Người nghèo lo giá lại tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo Tổng cục Thống kê công bố, đến tháng 9/2017 tăng mạnh nhất ở lĩnh vực y tế và giáo dục, những ngành nhà nước còn quản lý giá. Một số nhóm hàng hóa khác biến động mang tính ngắn hạn, đặc biệt do chịu tác động thiên tai.

Đứa con gái lớn đưa mắt nhìn đồng hồ treo trên tường gian nhà chính, 11 giờ. Nó bỏ lại đống sách, truyện cho các em nhỏ hơn, đi vào bếp phụ bác nuôi nấu bữa trưa. Đặt nồi cơm, gọt nửa quả bí nấu canh tôm khô… vẫn như mọi khi.

Nằm ở khu ngoại ô TP. Huế, khu làng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này vẫn nhận được tiền tài trợ từ một quỹ từ thiện nước ngoài, dạo gần đây thì có kêu gọi thêm mạnh thường quân chung tiền hỗ trợ hàng tháng cho các cháu. Tuy nhiên, chất lượng bữa cơm chưa có nhiều thay đổi, vẫn cơm canh rau cà là chủ đạo.

“Lũ trẻ vô tư không để ý, chứ chúng tôi rớt nước mắt khi giá cả tăng mà khả năng tài chính chỉ có hạn, bữa cơm hụt trước thiếu sau…”, bác nuôi quay qua nói như phân bua về bữa cơm đạm bạc.

Ảnh minh họa

Cách TP. Huế 317 km về phía Bắc, TP. Hà Tĩnh cũng đang chứng kiến một đợt tăng giá mạnh. Mưa suốt một thời gian dài vừa qua đã “nhấn chìm” nhiều diện tích rau màu, vì vậy giá bán tại chợ nhiều loại tăng từ 2-10 nghìn đồng, nhưng không phải có sẵn để mua như trước.

Ngược về phía miền núi phía Bắc, tại Hòa Bình, nhiều địa bàn vừa qua trận lũ lụt lịch sử như Tân Lạc, Đà Bắc… cũng chung hoàn cảnh như vậy. Ngay giữa những tàn tích ngổn ngang còn để lại, cuộc sống nhiều hộ gia đình thêm phần khó khăn khi rau xanh đã tăng giá gấp vài lần…

Mỗi lần thiên tai xảy ra, những cán bộ thống kê có lẽ là người nhạy cảm với giá cả nhất. Trong hàng loạt báo cáo thời gian qua của Tổng cục Thống kê, chi tiết tác động do thiên tai, bão lũ luôn được nhấn mạnh. Sự trồi sụt của giá cả khi nhìn vào con số thống kê, hơn thế, còn có thể thấy những phận người.

Đời sống còn khó khăn của người dân cũng vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ rõ. Qua khảo sát từ thực tế cơ quan này đã rút ra kết luận: chỉ 51,3% người lao động vừa đủ trang trải đời sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện kham khổ, 12% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% có thể tích lũy từ tiền thu nhập. Để cải thiện điều kiện sống, phần lớn người lao động phải làm thêm hoặc tăng ca…

Tuy nhiên, vấn đề giá cả thời gian qua và những tác động của nó đến người thu nhập thấp chủ yếu do các biến động trong nước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo Tổng cục Thống kê công bố, đến tháng 9/2017 tăng mạnh nhất ở lĩnh vực y tế và giáo dục, những ngành nhà nước còn quản lý giá. Một số nhóm hàng hóa khác biến động mang tính ngắn hạn, đặc biệt do chịu tác động thiên tai như nói ở trên.

Trên thị trường thế giới, giai đoạn vừa qua thậm chí còn được nhắc đến là “thời kỳ bình ổn đáng kinh ngạc”. Chỉ số giá hàng hóa thế giới (Commodity Index), theo thống kê của Bloomberg sau khi liên tục giảm từ khoảng năm 2013 thì tương đối ổn định trong hơn 1 năm nay.

Tuy nhiên vào tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết giá tiêu dùng sẽ sớm tăng lên. Nhiều Thống đốc các NHTW hàng đầu thế giới cũng chia sẻ quan điểm trên và cho rằng do lạm phát có thể sẽ không còn ở mức thấp lâu hơn nữa, và do tình hình kinh tế đã có cải thiện nhất định, họ sẽ đẩy mạnh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Những tác động như vậy sẽ gây sức ép lên giá hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam - vốn là quốc gia lâu nay vẫn duy trì tình trạng nhập siêu là chủ yếu. Mặt khác, khi nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới lên giá, sức ép lên giá tiền đồng của Việt Nam cũng sẽ gia tăng.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước chưa thực sự vượt qua khó khăn, khả năng cạnh tranh của hàng hóa, DN Việt Nam còn nhiều hạn chế. Qua nhiều đợt giá cả thế giới tăng, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn được bán ở mức giá thấp hơn so với nhiều đối thủ, dẫn tới lợi nhuận trong nước giảm và thu nhập người lao động chậm tăng so với mặt bằng giá chung.

Nền kinh tế đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tăng thu nhập cho người lao động, DN không chịu nổi. Nhưng nếu không tăng lương thì một tỷ lệ lớn người lao động vẫn đang sống ở mức chật vật. Vai trò kiến tạo phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh là rất cần trong lúc này, để phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh có giá trị gia tăng cao hơn, có khả năng chi trả lương cao hơn cho người lao động.

Chỉ khi đó, thu nhập của người dân mới đủ khả năng chống chịu trước mỗi lần giá cả tăng lên.

Anh Quân

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-ngheo-lo-gia-lai-tang-68844.html