Người khuyết tật kiếm tiền tỷ nhờ 'hồi sinh' vải vụn

Những mảnh vải vụn tưởng chừng là đồ vứt đi đã được anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art (Vụn Art), Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông cùng đồng nghiệp 'hồi sinh' thành những tác phẩm thủ công độc đáo.

Nơi gieo mầm hy vọng

Vụn Art chỉ rộng khoảng 20m2, nằm ngay trung tâm làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) là nơi làm việc, nơi gieo mầm ước mơ cho gần 40 người khuyết tật. Ở đây, họ được làm việc, hưởng thù lao như bao người lao động bình thường khác.

Anh Lê Việt Cường (ngoài cùng hàng đầu tiên) tham gia triển lãm “Những mảnh vụn” nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật Việt Nam tại bảo tàng Hà Nội.

Mỗi người một việc, người lên thiết kế, người cắt lụa, người may vá... với đôi bàn tay khéo léo của họ đã biến những mảnh vải vụn, bỏ đi từ những nhà may trong làng Vạn Phúc thành những tác phẩm thủ công độc đáo như túi vải, bưu thiếp vải, chân dung vải...

Mỗi tác phẩm đều mang trên mình hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, những di sản mang đậm nét văn hóa dân tộc như: Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Hồ Gươm, cổng làng lụa Vạn Phúc. Những bức tranh Đông Hồ cũng đã được Vụn Art "lụa hóa".

Những tác phẩm mới lạ, độc đáo và đầy ý nghĩa đã được nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Viettel, Panasonic, Venus, Intrepid Travel, Coolmate lựa chọn làm quà tặng, tri ân khách hàng. Một số sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài Anh, Mỹ, Nhật Bản... Điều này giúp Vụn Art mang về doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm.

Doanh thu tuy không quá lớn, nhưng với Vụn Art đó là nguồn lực quan trọng giúp những công nhân khuyết tật có thêm thu nhập, người ít thì 1-4 triệu/tháng, người nhiều 7-8 triệu đồng/tháng.

Là một trong những người khuyết tật đang làm việc tại Vụn Art, chị T.L (Vạn Phúc, Hà Đông) cảm thấy may mắn khi được hòa mình vào cộng đồng.

Chị L cho biết, đang làm giáo viên mầm non thì chị phát hiện mắc chứng bệnh nhuyễn xương nặng, không thể tự di chuyển. Căn bệnh quái ác khiến chị suy sụp, muốn buông bỏ. Về mái nhà chung Vụn Art, chị như một lần nữa được sinh ra, được vui sống, làm việc, có thu nhập như người bình thường khác.

Chị L đang hưởng lương 7 triệu đồng/tháng, mức lương này có ý nghĩa rất lớn với chị, là nguồn sống chính giúp mẹ con chị trang trải hằng ngày, nhờ đó chị lạc quan hơn với cuộc sống để bước tiếp.

Tập tễnh đi vận động người khuyết tật học nghề

Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ, Vụn Art đang có 36 nhân sự, đều là người khuyết tật. Trong đó, 28 người làm việc chính thức, hưởng lương hằng tháng, 8 nhân sự còn lại bị tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, đang học nghề.

Anh Lê Việt Cường (bên phải) trả sản phẩm cho khách hàng đặt làm tại xưởng Vụn Art.

"Mỗi người khuyết tật như một mảnh vải vụn nhỏ. Cộng đồng là chất keo kết dính chúng tôi lại thành những mảnh đời lớn hơn. Ở đó, chúng tôi được viết tiếp chuyện đời và những ước mơ!", Giám đốc Vụn Art giãi bày.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập Vụn Art, anh Cường cho biết, anh bị mắc bệnh bại liệt từ nhỏ, đi lại khó khăn. Soi chiếu từ mình, anh thấu hiểu khó khăn của cộng đồng người khuyết tật. Bệnh viện có thể giúp họ thuyên giảm bệnh, nhưng không giúp họ có việc làm. Chỉ có nghị lực của bản thân mới giúp họ có thể sống tự lập bằng chính sức lao động của mình. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh xây dựng cơ sở làm việc dành cho người khuyết tật, chính là Vụn Art ngày hôm nay.

Anh Cường kể, anh tốt nghiệp chuyên ngành toán tin, không có chuyên môn về hình họa, may mặc nên khởi đầu Vụn Art rất chật vật.

"Mình phải làm thế nào? Nên bắt đầu từ đâu?". Sau nhiều ngày trăn trở, anh chọn hình mẫu làm điểm xuất phát và tìm đến nhiều họa sỹ như Đặng Thị Khuê, Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Le Bros Lê Quốc Vinh… nhờ tư vấn. Lựa chọn này đã giúp anh mở cánh cửa hy vọng, những khuôn hình đầu tiên được hiện hữu.

Người khuyết tật làm việc tại xưởng của Vụn Art.

Để có đội ngũ nhân sự hôm nay, anh mất gần 2 năm đội mưa nắng, tập tễnh đi từng ngõ, gõ từng nhà trong 17 phường của quận Hà Đông để vận động người khuyết tật đi học nghề. Đến nay, anh vẫn kiên trì, chỉ từng đường kim mũi chỉ cho những người khiếm khuyết, giúp trẻ tự kỷ sống hòa nhập.

"Rất vất vả. Có 2 bạn tự kỷ, mỗi lần đi trải nghiệm thực tế, sợ đám đông, thần kinh bị kích động nên nôn thốc nôn tháo. Chúng tôi kiên trì vực dậy cả thể chất, tinh thần. Đến giờ, các bạn ấy không còn cảm giác sợ sệt, hòa nhập được cộng đồng, công việc. Sản phẩm được tạo ra bởi người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật", anh Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hạnh, Tổng giám đốc Intrepid Việt Nam cho biết, đã chọn Vụn Art là nhà cung cấp túi xách phục vụ các du khách quốc tế. Vải dùng để may túi là vải bố, dệt từ sợi của cây gai dầu. Đây là chất liệu có độ bền cao, ít thấm nước, rất phù hợp với tiêu chí môi trường của Intrepid…

Còn CEO/Founder Coolmate (thương hiệu thời trang và các sản phẩm cá nhân dành cho nam) Phạm Chí Nhu lại ấn tượng bởi những mảnh vải vụn qua bàn tay những người thợ đặc biệt tạo nên những sản phẩm độc đáo.

Anh Nhu cho rằng, việc sử dụng lại các sản phẩm dư thừa này đã góp phần giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường. "Coolmate quyết định hợp tác với Vụn Art để cùng tiếp sức, mang cơ hội học nghề, làm việc đến những người kém may mắn", CEO Phạm Chí Nhu nói.

Năm 2019, Vụn Art được UNESCO đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hóa, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Vụn Art cũng đã đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng.

Anh Đặng Tuấn Anh, Phó bí thư Đoàn phường Vạn Phúc cho biết, Vụn Art kết hợp với nhiều tổ chức trên địa bàn phường để tạo nên những bức tranh góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc đến bạn bè trong nước và thế giới. Ngay đầu năm mới Giáp Thìn, Vụn Art đã đón nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm ghép tranh vải.

Thanh Huyền

Viết Dũng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-khuyet-tat-kiem-tien-ty-nhohoi-sinh-vai-vun-192240315050325051.htm