Người nghệ sĩ cháy hết mình với guitar cổ điển

Có một người con quê lúa Thái Bình với hành trình hơn 20 năm vượt khó, học hỏi để nuôi dưỡng niềm đam mê với guitar cổ điển. Anh luôn đau đáu lưu giữ bộ môn nghệ thuật bác học này và lan tỏa tình yêu đó đến với nhiều người. Anh là nghệ sĩ guitar Bùi Thạch.

Vượt trên tất cả những khó khăn của đời sống, nghệ sĩ guitar Bùi Thạch (hàng đầu, thứ 3, từ trái sang) vẫn cùng các đồng nghiệp miệt mài nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề. Ảnh: Khánh Ngọc

Tôi gặp nghệ sĩ guitar Bùi Thạch lần đầu tại một quán cà phê nhỏ cùng một người bạn thân quen. Nhìn từ xa, người nghệ sĩ ấy có dáng vẻ phong trần, phóng khoáng, những ngón tay lướt nhẹ trên cần đàn với những kỹ thuật điêu luyện. Phong thái điềm tĩnh chìm sâu vào từng ngón đàn, cảm giác như không một thanh âm ồn ã nào xung quanh có thể làm mất đi cảm xúc từ đôi tay nghệ sĩ ấy. Thạch tâm sự: “Cuộc sống thường ngày ai cũng hối hả, nên với âm nhạc, Thạch chỉ muốn đó là chốn đi về thật sự tĩnh lặng của tâm hồn”.

Đam mê

Cơ duyên đến với guitar của chàng trai nghèo vùng quê lúa Thái Bình khá ngẫu nhiên. Đó là vào một buổi chiều mùa Hè nắng nóng, như những ngày bình thường khác, Thạch không được ra ngoài chơi mà chỉ quẩn quanh ở nhà, ngồi trên chõng tre hóng gió, làm mấy việc vặt và trò chuyện cùng bố. Lúc đó, chiếc loa treo ở UBND xã cách nhà chừng vài trăm mét có thông báo gì đó mà Thạch không để tâm. Bỗng dưng, bố đang đóng gói những phên thuốc Lào bên cạnh hỏi giật sang: “Con có thích học đàn guitar không?”. "Lúc ấy nào có biết đàn guitar là gì, ngơ ngác, tôi lí nhí trả lời: "Con không biết". “Bố thấy mày chẳng có ước mơ gì cả” - bố có vẻ bực bội. Hồi nhỏ, tôi nhút nhát lắm và rất sợ bố.

Và trong bữa cơm tối hôm ấy, bố ra quyết định sẽ đưa tôi lên huyện gặp thầy ở Nhà văn hóa huyện như buổi chiều loa đã thông báo. Sáng hôm sau, bố nghỉ làm đồng, 2 bố con đèo nhau bằng xe đạp lên huyện cách nhà khoảng 7km. Lần mò, dò hỏi, cuối cùng cũng gặp được thầy và đó là người thầy guitar đầu tiên của tôi” - Thạch kể. Đó là năm 1993, Thạch mới học hết lớp 5. Vậy là, Thạch tạm biệt những trò chơi của các cô cậu bé nhà quê với chơi khăng, đánh đáo, thả diều, câu cá để bắt đầu với niềm đam mê...

Rồi việc học guitar với Thạch cứ đơn giản trôi qua như thế, học vì sợ bố nhưng không phải vì thế mà cậu bé Thạch lơ là việc học mà trái lại, rất miệt mài, không bỏ buổi học nào. Như năng khiếu trời cho, Thạch học rất nhanh, bài gì thầy đưa cũng chỉ một loáng là đánh được. Học được 4 năm, thầy bảo hay là chuyển sang guitar cổ điển. Và Carulli là sự khởi đầu, tiết tấu mơ hồ, bài khó hơn, tay thì sai cơ bản, nhưng không hiểu sao vẫn trôi bài và chơi được nhiều bài. Thời gian cứ thế trôi đi, với lưng kiến thức học được ở quê nhà, đến tháng 9/1999, thầy đưa Thạch lên Nhạc viện xin học lớp tạo nguồn kết hợp học bổ túc văn hóa. Tốt nghiệp cấp III, Thạch dự thi tuyển sinh vào Trung cấp Nhạc viện, chính thức bước chân vào con đường âm nhạc. 4 năm trung cấp chuyên nghiệp chỉ học guitar.

Cứ thế, cho đến sang năm học thứ 2, cơ duyên cho Thạch gặp được thầy Nguyễn Quang Vinh, cùng dịp đó Hà Nội có tổ chức một lễ hội guitar toàn quốc và Thạch đã đăng ký tham gia. Từ đó, cậu học trò Bùi Thạch theo thầy 24/24 giờ, thầy trò đi đâu cũng có nhau. Sau những giờ học trên lớp, 2 thầy trò lại ôm đàn đi khắp nơi, gặp gỡ bạn bè - những người yêu guitar cổ điển. Và cứ thế, Thạch bị ảnh hưởng từ thầy lúc nào không biết và cho đến tận bây giờ vẫn vậy. Thầy Vinh là người đam mê đặc biệt guitar cổ điển và có kiến thức sâu rộng, thầy có thể nói suốt về đàn với niềm đam mê bất tận.

Sau những năm tháng dài cùng thầy “lang bạt” với cây đàn guitar, niềm đam mê thực sự với guitar cổ điển của cậu trò ngoan Bùi Thạch bắt đầu được bùng lên mạnh mẽ khi được cùng thầy Vinh tham gia biểu diễn tại Câu lạc bộ Nhạc Tranh tại ngõ 61 Thái Thịnh (Hà Nội). Và đó được coi là câu lạc bộ đầu tiên và duy nhất có tổ chức biểu diễn guitar cổ điển tại thời điểm đó.

Dấn thân

Năm 2008, Thạch tốt nghiệp đại học sau 9 năm miệt mài, mang theo một niềm đam mê háo hức vừa nhen nhóm và một tinh thần nghiêm túc, cầu thị với nghề, Thạch chính thức bước vào con đường “sinh nghề tử nghiệp” của mình. Tuy nhiên, càng dấn thân bao nhiêu thì hiện thực đời sống âm nhạc guitar cổ điển thời điểm ấy càng làm Thạch “vỡ” ra nhiều điều. Bởi mang tính hàn lâm và vất vả nên rất ít nghệ sĩ thực sự theo đuổi nghề đến cùng. Cũng vì vậy mà sân chơi cho guitar cổ điển quá ít, không đủ để phổ biến rộng rãi ra công chúng nên không có nhiều khán giả. Các nhà tài trợ cũng vì thế mà không mấy quan tâm. Guitar cổ điển cứ thế chìm dần, trong khi mô hình quán cafe nhạc khác nở rộ.

Tìm kiếm, “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ tình yêu với guitar cổ điển luôn là khát khao của nghệ sĩ guitar Bùi Thạch. Ảnh: Khánh Ngọc

Với nhân sinh quan có phần hơi khắt khe của một người được đào tạo theo dòng nhạc cổ điển, hàn lâm và chính thống nên Thạch khó có thể hòa nhập với “không khí” của xu hướng âm nhạc đó. Cũng phải nói thêm rằng, đó cũng là thời điểm Câu lạc bộ Nhạc Tranh giải thể đồng nghĩa với việc Thạch mất đi “sân chơi” duy nhất của mình. Tiếp tục công việc dạy đàn từ thời sinh viên, nhưng Thạch lại vấp phải thực tế là không ai muốn học cơ bản, học xổi thì nhanh chán nên cũng chỉ vài buổi là bỏ. Cuộc sống mưu sinh khó khăn cộng với những hoang mang không hề nhỏ giữa đam mê, tìm tòi và khát vọng cống hiến với thực tiễn đời sống âm nhạc khiến Thạch loay hoay, đã không ít lần Thạch nản chí quay sang làm một số công việc khác, nhưng rồi đúng là “nghề chọn người” chứ đâu phải cứ muốn là được.

Sau hơn 20 năm miệt mài theo đuổi guitar cổ điển, hỏi Thạch được gì và mất gì, Thạch cười bảo: “Chả mất gì, chỉ được, được một cái nghề, à mà có mất, mất quá nhiều thời gian và công sức”. Một người chơi guitar cổ điển để có “nghề” và “phiêu” được trên sân khấu đâu có dễ dàng. Nó là sự lao động cật lực, đổ mồ hôi, sôi nước mắt và sự học là mênh mông.

Cho tới giờ, ngày nào Thạch cũng vẫn ôm đàn tập 3, 4 giờ, vì nghĩ guitar cũng là một loại ngôn ngữ, nếu không tập luyện hàng ngày là quên và những ngón đàn không thể mượt mà được. Vậy mà đến giờ như Thạch cũng vẫn chỉ gọi là tồn tại được bằng nghề. Mỗi đêm diễn guitar cổ điển bình quân có khoảng 50 khán giả là nhiều, chứ làm gì có khán giả đông kín khán phòng như những chương trình nhạc trẻ khác. Mà trong thế giới của những nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật chính thống như Thạch thì PR bản thân hay nghề nghiệp là một điều gì đó khá xa lạ và khó khăn.

Đi qua bao thăng trầm cùng nghề, cho đến hiện tại, dù cuộc sống vẫn chưa mấy dư dả, nhưng Thạch chọn cách tĩnh tại, cùng một số ít đồng nghiệp tiếp tục bền bỉ nuôi dưỡng tình yêu với guitar cổ điển mỗi ngày, luôn tìm thấy niềm vui với cái “nghiệp” đã trót dấn thân.

Chia sẻ tâm tư của một người nghệ sĩ đã vượt lên trên mọi gian nan để vẫn đam mê cháy bỏng và theo đuổi đến cùng bộ môn âm nhạc bác học này, chúng tôi hiểu mong mỏi giản đơn bao lâu nay của nghệ sĩ guitar Bùi Thạch là âm nhạc cổ điển hay guitar cổ điển sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của các cấp, ngành liên quan, bởi người nghệ sĩ cần nhiều hơn nữa các sân chơi để phổ biến rộng rãi tới công chúng.

Khánh Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-nghe-si-chay-het-minh-voi-guitar-co-dien-post467894.html