Người Mặt trận nơi biên cương Tổ quốc

Ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai - nơi biên cương của Tổ quốc, là một trong những thế hệ lãnh đạo Mặt trận 7X ở địa phương mà chúng tôi từng gặp cách đây gần 6 năm về trước.

Ông Giàng Seo Vần (ở giữa) dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Lào Cai khảo sát công tác xây dựng nông thôn mới do Chính hiệp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức.

Giữa cái rét như “cắt da cắt thịt” âm 2 độ C dưới chân núi Fansipan, Lào Cai, trong khi phóng viên đang loay hoay chưa biết làm thế nào để phỏng vấn được một hộ nghèo người đồng bào dân tộc Mông thì ngay lập tức, ông Giàng Seo Vần đã đứng ra làm người phiên dịch. Hành động của ông Vần cũng là điều dễ hiểu vì ông là người đồng bào dân tộc và nói tiếng nói của đồng bào mình. Nhưng với chúng tôi, hình ảnh đó, mãi là một kỷ niệm đẹp.

Đối với công tác cán bộ, một trong những điều quan trọng là phải chọn đúng người, đúng việc. Nhìn lại hành trình gần 6 năm gắn bó với công tác Mặt trận của ông Giàng Seo Vần, có thể thấy, đó là một điển hình cho việc chọn đúng người. Vì trước hết, trách nhiệm của một người cán bộ Mặt trận là phải xuống với dân, gần dân, hiểu dân, nhưng muốn gần dân, sát dân mà cán bộ không hiểu được tiếng nói của dân, không nói được tiếng nói của đồng bào thì không thể làm sâu sắc trọn vẹn mối quan hệ giữa dân với Mặt trận.

Ở Lào Cai, một tỉnh có phần đông là đồng bào dân tộc sinh sống thì điều này càng trở thành tiêu chí khi lựa chọn cán bộ nhất là cán bộ làm công tác Mặt trận, dân vận. Ông Giàng Seo Vần còn khiến chúng tôi nhiều lần bất ngờ khi trở thành “ phiên dịch viên” bất đắc dĩ trong một số sự kiện.

Đó là vào năm 2019, chúng tôi có dịp cùng ông Giàng Seo Vần tham gia trong Đoàn đại biểu của UBTƯ MTTQ Việt Nam tham dự Giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận - Chính hiệp các tỉnh và khu tự trị biên giới hai nước lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong khi phóng viên Việt Nam loay hoay chia sẻ câu chuyện với một cán bộ Mặt trận của nước bạn Trung Quốc vì người phiên dịch chưa kịp tới, ông Giàng Seo Vần lại một lần nữa đứng ra, phiên dịch giúp chúng tôi.

Điều này, làm chúng tôi khá bất ngờ. Theo như những gì ông Vần chia sẻ lúc ấy là do “đặc thù” từ công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận.

Lào Cai là tỉnh có đường biên giới dài 182,086 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với đặc điểm như vậy, nhân dân các dân tộc ở hai bên biên giới của Việt Nam và Trung Quốc không chỉ có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán sản xuất mà còn có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, có truyền thống đoàn kết, hữu nghị gắn bó lâu đời, cho nên việc hiểu được tiếng của nhau cũng là chuyện bình thường.

Điều quan trọng là không chỉ ông Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần, mà hôm ấy, một số vị Chủ tịch Mặt trận các tỉnh biên giới cũng đều nói được tiếng Trung, cho thấy, sự năng động trong đội ngũ cán bộ Mặt trận, sự thích ứng với hoàn cảnh, cũng như trách nhiệm của người Mặt trận trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

Hôm ấy, chúng tôi bước trên cầu Hồ Kiều 2 từ Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) sang địa phận Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) để trở về sau chuyến công tác. Dưới chân cầu, dòng Nậm Thi lững lờ trôi về phía ngã ba sông để hợp lưu với sông Hồng chảy vào đất Việt.

Lúc đó, ông Giàng Seo Vần chia sẻ rằng, ông đã nhiều lần ngắm sông Hồng chia đôi màu ở Hà Khẩu, Lào Cai khi gặp dòng Nậm Thi - điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng khi chảy vào đất Việt. Dòng chính của sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Con sông mang nặng phù sa đỏ sậm khi chảy vào Việt Nam gặp dòng Nậm Thi trong xanh. Thật lạ, ở chỗ hòa vào nhau ấy, dường như sông lại hiền hòa hơn, khiến ai cũng muốn sống chậm lại và cảm nhận nhiều hơn về vùng đất thiêng của Tổ quốc. Đó là biên giới, là lãnh thổ, là những gì quý hơn máu thịt, nhắc nhở mỗi con dân đất Việt, ai cũng phải giữ gìn.

Và ông Vần cũng như nhiều thế hệ thanh niên thời đó đã lớn lên cùng dòng sông, mang trong mình niềm tự hào quê hương để cùng nhau cố gắng vượt qua rất nhiều gian khó ở hai bên dòng đục trong ấy.

Niềm tự hào quê hương đã thôi thúc ông trong rất nhiều công việc. Những thành tích mà Mặt trận Lào Cai đã đạt trong những năm qua, cụ thể là 5 năm gần đây đã mang đậm dấu ấn của người đứng đầu, cho thấy, những điều ông nói đi đôi với việc ông làm.

Lào Cai là vùng biên cương, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, cho nên, theo ông Giàng Seo Vần, phương thức công tác đối ngoại nhân dân của người Mặt trận nơi tuyến đầu được xác định luôn theo sát đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trong đó, xác định được điểm mới là lực lượng tham gia công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ngày càng đông đảo, MTTQ tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho tỉnh ban hành Quy định chức năng nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai, bổ sung thêm chức năng công tác đối ngoại Nhân dân của MTTQ thuộc Ban Tổ chức - Tuyên giáo - Đối ngoại, MTTQ các huyện, thị, thành phố đều cử 1 cán bộ phụ trách lĩnh vực đối ngoại nhân dân…

Và kể từ khi Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Đề án số 14 về “mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác Quốc tế giai đoạn 2016-2020”, MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã chủ động vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa các hoạt động, công tác tuyên truyền, vận động của mình để không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.

Dưới sự nỗ lực của ông Chủ tịch Mặt trận, trong giai đoạn 2015-2020, các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động cũng đều được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện rộng khắp, hướng về khu dân cư với nhiều cách làm sáng tạo từ đó xây dựng được một số mô hình hiệu quả.

Mặt trận Lào Cai đã cùng với cấp ủy, chính quyền huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, khắc phục khó khăn, đóng góp các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Lào Cai ổn định và phát triển.

Nếu cách đây gần 6 năm, khi bắt đầu về Mặt trận làm việc, ông Giàng Seo Vần để lại cho chúng tôi dấu ấn tiên phong của một cán bộ lãnh đạo Mặt trận trẻ ở địa phương thì nay tinh thần xung kích ấy đã được nuôi dưỡng bằng trái tim của một người gắn bó, như lời ông nói: “Tôi yêu công việc của mình và sẽ hết lòng với những gì mình đã được giao phó, tin tưởng”.

Cũng theo ông Giàng Seo Vần, để thực hiện nhiệm vụ công tác ở bất cứ một môi trường nào đều phải đặt ra cho mình kế hoạch thì mới đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Trong công tác Mặt trận, ông Vần đặt ra mục tiêu là đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo.

Với một tỉnh biên giới như Lào Cai có rất nhiều vấn đề đặt ra trong tình hình tư tưởng của nhân dân, việc đoàn kết các dân tộc ở biên giới phải luôn được quan tâm củng cố để Mặt trận thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết các dân tộc, từ đó góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

5 năm qua, Tập thể cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng 5 Cờ thi đua xuất sắc và xuất sắc toàn diện; 1 Cờ thi đua của UBND tỉnh và 7 Bằng khen của UBND tỉnh và các bộ ngành Trung ương khen thưởng. Cá nhân Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần đã được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba cùng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Lào Cai. Năm 2020, ông Giàng Seo Vần là một trong những đại biểu tiêu biểu được giới thiệu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam.

Dạ Yến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran-noi-bien-cuong-to-quoc-507483.html