Người làm báo phải nói đúng, nói trúng, khách quan và hiệu quả

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh điều này khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Toàn quốc năm 2024 Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại TPHCM sáng 18/3.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: CP

Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục

Theo thông tin tại Hội nghị, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng một số phóng viên, nhất là phóng viên thường trú của các tạp chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật khi tác nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của báo chí.

Vì vậy, cần tăng cường cơ chế kiểm soát, có chế tài mạnh mẽ đối với các vi phạm. Song song với đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát huy hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận có tình trạng “nhóm đánh-đấm” doanh nghiệp ở một số ít các cộng tác viên, phóng viên thường trú mà các cơ quan báo chí chưa quản lý chặt chẽ. “Làm báo có thể nghèo nhưng không được tiêu cực. Không điều tra, xem xét kỹ trước mà đã đăng lên, gây phức tạp tình hình.

Người làm báo phải nói đúng, trúng, khách quan, hiệu quả. Mỗi bài báo viết ra phải đúng đường lối, pháp luật, đúng nguyện vọng người dân, được người đọc tâm phục, khẩu phục. Nếu làm được như vậy thì vị thế báo chí, phóng viên được nâng lên nhiều”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp Hội Nhà Báo Việt Nam tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn đổi mới, sáng tạo trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý nhằm phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 21/6/2025).

Đồng thời, chú trọng định hướng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nhằm làm rõ lý luận báo chí hiện đại, với các vấn đề nghiệp vụ báo chí số, báo chí sáng tạo, mô hình kinh tế báo chí, vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí.

Đặc biệt, triển khai hiệu quả, thực chất chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; chú trọng nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới để tiếp tục duy trì, khẳng định vị thế của Giải Báo chí Quốc gia.

Các đại biểu dự hội nghị- Ảnh CP

Báo chí luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thông tin: 74 năm qua kể từ ngày thành lập (21/4/1950 - 21/4/2019), tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.

Năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng về nhiệm vụ xây dựng nền báo chí truyền thống cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn; tăng cường quản lý, định hướng hoạt động của các cơ quan quản lý báo chí, tập trung đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh...được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực. Thông tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể.

Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền. Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao.

Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

BT.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/nguoi-lam-bao-phai-noi-dung-noi-trung-khach-quan-va-hieu-qua/184200.htm