Người miền Tây chắt từng giọt nước

Nắng như đổ lửa, không có mưa, nước từ thượng nguồn về ít, sông lớn nhiễm mặn, nước ngọt trong các kênh rạch không còn, người dân ở ĐBSCL đang phải vét từng giọt nước.

San sẻ từng giọt nước ngọt

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tầm 11 giờ, nhiệt độ ngoài trời lên tới 38-40 độ C, nắng như đổ lửa, ông Hồ Minh Phụng ở ấp An Hòa (xã An Hóa) mang can đến bồn nước tại trụ sở Đội dân phòng ấp để lấy nước sinh hoạt. Lúc ông Phụng tới, nước trong bồn chứa dung tích 5m3 đã được những người tới trước lấy gần hết, ông đành nghiêng bồn cố vét những ca nước cuối cùng đổ vào can mang về sử dụng.

Theo lời ông Phụng, nhà ông gần điểm đặt bồn nước hỗ trợ người dân, nên ông ra sau, ưu tiên bà con ở xa lấy trước, nào ngờ khi tới bồn đã cạn. Xã An Hòa có 3 bồn chứa nước ngọt loại lớn (5m3) phục vụ miễn phí cho người dân, và một số bồn nhỏ đặt tại các ấp. Những bồn này ngày nào cũng được bơm nước bổ sung 1-2 lần nhưng vẫn đầy đủ cung cấp cho bà con. “Giờ nước máy mặn đắng, trẻ nhỏ không thể dùng tắm được vì sẽ bị ngứa, nên nước sạch các hộ lấy về ngoài ăn uống, chăn nuôi, còn ưu tiên tắm cho trẻ nhỏ”, ông Phụng nói.

Người dân huyện Gò Công Đông chờ lấy nước ngọt sinh hoạt bất kể ngày đêm, khi các tuyến kênh, rạch khô cạn. Ảnh: Nhật Huy

Tương tự, tại xã Giao Long (Châu Thành), giữa trưa nắng, trụ sở UBND xã vẫn tấp nập người ra vào, ai tới cũng mang theo vài ba can nhựa lấy nước. “Nắng hạn, nhiễm mặn thế này ngoài ăn uống, khổ nhất là người già và trẻ nhỏ, không có nước ngọt để tắm, tắm nước máy thì nhiễm mặn ngứa không chịu nổi, bức bí”, ông Lê Văn Đức, nhà cách UBND xã 5 cây số, mang 2 thùng đến chở lấy nước ngọt về sinh hoạt.

Không chỉ lấy nước phục vụ gia đình mình, có nhiều người còn tình nguyện bỏ việc nhà hỗ trợ lấy nước cho các gia đình neo đơn, người già, người bệnh tật không đủ sức đi chở nước về dùng. Điển hình là chị Đặng Thị Kim Chi, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Long Hội và ông Võ Hồng Hải, Đội trưởng đội dân phòng ấp Hòa Long (xã Giao Long). Ngoài hỗ trợ đưa nước cho một số gia đình neo đơn, ông Hải còn được giao nhiệm vụ trực tại bồn nước hằng ngày để bơm phát nước cho từng hộ tới lấy. “Nước ngọt khan hiếm, nên phải tiết kiệm, tôi túc trực ở đây để phân bổ cho mỗi người lấy tối đa 2 -3 can/ngày. Đảm bảo người nào cũng có nước sinh hoạt, tránh tình trạng người có, người không”, ông Hải nói.

Xếp hàng chờ nước

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường từ trung tâm huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang về các xã Phước Trung, Tăng Hòa... dọc đường không khó gặp cảnh người dân mang can nhựa xếp hàng chờ lấy nước ngọt tại các vòi công cộng. Tại một vòi nước công cộng của địa bàn xã Phước Trung, chỉ khoảng 15 phút, đã có hàng chục người đến xếp hàng chờ lấy nước. Theo người dân địa phương, hạn mặn kéo dài nước tích trữ đã sử dụng hết nên việc thiếu nước rất trầm trọng, bất kể đêm muộn hay sáng sớm luôn có người đến lấy nước.

Ông Trịnh Minh Quốc (ngụ xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) chở 10 can nhựa đến vòi nước công cộng chờ hứng nước mang về. Ông Quốc chỉ dòng kênh ngay cạnh đường, và cho biết hiện các kênh, ao nước ngọt đều khô cạn nước từ nhiều ngày qua. Hệ thống nước máy không đủ cung cấp sinh hoạt cho gia đình, vòi nước chỉ chảy nhỏ giọt, tình trạng này kéo dài gần 10 ngày nay. “Mỗi ngày 2 - 3 lượt, tôi mang can nhựa lấy khoảng 300 lít nước về cho cả gia đình sinh hoạt. Bà con ở đây chỉ biết trông chờ vào vòi nước công cộng này thôi”, ông Quốc nói.

Dưới nắng trưa gay gắt, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ ấp Ngãi Trí, xã Phước Trung) cùng chồng chở 10 can nhựa (loại 30 lít) đến điểm chờ lấy nước ngọt. Bà Lan chia sẻ: “Nước ngọt ở đây giờ khan hiếm lắm, nước dưới kênh giờ không còn giọt nào, nước máy cơ bản 2 tuần nay cũng không có. Ngoài nước ngọt cho sinh hoạt cả nhà, còn phải lấy thêm nước cho bò, dê uống, vất vả lắm, chỉ chờ vòi nước công cộng”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, từ cuối tháng 2/2024 tới nay, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nên hệ thống cống ngăn mặn đều phải đóng. Nước trong các kênh rạch nội đồng không còn nguồn cung, trong khi diện tích cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn huyện cần lượng nước ngọt rất lớn. Thêm nắng nóng kéo dài khiến nước ngọt bốc hơi nhanh, nên nước các kênh rạch xuống nhanh, nay gần như trơ đáy. Địa phương đã bố trí 64 vòi nước công cộng tại các xã để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Trước thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, UBND tỉnh Tiền Giang vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Các sở ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ động giải pháp cung ứng nước ngọt ưu tiên cho sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất của người dân trên địa bàn huyện. Với việc công bố tình huống khẩn cấp trên, người dân tại huyện Tân Phú Đông sẽ được cấp nước ngọt qua các sà lan chở nước từ thượng nguồn không nhiễm mặn về.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam vừa ký ban hành công văn về chủ trương giảm 10% giá nước sạch trong mùa hạn mặn cho người dân, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre cung cấp. Giá nước giảm áp dụng cho tất cả mục đích sử dụng, tính trong thời điểm sử dụng nước tháng 3 và 4/2024.

HÒA HỘI - NHẬT HUY

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-mien-tay-chat-tung-giot-nuoc-post1627890.tpo