Người “lỡ” chuyến đò về… âm phủ! (kỳ 2)

(24h) - Ngày 13/10/1995, Lê Minh Hải bị bắt vì có liên quan đến vụ án Tamexco rồi sau khi ra tòa sơ thẩm, ông bị kết án tử hình về tội tham ô, cố ý làm trái. Ông nói vui: "Hôm tôi bị bắt là thứ sáu, mà người phương Tây kị nhất ngày thứ sáu 13, đúng là... xui thật!"…

1. Vẫn chuyện làm ăn sau ngày ra tù, ngoài việc lặn tìm ngọc san hô đỏ, Lê Minh Hải cùng một số bạn bè ở Viện Hàn lâm Ucraina đưa con cá tầm - loại nuôi để lấy trứng - một thứ thực phẩm cao cấp, rất đắt tiền trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng mà hiện nay mỗi kilôgam giá khoảng 1.000USD, về Việt Nam. Ông nói: "Cá tầm vốn chỉ sống ở vùng cực bắc nước Nga trong điều kiện nước lạnh giá nhưng chúng tôi đã nhân giống thành công ở Lâm Đồng, Kon Tum, Tam Đảo... Đến nay, đã có hơn 1.000 cặp cá “bố mẹ” cùng hàng vạn con cá con - loại 5 năm có trứng và loại 2 năm có trứng, phát triển tốt". Bên cạnh đó, ông còn cùng các chuyên gia của Việt Nam và Nga nghiên cứu, thí nghiệm con cá nóc - loại cá đã làm cho bao nhiêu người chết khi ăn thịt nó - để lấy nọc độc - là chất Tetrodotoxin (TTX), để xin phép Chính phủ Việt Nam cho xuất khẩu theo đơn đặt hàng của một số công ty Nga. Nhưng thôi, tất cả những chuyện ấy tôi sẽ kể ở phần sau. Năm 1976, tốt nghiệp loại khá - khoa Cơ khí tàu biển, Lê Minh Hải về Việt Nam, làm việc tại Công ty Vận tải biển miền Nam trong cương vị kỹ sư cơ khí. Ông kể: "Tai họa đầu tiên ập xuống đầu tôi là vào năm 1978". 11 giờ khuya một ngày giữa năm 1978, Cơ quan Công an đến nhà ông ở đường Cách mạng Tháng Tám, đọc lệnh bắt khẩn cấp vì hành vi tham ô, trộm cắp. Lúc ấy, ông đang công tác trên tàu Vàm Cỏ 22 - và trong tổng số 20 thuyền viên - thì có tới 3 người tên... Hải! Ông kể tiếp: "Lúc ấy, tàu Vàm Cỏ 22 vừa thực hiện xong chuyến hải trình từ TP HCM đi Đà Nẵng để giao mặt hàng vải, và hai thuyền viên cũng đều tên là Hải đã lấy cắp vải, đem bán cho tiểu thương ở chợ Bến Thành". Đến 2 giờ chiều hôm sau, qua xác minh mới biết ông bị... bắt nhầm. Tôi hỏi: "Lần đầu tiên bị bắt, anh thấy thế nào?". Ông cười: "Sợ thì tôi không sợ vì tôi không ăn cắp. Hơn nữa tôi tin vào luật pháp nhưng cái cảm giác của người mất tự do vì chuyện không phải bởi mình gây ra khiến tôi khá căng thẳng". Lê Minh Hải và con cá tầm Cuối cùng, thì thủ phạm lấy cắp vải đem bán là hai ông Hải kia, chứ không phải là "Hải Robert". Được minh oan, một thời gian sau ông trở thành sĩ quan máy trưởng thuộc Công ty Sovosco - về sau đổi thành Vitranchart. Những tưởng đường đời bằng phẳng mãi. Ai ngờ ngày 26/12/1981, ông bị bắt lần thứ hai, và cũng bị... bắt oan! Số là khi đó, ông được giao nhiệm vụ ra cảng Hải Phòng để tiếp nhận tàu Định An 20 do Liên Xô viện trợ, rồi đưa tàu đến Hòn Gai, Quảng Ninh ăn than. Ngày 16/12, khi đã bốc hàng xong, tàu Định An chuẩn bị nhổ neo thì xảy ra cháy lớn. Lê Minh Hải, kể: "Hàng hóa trên tàu chỉ toàn là than đá nên khi cháy, cộng với dầu máy, nó như lửa địa ngục trong tập thơ "Thần khúc" của Dante. Với cương vị máy trưởng, tôi là một trong những người cuối cùng rời tàu và nhờ có bộ quần áo chống cháy nên tôi sống sót". Hậu quả của vụ cháy là 6 người chết, 3 bị thương. Kết quả điều tra sau này cho thấy một quản trị trưởng tên Hiến, do uống rượu say, và do thần kinh không ổn định nên đã nổi hứng... đốt tàu rồi nhảy xuống biển, leo lên một chiếc thuyền chài. Chủ thuyền nghi Hiến là quân trộm cắp nên dùng mái chèo đập cho một nhát. Hiến rơi xuống nước chết. Lê Minh Hải kể tiếp: "Khám nghiệm tử thi thấy trong phổi không có nước, nghĩa là không phải chết đuối nên tất cả những sĩ quan, thuyền viên nằm trong diện nghi vấn đều bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra vì theo nhận định ban đầu, thì đây là một vụ cố ý đốt tàu, giết người. Riêng cá nhân tôi, tôi bị giam 6 tháng". Theo Lê Minh Hải thì 6 tháng nằm trong trại tạm giam khi đó, so với thời gian ở tù vì vụ Tamexco sau này, "chỉ như đi... nghỉ mát" bởi lẽ bản thân ông không hề liên quan đến vụ cháy nên ông bình tĩnh, và vững tin lắm. Ông kể: "Hàng chục lần, cán bộ điều tra yêu cầu tôi tường trình về nguyên nhân, diễn tiến của vụ cháy. Nguyên nhân thì lúc ấy tôi hoàn toàn không biết. Còn diễn tiến vẫn trước sau như một, là đang trực ban, tôi nghe báo cháy. Bằng các phương tiện sẵn có, tôi cùng thủy thủ đoàn tích cực tham gia dập lửa. Khi lửa bùng lên dữ dội, bình chữa cháy hết, thuyền trưởng ra lệnh rời tàu, tôi giúp một số anh em ra trước, cuối cùng mới đến lượt tôi". Kết quả điều tra, xác minh cho thấy ông Lê Minh Hải không liên quan gì đến vụ cháy tàu. Ông cười, nói đùa: "Nếu bảo là con người có số, thì số tôi chắc là số... đi tù. Hai lần đầu, tù oan, còn lần thứ ba thì không oan, nhưng hành vi phạm tội của tôi chỉ là do vô tình tiếp tay cho Phạm Huy Phước". Được trả tự do, ông lại tiếp tục cuộc sống lênh đênh, với những chuyến hải trình dọc ngang sông nước, với những bến bờ xa lạ từ Á sang Âu. Năm 1989, Bộ Giao thông vận tải tổ chức kỳ thi tuyển chức danh giám đốc - và ông là người đầu tiên thi đậu rồi được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn - một đơn vị có chức năng ngang hàng với Công ty Hàng hải và thuê tàu biển Việt Nam. Lúc ấy, nhà máy này đang trong tình trạng làm ăn sút kém, sản xuất cầm chừng, doanh thu, lợi nhuận thấp. Ông nói: "Đó là kỳ thi tuyển chức danh giám đốc đầu tiên ở Việt Nam, và tôi cũng là người đầu tiên trúng tuyển, làm giám đốc...". 2. Nắm quyền lãnh đạo nhà máy, ông Lê Minh Hải đề ra một loạt cải tiến. Do có quan hệ với bạn bè người Nga trong ngành hàng hải, ông sửa chữa, mua thêm một số ụ "đốc", nhận sửa chữa tàu Nga cùng các tàu của những nước Đông Âu quá cảnh, tạo ra việc làm cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Một số cán bộ hồi ấy làm việc dưới quyền ông đến nay vẫn khẳng định, rằng "thời anh Hải, lương bổng khá hơn, có nhiều công ăn việc làm hơn, không khí lao động sản xuất rất sôi nổi, doanh thu và lợi nhuận tăng gấp 30 lần". Ông kể: "Một lần nữa, tôi lại "làm ơn mắc oán". Có người gửi đơn tố cáo tôi nhiều chuyện". Lá đơn tố cáo ấy khiến Lê Minh Hải phải "lên bờ xuống ruộng" một thời gian. Chán ngán trước nhân tình thế thái, sau khi đoàn thanh tra của Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Vận tải biển Việt Nam kết luận về những vấn đề nêu trong đơn tố cáo, ông xin nghỉ việc. Ông nói: "Kết luận thanh tra cho thấy hầu hết những vấn đề nêu trong đơn tố cáo đều không có cơ sở, nhưng tôi xin nghỉ là vì sống, làm việc mà lúc nào cũng phải đề phòng có kẻ đâm sau lưng mình, thì mệt mỏi lắm". Lê Minh Hải: “Phương thức vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm là con đẻ của tôi”. Về Vũng Tàu, năm 1993 ông thành lập Công ty TNHH Dolphin Vũng Tàu, vốn hoạt động bằng sự vay mượn, hùn hạp của một số thành viên trong gia đình hai bên nội ngoại, chuyên ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác ngọc san hô đỏ, vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm. Nhưng ngày 13/10/1995, ông bị bắt vì có liên quan đến vụ án Tamexco rồi sau khi ra tòa sơ thẩm, ông bị kết án tử hình về tội tham ô, cố ý làm trái. Ông nói vui: "Hôm tôi bị bắt là thứ sáu, mà người phương Tây kị nhất ngày thứ sáu 13, đúng là... xui thật!". Lúc đó, ông đang làm việc với một chủ tàu người Nga để đối chiếu và thanh toán công nợ thì Cơ quan Công an TP HCM đến, đọc lệnh bắt khẩn cấp với tội danh vi phạm Luật Đất đai. 3. Nếu nói về Công ty Dolphin của Lê Minh Hải và những chiếc tàu cánh ngầm, thì có chuyện về một người Nga, tên là Viacheslav Ivanovich Tchermyshov, tên thân mật gọi là Slava. Năm 1984, Slava nhận nhiệm vụ là Lãnh sự, Bí thư thứ nhất của Tổng lãnh sự quán Liên Xô tại TP HCM. Đến năm 1988, chẳng hiểu vì sao, Slava xin nghỉ rồi quay về Moskva, làm cho Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Liên Xô. Thời gian này, ông được UNESCO mời làm cố vấn cho một bộ phim tài liệu do Hãng phim tài liệu Liên Xô hợp tác sản xuất với Xưởng phim Thời sự tài liệu trung ương, đồng thời ông cũng tham gia đóng một số phim có nội dung liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, lại chỉ một năm sau đó, Slava đột ngột chuyển sang ngành thương mại rồi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Atisco, trụ sở đặt tại Moskva. Liên doanh với Công ty VimSaigon do Lê Minh Hải làm Tổng giám đốc, Công ty Atisco - do Slava là đại diện, đã đưa 5 chiếc tàu, gồm 4 tàu cánh ngầm và 1 tàu đệm không khí tổng trị giá 2,6 triệu USD sang Việt Nam. Theo hợp đồng, thì VimSaigon chịu trách nhiệm góp 25% trong tổng số tài sản. Hợp đồng đã ký, nhưng chưa thực hiện thì VimSaigon giải thể, còn ông Lê Minh Hải về Vũng Tàu, lập Công ty Dolphin như vừa nói ở trên. Khi vụ án Tamexco nổ ra, Lê Minh Hải bị bắt, Slava trở thành "người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án" còn những chiếc tàu thì bị kê biên. Rất nhiều lần, Slava làm đơn, xin nộp thay cho Công ty VimSaigon 25% số vốn góp để được lấy tàu ra, đưa vào hoạt động nhưng phía ngân hàng không chấp nhận. Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán Liên Xô tại TP HCM cũng gửi nhiều công văn đến tòa, kiến nghị tòa án xem xét khiếu nại hợp pháp của Slava mà cũng không xong. Sợ tàu nằm lâu, hư hỏng, xuống cấp, Slava cùng hai thủy thủ, mùng mền chăn gối ra chỗ tàu bị giam ngoài cảng Cát Lái để bảo trì. Thời điểm ấy, để tiết kiệm, cả ba người mỗi ngày chỉ dám tiêu pha khoảng 25.000 đồng cho việc ăn uống. Nhưng rồi ngày qua ngày, một vài con tàu dần dà trở thành một đống sắt, nhôm phế liệu. Bi đát hơn, vì là người có "liên quan" trong vụ án nên theo luật, Slava bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam. Chuyện về Slava, ông Hải kể còn nhiều và quả thực tôi cũng thấy cám cảnh cho thân phận của một người bạn Nga. Trong suy nghĩ của tôi và rất nhiều người Việt Nam, tất cả những người Liên Xô (cũ) hay người Nga đều đôn hậu, chân chất và rất tình cảm.

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/nguoi-lo-chuyen-do-ve-am-phu-ky-2-c51a306362.html