Người làm giàu cho những miền quê xứ Thanh

28 năm trước, không ai nghĩ rằng, trên những vùng quê khô cằn đỏ nắng của tỉnh Thanh Hóa có thể xuất hiện 13 nhà máy may xuất khẩu như Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa đang có. Nơi đây đang là ngôi nhà chung của hơn 10.000 lao động, góp phần mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng quê xứ Thanh. Nhắc đến Tiên Sơn-Thanh Hóa, nhiều người cũng biết rằng, cơ ngơi đồ sộ và bài bản đó được gây dựng từ ý chí, bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, doanh nhân cựu chiến binh (CCB) Trịnh Xuân Lâm-người cả đời coi tạo ra việc làm cho người lao động, nhất là người lao động của gia đình người có công với cách mạng, là trách nhiệm của cuộc đời mình. Người chiến sĩ giải phóng Trịnh Xuân Lâm năm nào nay là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa.

Ý chí và kỷ luật của người lính

CCB Trịnh Xuân Lâm sinh năm 1956, trong một gia đình bần nông ở xóm Hào Thôn, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1975, Trịnh Xuân Lâm lên đường nhập ngũ, tạm rời xa người vợ mới cưới, được biên chế vào Đại đội Pháo binh 2, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh, doanh nhân Trịnh Xuân Lâm tặng quà tới cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa.

Đất nước hòa bình, Trịnh Xuân Lâm may mắn sống sót trở về, mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh. 3 mảnh đạn pháo găm trên đầu khi tham gia trận đánh ở trận địa Lai Khê, Bến Cát, Phú Lợi ở tỉnh Bình Dương vào ngày 29-4-1975 đã lấy đi phần nào sức khỏe của người chiến sĩ năm ấy. Năm 1977, với tỷ lệ thương tật 38%, thương binh Trịnh Xuân Lâm rời quân ngũ, bắt đầu một cuộc sống mới. Ông kể, hành trang lúc bấy giờ chỉ là chiếc ba lô, mấy bộ quần áo lính và tính kỷ luật, quyết đoán, không ngại khó, ngại khổ được rèn giũa trong môi trường Quân đội.

Không chịu để cái nghèo đeo bám, thời điểm ấy, CCB Trịnh Xuân Lâm đã vào Nam ra Bắc kinh doanh các mặt hàng như phích, đài, đồng hồ, quạt, xe đạp... Kinh doanh đang tốt nhưng vì chiều lòng bố mẹ, nêu gương gia đình cách mạng (bố mẹ và bản thân đều là đảng viên), CCB Trịnh Xuân Lâm về tham gia hoạt động tại Hợp tác xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1978 đến 1989, CCB Trịnh Xuân Lâm được tín nhiệm, làm đội trưởng đội sản xuất, rồi phó chủ nhiệm, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương.

Từ “Lâm sắt vụn”...

Ông Lâm kể, 10 năm, dù cố gắng lao động sản xuất nhưng cuộc sống của gia đình vẫn bộn bề khó khăn. Với ý nghĩ “phi thương bất phú”, năm 1990, ông quyết đưa vợ cùng 5 người con rời Hà Trung lên thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa lập nghiệp.

CCB Trịnh Xuân Lâm nhớ lại, đó là những tháng ngày cơ cực nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Khi đó vốn liếng trong tay không có, phải làm đủ thứ nghề, đi thu mua từng cân phế liệu, đi mót than đá rơi vãi, xi măng vụn để bán lại kiếm lời... Khó khăn là vậy nhưng 10 năm tham gia quản lý hợp tác xã, hơn 4 năm rong ruổi khắp nơi để buôn bán phế liệu giúp ông học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về quản lý, điều hành công việc, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân. Với tư duy nhạy bén, ông nghĩ, đã đến lúc cần phải mở công ty, làm ăn bài bản chứ không đi nhặt từng cân phế liệu để bán được nữa.

Nghĩ là làm, năm 1995, có được ít vốn, CCB Trịnh Xuân Lâm quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn, vốn điều lệ 550 triệu đồng, gồm 10 lao động. Cái tên Tiên Sơn đánh dấu cột mốc là công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tiên tại thị xã Bỉm Sơn bấy giờ.

Nhớ về giai đoạn khởi đầu gian nan, CCB Trịnh Xuân Lâm hóm hỉnh bảo, để có vốn, ông phải để người ta cầm hợp đồng, đợi giao dịch xong, khi thu hết tiền vay, người ta mới trả hợp đồng. Thế mà có một ngày người ta gọi ông là “Lâm sắt vụn”, “Lâm phế liệu”. Biệt danh đó để khẳng định công ty của ông đã lớn mạnh, thương hiệu phủ rộng khắp vùng, khắp tỉnh.

Ông nói, ông may mắn được trời phú cho sự nhanh nhạy và tư duy kinh doanh nên sau này, nhờ có dịp được nhiều lần tham gia đoàn công tác tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đi nhiều nơi cả trong và ngoài nước, ông đều chắt lọc được những kinh nghiệm và tìm ra cơ hội phát triển mới. Có thời điểm, ông đã dốc toàn bộ vốn để đầu tư, mua sắm xe ô tô tải và ký hợp đồng vận tải, xếp dỡ hàng hóa cho các nhà máy trong tỉnh. Năm 2000, ông mở thêm xưởng xén kẻ giấy, đóng sách vở học sinh. Năm 2002, ông lại dấn thân vào lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Xưởng sản xuất này đã vươn tới hơn 30 thị trường, chủ yếu là Mỹ và châu Âu, mang lại giá trị xuất khẩu 1 triệu USD/năm, thu hút khoảng 300 lao động. Thời điểm đó, ở thị xã Bỉm Sơn, ngoài Công ty Xi măng Bỉm Sơn thì không công ty nào có số lượng lớn lao động có việc làm ổn định như công ty của ông.

...tới “ông lớn” ngành may mặc

Xưởng đồ gỗ mỹ nghệ đang trên đà phát triển, nhưng bất ngờ, năm 2006, CCB Trịnh Xuân Lâm chuyển hướng sang may mặc xuất khẩu. Một quyết định cho tới giờ khi nhìn lại ông vẫn cho là rất mạo hiểm. “Tôi không có chút kinh nghiệm nào về ngành may mặc, nhưng biết nắm lấy cơ hội để Tiên Sơn bứt phá và giải bài toán việc làm cho người lao động”, CCB Trịnh Xuân Lâm nhớ lại.

Nói rõ hơn về quyết định này, ông cho biết, Thanh Hóa là tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, nhưng thời điểm đó, Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh có xu hướng di cư lao động lớn nhất cả nước. Đó cũng là lý do tại sao ông chọn dệt may để có cơ hội mang lại nhiều việc làm cho người dân, giúp họ "ly nông nhưng không ly hương". Còn về cơ hội, thời điểm đó, Chi nhánh may Sơn Hà của Công ty Cổ phần May 40 Hà Nội tại Bỉm Sơn lâm vào cảnh phá sản. Vì vậy, ông đã tới thương thuyết, mua lại toàn bộ cơ sở vật chất trên diện tích 4,5ha và nhận lại 210 lao động. “Lúc đó, chính quyền địa phương cũng không ủng hộ vì họ sợ tôi thất bại. Nhưng, với danh dự của Bộ đội Cụ Hồ, tôi khẳng định mình sẽ làm được và sẽ quyết tâm xây dựng hàng chục nhà máy may xuất khẩu”, CCB Trịnh Xuân Lâm kể.

Nói là vậy, nhưng làm thế nào để vực dậy nhà máy ở bờ vực phá sản? Theo CCB Trịnh Xuân Lâm, khó khăn lớn nhất là đơn hàng. Đơn hàng đầu tiên, ông chấp nhận bù lỗ để có việc làm cho người lao động. Thế rồi, với sự nhanh nhạy, uy tín của Bộ đội Cụ Hồ, những đơn hàng tiếp theo đã tới. Ông đã nhanh chóng vực dậy được xưởng may, bảo đảm ổn định việc làm cho gần 300 công nhân.

Từ bước đệm đó, sau 28 năm thăng trầm với ngành may mặc, CCB Trịnh Xuân Lâm đã dần thực hiện lời hứa năm xưa. Từ một công ty nhỏ, Công ty TNHH Tiên Sơn đã chuyển đổi thành tổng công ty và năm 2022 chuyển đổi thành mô hình tập đoàn. Tiên Sơn hôm nay đã có 13 nhà máy may xuất khẩu tại các huyện nông thôn, miền núi của tỉnh Thanh Hóa với tổng trị giá đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; trở thành ngôi nhà chung của hơn 10 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là người thân của CCB, gia đình có công với cách mạng với mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Trong 5 năm qua (từ 2018 đến 2023), Tập đoàn Tiên Sơn đã có bước phát triển ngoạn mục. Doanh thu từ mức 270 tỷ đồng năm 2019, bứt phá lên 900 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận năm 2019 là 26 tỷ đồng, năm 2022 gần 100 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hằng năm từ 13 đến hơn 20 tỷ đồng. Đặc biệt, tháng 3-2021, Tiên Sơn là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, mã chứng khoán AAT với vốn điều lệ hơn 700 tỷ đồng.

Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, ông nói, đường đến thành công dù khó nhưng mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người và giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp chính là đem lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng. Với ông, hạnh phúc đơn giản là mang lại thật nhiều việc làm cho người lao động, thấy họ vui sau mỗi giờ tan ca. Vui hơn nữa, nhờ có sự lớn mạnh của Tập đoàn Tiên Sơn mà ông có thể đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội. Tới nay, Tập đoàn Tiên Sơn vinh dự được nhận phụng dưỡng suốt đời 3 mẹ liệt sĩ; phụng dưỡng suốt đời 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm lo cho những đồng đội còn nhiều khó khăn; xây tặng được 34 ngôi nhà tình nghĩa; tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho người nghèo và các gia đình chính sách; đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học...

Ngoài lãnh đạo công ty, lo việc làm cho hàng vạn con người, CCB Trịnh Xuân Lâm còn được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa, chèo lái giúp hàng trăm hội viên vững mạnh trên mặt trận kinh tế. Nhờ những đóng góp không biết mệt mỏi đó, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2020), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2007, 2014)... và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tiên Sơn thế hệ mới

Năm 2025 tới đây đánh dấu cột mốc Tiên Sơn tròn 30 tuổi. Chia sẻ về tương lai của Tập đoàn Tiên Sơn, CCB Trịnh Xuân Lâm cho biết, trước những biến đổi của thời cuộc, cùng với những cơ duyên, Tiên Sơn sẽ phát triển và trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành. Tập đoàn tiếp tục lấy lĩnh vực may công nghiệp xuất khẩu là mũi nhọn, phát triển các trụ cột khác như: Kinh doanh bất động sản công nghiệp, kinh doanh nông sản, dịch vụ du lịch sinh thái, nhà hàng, khách sạn... Hiện nay, Tập đoàn đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm 3 nhà máy may xuất khẩu; đầu tư 2 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh... với mục tiêu đưa vốn hóa của tập đoàn lên 3.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2030. “Đây là những chiến lược rất táo bạo nhưng rất thực tế”, CCB Trịnh Xuân Lâm khẳng định.

Qua cuộc trò chuyện với CCB Trịnh Xuân Lâm, tôi cũng phần nào hiểu được sự tự tin của ông về tương lai của Tập đoàn Tiên Sơn đến từ đâu. Bởi đến nay, trên hành trình đưa Tập đoàn Tiên Sơn phát triển vững mạnh, CCB Trịnh Xuân Lâm không hề đơn độc. Cả 3 người con trai của ông đều được đào tạo bài bản và đang đảm nhận các chức vụ quan trọng để cùng đưa Tiên Sơn phát triển. Với CCB Trịnh Xuân Lâm, ông cho rằng mình phải gương mẫu mọi lúc mọi nơi, từ công việc gia đình đến công ty, phát huy đúng phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ.

VŨ DUNG - PHẠM HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-lam-giau-cho-nhung-mien-que-xu-thanh-740673