Người mẹ 'đưa đò'

Sáng của ngày trở gió chướng, mọi tất bật tạm xếp lại, trong thư phòng nhỏ, Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau) chầm chậm 'lật' từng trang nghề. Chớp mắt đã gần 34 năm gắn bó với nghiệp 'đưa đò', Cà Mau mặc nhiên là quê hương thứ hai. Những ngôi trường đã và đang lưu dấu chân lần lượt được điểm lại như: Trường THCS Phan Ngọc Hiển, THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, THPT Bán công Cà Mau, THPT Nguyễn Việt Khái, rồi lại về THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, đâu đâu cũng thấm đẫm kỷ niệm. Tiếng 'cảm ơn' luôn được cô chăm chút, để mỗi khi có dịp cất lên cứ nghe đầy đặn mạch chân thành...

“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân...”

Có dịp được học hoặc dự thính những giờ giảng của Nhà giáo Thu Hiền mới cảm nhận được tận tường “cái lửa Văn cháy bừng” trong từng câu, từng chữ cô giảng. Ðiều làm nên nét riêng trong phương pháp dạy của cô là luôn chú trọng lột tả vẻ đẹp ngôn từ, truyền tải cảm xúc, dung dưỡng tình yêu văn chương cho học trò.

Mấy mươi năm dạy Văn, cô luôn sợ bị lặp lại chính mình hoặc nói những điều quá cũ. Trong mỗi tiết dạy, cô để ý cách cảm thụ, những phản ứng nhỏ của học trò, nhằm kịp thời điều chỉnh cách truyền đạt, để tiết dạy sau phải tốt hơn tiết trước, năm sau phải tốt hơn năm trước. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi suốt quãng đường dài, có rất nhiều học sinh từ các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố tìm đến mong được cô bồi dưỡng, luyện thi đại học, hay đơn giản là được tiếp lửa đam mê văn chương. “Ðó là một niềm hạnh phúc và để đáp lại, không có gì đẹp hơn bằng chính sự cố gắng của bản thân mình!”, cô nhẹ nhàng chia sẻ.

Làm sao quên được một bước chuyển từ giáo viên dạy cấp 2, chính vì hai chữ “cố gắng” mà cô quyết tâm học tiếp đại học, rồi ngay sau đó được phân công dạy cấp 3 như một sự định đặt thật đẹp. Nhớ hoài bài giảng của chương trình lớp 10 đầu tiên với tác phẩm “Tụng giá hoàn kinh sư” (tác giả Trần Quang Khải) mà cũng là tiết dự giờ. Khi trang giáo án gấp lại, cô nhận nhiều cái bắt tay, lời động viên, có đồng nghiệp gửi lời khen chân tình: “Trên đường về, em cứ suy nghĩ mãi bài giảng, cách dẫn dắt học sinh trên lớp của chị mà quên đi chợ luôn...”. Từng lời nói, từng ánh mắt ấy lưu mãi vào lòng cô chẳng thể phôi pha...

“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân...”, cô dùng câu thơ của Xuân Diệu để dẫn dắt chuyện nghề. Theo lý giải hiền hòa, đây là năm học cuối cùng của chương trình cũ và cũng không lâu nữa là đến tuổi nghỉ hưu, bởi vậy tất cả các bài dạy khối 12 năm này của cô và trò đều là những tiết cuối cùng. Ngộ lắm, bài giảng nào lật ra cũng có suy nghĩ: Sau tiết học này, mình không có cơ hội trở lại tác phẩm văn học ấy, không còn được giảng những vấn đề ấy trước học trò nữa. Tự nhiên có cảm giác nuối tiếc và từ đó thôi thúc mình dạy hăng say, thăng hoa hơn trong từng tác phẩm...

Nụ cười luôn nở trên môi Nhà giáo Thu Hiền mỗi khi nhắc về nghề, với cô: “Sau tất cả, nghề giáo mang đến cho mình niềm hạnh phúc”.

“Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”

Ðến bây giờ, khi đã gắn bó với Trường Chuyên Phan Ngọc Hiển nhiều năm, nhưng đến đâu, Nhà giáo Thu Hiền vẫn giới thiệu mình là giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Khái với những người bạn mới quen. Ðể rồi sau đó nếu có ai thắc mắc, cô chỉ cười: “Ðơn giản thôi, bởi nơi đó là một phần thanh xuân mình mà!”. Tròn 20 năm cần mẫn, vừa công tác chuyên môn, vừa lần lượt đảm nhiệm các vai trò: Phó chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Nữ công, Tổ phó Tổ chuyên môn... cũng là ngần ấy thời gian cô cùng chia ngọt sẻ bùi với đồng nghiệp và lưu thật nhiều trang ký ức đẹp trong đời.

Nhớ lại những năm đầu đi vào hoạt động, Trường THPT Nguyễn Việt Khái tương đối nổi tiếng bởi độ “quậy” cũng như học lực khá thấp của học sinh so với mặt bằng chung trên địa bàn tỉnh. Thậm chí có những tiết dạy cô bật khóc trước lớp vì thái độ học sinh, vì sự cố gắng dạy mà chất lượng lại không theo ý mình. Nhưng càng dấn thân, cô nhận thấy rằng: không phải vì học lực hạn chế nên học sinh mới chọn ngôi trường này, mà có nhiều hoàn cảnh đặc biệt như: thiếu sự quan tâm của gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn và nhiều yếu tố khách quan không thể gọi tên khác. Biết bao ánh mắt đang đợi chờ, đang rất cần thầy cô, bởi vậy phải cố gắng hết sức để biến điều chưa có thành có.

Vậy rồi, chất lượng giáo dục của Trường THPT Nguyễn Việt Khái từng bước đi lên, kết quả ngọt ngào của cả tập thể chung sức chung lòng. Qua từng năm, phụ huynh dần tin tưởng, dành ánh mắt thiện cảm với ngôi trường này. Lần lượt từng lớp học trò trưởng thành, bước vào đời và gặt hái được nhiều thành công. Ngày học trò quay lại trường cũ cất tiếng “chào thầy, chào cô”, không ít lần Nhà giáo Thu Hiền nghe khóe mắt mình cay. “Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình...”.

“Nghề giáo nới hoài lòng mẹ...”

Hiếm có giáo viên nào ở tuổi 55 mà vẫn đảm đương vai trò chủ nhiệm. Năm 2018, khi mới chuyển công tác về lại Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, nghĩ rằng: “Mấy năm công tác còn lại, mình sẽ gắn bó với bục giảng trong tâm thế thoải mái nhất là giáo viên bộ môn”. Nhưng rồi lãnh đạo, đồng nghiệp cứ mãi động viên cô “kiêm” công tác chủ nhiệm. Nụ cười hiền lại nở trên môi.

Một ngày cuối tuần đến lớp 12 Chuyên Văn với 36 thành viên, chủ nhiệm từ lớp 10, ánh mắt ai cũng lấp lánh tự hào khi nhắc về “mẹ Hiền”. Tiếng “mẹ” cất lên ngọt ngào đâu chỉ bây giờ mà đã bền bỉ qua rất nhiều thế hệ. Nhẩm tính lại, suốt quá trình dài gắn bó với bục giảng, cô chỉ có vỏn vẹn 4 năm không chủ nhiệm. Quyển ký ức về nghề dành hầu hết các trang để lưu biết bao câu chuyện riêng của học trò, mà mỗi lần có dịp được gợi lại là nhớ rõ mồn một từng chi tiết. Lạ một điều, rất nhiều học trò dù được cô chủ nhiệm hay không, những lúc buồn nhất, tiêu cực nhất vẫn nhắn tin, gọi điện thoại hoặc tìm đến nhà riêng của cô để mong nhận được lời chia sẻ, dạy dỗ. Không một tin nhắn hay cuộc gọi nào của học trò bị bỏ sót. Những lời vỗ về, tâm tình cứ tự nhiên như tiếng lòng người mẹ. Học trò nghèo không có tiền luyện thi đại học, cô đưa về nhà hoặc giới thiệu đến trung tâm ôn miễn phí. Học trò nhọc nhằn chuyện áo cơm trên bước đường tìm chữ, cô vun vén, trở thành chỗ dựa vững chắc từ vật chất đến tinh thần. Học trò không đủ đầy hơi ấm hạnh phúc gia đình, cô lấy tấm lòng ấm áp của mẹ để bù vào...

Nụ cười luôn nở trên môi Nhà giáo Thu Hiền mỗi khi nhắc về nghề, với cô: "Sau tất cả, nghề giáo mang đến cho mình niềm hạnh phúc".

Với học trò, cô tự nhận mình nghiêm khắc nhưng bao dung. Biết rằng nghề giáo là chuỗi liên tiếp những chuyến đưa đò, vậy nhưng trong các buổi lễ tốt nghiệp, lễ trưởng thành mỗi năm là nước mắt tự nhiên lại rơi, khó diễn tả được. Trò khóc, cô khóc. Những lúc đó, nếu ai tinh ý sẽ thấy cô hay nhìn những học trò “cá biệt”. Lo cuộc đời các em nhiều hướng rẽ, chông gai, mà mình thì đến đây đã không thể bảo bọc chúng nữa rồi...

Tình tự thả lòng qua những gam màu ký ức, Nhà giáo Thu Hiền đúc kết: Sau tất cả, chính học trò đã nâng giấc mơ mình, nghề cho mình niềm hạnh phúc! Lời chào cất lên khi chiếc điện thoại đã réo giòn những chuyện chung, riêng. Thấy người đối diện thoáng tò mò về “bí quyết” để lúc nào cũng vẹn tròn giữa các vai trò, “bà giáo” cười hiền: “Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do, vậy nên mình sẽ tìm cách. Sắp xếp hợp lý, mọi thứ sẽ ổn thỏa thôi. Mỗi ngày đến trường, mình luôn tự nhắc: Hãy quảy ba lô bước thật chắc chắn lên cầu thang như những đồng nghiệp trẻ. Ai một bước thì mình một bước và luôn giữ năng lượng tích cực, vậy nên mọi thứ nhẹ nhàng lắm...”.

Trưa. Tia nắng vàng rọi đậm thêm vài nếp nhăn trên đuôi mắt Nhà giáo Thu Hiền. Rời không gian nhỏ, từng bước chân lại thoăn thoắt, lại sẵn sàng hòa vào những chuỗi việc chung riêng...

Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hiền sinh năm 1968, quê huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Suốt hành trình dài gắn bó với nghiệp sư phạm, cô đã đạt được hàng loạt các thành tích: “Giáo viên dạy giỏi vòng tỉnh”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”... cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Ðào tạo. Năm 2008, cô vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

“Nhà giáo Thu Hiền là người có nhiều đóng góp cho lĩnh vực giáo dục nói chung. Riêng với Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, qua nhiều năm gắn bó, cô đã phát huy tối đa vai trò của một nhà giáo gương mẫu, hết lòng thương yêu học sinh và điều quan trọng nhất là sự “truyền lửa”. Học sinh các lớp do cô trực tiếp dạy, chủ nhiệm luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc và gắn kết. Ðó là động lực để các em học tập, rèn luyện ngày một tốt hơn…”, thầy Lê Chí Nguyễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, nhận xét.

Minh Hoàng Phúc

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nguoi-me-dua-do--a30727.html