứ hai của Lee Byung-chull.

Các đơn kiện khẳng định, Lee Kun-hee trong khi trở thành người thừa kế Lee Byung-chull, đã được nhận nhiều cổ phiếu hơn phần được chia. Chẳng hạn, Lee Maeng-hee nói rằng, em trai của mình (Lee Kun-hee) ngoài số cổ phiếu được chia, còn nắm thêm các cổ phiếu khác của người cha, được đăng ký dưới cái tên khác.

Trong khi đó, Samsung đưa ra thông báo, vấn đề thừa kế giữa con cháu của Lee Byung-chull đã được dàn xếp ổn thỏa từ lâu và sẽ không bình luận thêm gì về vấn đề này. Quả là đáng chú ý, khi các đơn kiện Lee Kun-hee lại trùng hợp với thời điểm các báo tại Hàn Quốc thông tin về giá trị cổ phiếu của ông này vào ngày 25.3.2012 là 13.000 tỉ won (gần 11,5 tỉ USD). Ngày 29.3, vợ của Lee Byung-chull và người con trai thứ hai là Lee Chang-hee tuyên bố, sẽ kiện Lee Kun-hee. Điều đáng nói là, ngoài những người vừa nêu ra, ông Lee Kun-hee còn rất nhiều người “thân” khác mà họ rất có thể cũng sẽ muốn đưa ông ra tòa.

Người ta nói tiền nhiều thì rất tốt. Nhưng trong không ít trường hợp, tiền nhiều lại làm hại con người. Vì tiền đôi khi người ta sẵn sàng từ bỏ tình ruột thịt. Vì tiền người ta có thể không đếm xỉa đến thanh danh của dòng họ… Vì tiền người ta có thể làm những việc không thể ngờ tới.

Ngụy Ngữ Ngôn

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/quocte/ho-so-vu-an/201204/Nguoi-nha-Samsung-kien-nhau-2065584/