Người lang thang "đi tìm mình"...

Nhân đọc "Ao chùa hoa súng tím", thơ Nguyễn Trần Thái, NXB Văn học, 2012.

Nguyễn Trần Thái tên thật là Nguyễn Đạt Thấu, sinh năm 1951, quê ở Đông Hưng, Thái Bình. Anh có mái tóc bù xù, râu rậm, bạn bè thường gọi là Thái "xù" cho khỏi lẫn với nhiều Thái khác trong giới văn chương. Bây giờ anh sang tuổi lục tuần, tóc cắt gọn hơn, có khi còn húi cua. Cái tên Thái "xù" dần dần được thay bằng Thái "thư pháp".

Anh là người viết thư pháp tài hoa. Chất họa - hồn thơ hòa quyện vào nét chữ thư pháp. Tập thơ "Ao chùa hoa súng tím" là tập thơ đầu tay của anh. Cái tên "Ao chùa hoa súng tím" gợi một miền tâm linh vắng lặng và khiêm nhường, khiêm nhường như con người anh, viết thơ từ năm 16 tuổi, nhưng phải tới năm 62 tuổi mới công bố tập thơ đầu.

Mở đầu tập thơ là bài "Âm vang" anh viết năm 1974. Giọng thơ như lời tâm sự, như độc thoại với gió thu, với cánh diều, với "tiếng sáo vọng hồn quê", lặng lẽ thầm mong:

Cánh diều bay lên
Với khoảng trời thu rộng
Cho hồn ta bay theo
Âm vang miền khát vọng

Cái khát vọng đáng yêu, chất phác của tuổi 16, khát vọng được nuôi từ một miền quê có "ao chùa và hoa súng tím", được nuôi bằng cánh diều và gió thu trong lành, "nguyên hương".

Nguyễn Trần Thái là người đi nhiều, đến vùng miền nào anh cũng ghi cảm xúc bằng thơ, khắc họa cảnh và tình nơi anh đến bằng bức tranh thơ - những bức tranh thủy mặc lặng lẽ tự họa hồn mình.

Anh "Đi trong rừng Cúc Phương". Anh vẽ tranh bằng: "Tiếng ve mỏng vàng tơ nắng/ Tầm gửi hoa nhờ gió đưa hương/ Cây ngàn tuổi động người xưa không tuổi". Bức tranh tĩnh mà động, tĩnh ở cảnh, động ở chữ, hiện tại và ngàn xưa cùng hiện về. Trong tập thơ có nhiều bài thơ tứ tuyệt. Nguyễn Trần Thái xông vào thể thơ khó này bằng hồn của nhà thư pháp. Anh phá cách không gò trong khuôn khổ mà cốt bắt được cái thần. Ý ở ngoài lời, phải đọc chậm và suy ngẫm mới thấy: "Mắt em hiền biếc núi/ Chon von đường sáo bay/ Đành theo chiều chim gáy/ Nhận hạt vàng heo may". Bài thơ như bức tranh thiên nhiên - bức tranh tình người đang yêu rất thực và mộng. Thực ở cảnh, mộng ở lòng. Một bức tranh thơ đẹp và buồn!

Thơ Nguyễn Trần Thái cứ nhỏ nhẹ thầm thì mang bóng dáng thi pháp cổ. Cả lúc tung phá anh cũng kiệm lời: "Anh đám mây tích điện/ Tít tầng tầng trên cao/ Gặp em òa tiếng sét/ Tan thành cơn mưa rào". Tôi đoán chắc lúc này anh có chút men say, chất men tạo xung mạch điện, anh nói cho hả lòng và nói một mình, nói cho lòng mình "tan thành cơn mưa rào" hả hê!

Rất lạ! Cả tập thơ 120 bài không có một chữ "yêu". Chữ "yêu" người đời quen dùng thì anh lại "kiêng", tình yêu ở anh âm thầm lặng lẽ "nguyên hương": "Mẹ ra thăm lúa tết còn nguyên hương".

Ở "Ao chùa hoa súng tím", cái chất "hương đồng gió nội" trong Nguyễn Trần Thái không bay đi tí nào: "lạc giữa phố trưa/ dường như chỉ mình tôi tĩnh lặng/ bông phượng sót trên cành". Trước mỹ nhân anh vẫn ngại ngần rón rén mang tâm trạng của chàng trai nông thôn ra thành phố, choáng vì "bóng đổ nhà cao", "tôi không sang được nơi em…/ dìu dịu vùng hương lan tỏa", dù lòng muốn sang lắm, anh vẫn đành "tựa gốc cây ngàn tuổi/ giữa phố trưa".

Rượu thành phố có khác rượu quê, anh vẫn mang rượu cất từ quê ra thành phố. Bình rượu đổi khác nhưng rượu vẫn cũ, chất thơ anh vẫn "nguyên hương", vẫn là những bài thơ - tranh chữ. Nhà thơ - họa sĩ phẩy tay chấm phá vẫy gọi cái thần trong núi biếc, trong "mờ sương khói vân vy", những vùng miền anh đến anh tự họa chân dung mình ở đấy. Chân dung anh hòa vào cảnh thiên nhiên. Anh khiêm tốn phẩy nét buồn trong bóng thời gian… và anh lang thang đi tìm mình "đi tìm trong cõi đam mê/ đường sang thì thẳng lối về thì cong".

Có thể nói, "Ao chùa hoa súng tím" như những bức tranh chữ nhà thơ Nguyễn Trần Thái tự họa chân dung mình

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/lyluan/2012/3/56887.cand