Người mẹ 8 năm đi tìm hình hài mới cho con

Đến lần phẫu thuật thứ 8, khi bác sĩ thông báo vết thương của bé phục hồi tốt, toàn bộ nơ vi hắc tố đã được loại bỏ, chị Tươi không giấu nổi niềm vui lấp lánh trong ánh mắt mỗi lần nhìn con...

Mỗi lần con phẫu thuật là một lần trái tim chị Tươi đau nhói vì thương con

Cũng như bao người phụ nữ khác, chị Nguyễn Thị Tươi (hiện 36 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lấy chồng, rồi sau đó háo hức chờ đợi sự ra đời của đứa con đầu lòng. Khi mang thai được 7 tháng, chị đi siêu âm, bác sĩ nói khả năng cao con có bất thường ở vùng lưng nhưng phải sinh ra mới biết được là vấn đề gì. Đôi vợ chồng trẻ thấp thỏm lo âu, đếm từng ngày chờ con chào đời.

Đến bây giờ chị vẫn chưa quên được cảm giác buồn, hoang mang lúc nhận con từ tay hộ lý vào năm 2015.

"Khi đón con, việc đầu tiên tôi làm là xem lưng con có vấn đề gì không. Hai vợ chồng chết lặng khi thấy cả mảng lưng và bụng của con bị bao phủ bởi một màu đen. Lúc ấy thấy trống rỗng. Về sau, nhiều người động viên bảo bà mụ đánh dấu thôi nhưng sao vẫn thấy số phận nghiệt ngã với con gái của tôi đến thế", chị tâm sự.

Suốt 3 năm sau đó, vợ chồng chị Tươi đã bế con là bé Nguyễn Thị Ngọc Tú đi nhiều bệnh viện lớn với hy vọng tìm được phương pháp điều trị cho con. Thế nhưng câu trả lời của các bác sĩ mỗi lần lại khiến hy vọng của đôi vợ chồng trẻ thêm mong manh. Hầu hết các bác sĩ đều bảo họ ít gặp hoặc chưa gặp trường hợp như vậy.

Con càng lớn, nỗi buồn càng ăn sâu, đè nặng trong trái tim người mẹ trẻ. Nhiều đêm dài chị ôm con lặng lẽ khóc một mình.

Chị kể: "Khi con mới 2 tuổi, được mẹ tắm ở cái chậu nhỏ, con đã biết lấy khăn tắm kỳ chỗ ấy đi rồi. Chưa biết hỏi nhưng cháu cứ kỳ mãi thôi vì nghĩ đấy là vết bẩn. Tôi buồn lắm. Chỉ lo bị tổn thương, tự ti. Lúc nào tôi cũng phải mua cho con áo dài trùm kín hết mông. Con rất đam mê múa hát, ước mơ được đứng trên sân khấu biểu diễn, thế nhưng…".

Năm 2018, tình cờ một bác sĩ trong nhóm khám chữa bệnh tình nguyện về huyện, khi biết trường hợp bé Tú đã làm cầu nối, giới thiệu mẹ con chị tới bác sĩ Nguyễn Hợp Nhân, Khoa Tạo hình Thẩm mỹ Công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Người mẹ trẻ một lần nữa mang theo hy vọng, ôm con đến bệnh viện. Lúc ấy chị mới biết, căn bệnh của con có tên gọi là "nơ vi hắc tố khổng lồ".

Bác sĩ Nhân cho biết, u nơ vi hắc tố bẩm sinh (Congenital Nevomelanocytic Nevus), hay còn gọi là chàm đen, bớt sắc tố, bớt đen là một bệnh lý về da thường gặp ở trẻ em với biểu hiện dễ nhận biết là các vùng da có màu nâu sáng đến sậm đen, hơi gồ lên bề mặt, kích thước từ rất nhỏ cho đến khổng lồ bao phủ một phần cơ thể, đôi khi có lông trên bề mặt.

Nguyên nhân là do bất thường của các tế bào sắc tố xuất hiện lạc chỗ trong quá trình di chuyển của các tế bào biểu mô trong thời kỳ phôi thai. U nơ vi hắc tố bẩm sinh là một bệnh lý lành tính.

Tuy nhiên nó lại làm ảnh hưởng khá lớn đến thẩm mỹ, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi lớn lên. Bệnh thường xuất hiện lúc trẻ mới sinh hoặc ngay sau sinh, không phân biệt giới tính. Trường hợp u nơ vi hắc tố bẩm sinh diện rộng như bé Tú là hiếm gặp, với tỉ lệ 1/500.000 trẻ.

Khi nghe bác sĩ nói con mình có thể xóa bỏ hoàn toàn mảng đen trên lưng và mông, chị Tươi vui mừng khôn xiết. Nhưng 6 năm sau đó lại tiếp tục là một hành trình dài: "Lần đầu tiên con phẫu thuật, đứng chờ bên ngoài phòng mổ, chưa bao giờ tôi thấy thời gian trôi qua chậm đến thế. Ở trong phòng hồi sức, con cứ mở mắt là khóc thôi, cháu hay đạp, giãy khiến vết khâu bị rách ra, phải khâu lại. Chắc là con đau nhiều lắm, thương con ứa nước mắt nhưng vẫn phải kìm nén vì con", người mẹ tâm sự.

Mỗi lần đưa con đi phẫu thuật, mặc dù đã được bảo hiểm chi trả và bệnh viện tạo điều kiện hết mức nhưng chi phí vẫn lên đến xấp xỉ 100 triệu đồng - đó là một khoản tiền không hề nhỏ đối với gia đình ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như nhà chị. Vợ chồng chị đã phải vay mượn, đi làm thuê, đủ mọi cách để gom góp tiền chạy chữa cho con.

6 năm, 8 lần phẫu thuật, với người mẹ này, đó là một hành trình đằng đẵng cùng những hy vọng. Đến lần phẫu thuật thứ 8, khi bác sĩ thông báo vết thương của bé phục hồi tốt, toàn bộ nơ vi hắc tố đã được loại bỏ, chị Tươi không giấu nổi niềm vui lấp lánh trong ánh mắt mỗi lần nhìn con.

Để con có thể làm một người bình thường, người mẹ ấy đã trải qua những đêm dài không ngủ, những ngày ngược xuôi tất tả, những khoảnh khắc mà có lẽ chỉ trái tim người mẹ mới thấu hiểu được.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-me-8-nam-di-tim-hinh-hai-moi-cho-con-20240508163412483.htm