Người khuyết tật khó vay vốn phát triển kinh tế

Là một trong những đối tượng yếu thế trong xã hội nhưng nhiều người khuyết tật vẫn đang gặp khó khi tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế.

Sau nhiều lần đi lại làm thủ tục và chờ đợi, tới đây chị Nguyễn Thị Nha ở phường Duy Tân (Kinh Môn) mới được vay vốn

Sau nhiều lần đi lại làm thủ tục và chờ đợi, tới đây chị Nguyễn Thị Nha ở phường Duy Tân (Kinh Môn) mới được vay vốn

Nuôi gà ở... chuồng chó

Chị Nguyễn Thị Nha (sinh năm 1983) ở khu dân cư Nhẫm Dương, phường Duy Tân (Kinh Môn) bẩm sinh đã cụt tay trái từ khuỷu trở xuống. Hiện chị là Chánh Văn phòng Hội Người khuyết tật tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Kinh Môn. Nhiều năm qua, chị là một cán bộ hội tận tâm, năng động, từng được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Năm 2021, chị được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vinh danh là 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước.

Tích cực trong công tác xã hội là thế, nhưng chị Nha cũng như nhiều người khuyết tật khác tại Hải Dương hiện gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị hiện nuôi hơn 20 con gà chọi và Đông Cảo. Kinh tế khó khăn nên chị chưa xây được chuồng trại kiên cố mà phải nhốt tất cả gà vào chung một chiếc chuồng sắt vốn là chuồng chó rộng chỉ khoảng 1 m2.

Chị Nha đã nhiều lần đến Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã Kinh Môn để vay vốn. Tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã, chị được hướng dẫn vay vốn thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương. Dù đã nhiều lần đi lại nhưng đến nay, hồ sơ vay vốn của chị thông qua hình thức vay tín chấp tại tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân vẫn đang chờ thẩm định, chưa giải quyết xong. “Là người khuyết tật, đi lại khó khăn, nhiều lần bị ngã khi đi làm thủ tục nhưng đến nay tôi vẫn chưa vay được vốn”, chị Nha thở dài.

Vốn vay ít

Không lận đận như chị Nha, anh Hồ Đình Tài ở thôn Minh Tân, xã Quang Minh (Gia Lộc) đã vay được vốn ưu đãi nhưng rất ít so với nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của anh. Anh Tài sinh năm 1986, bị liệt chân và tay trái sau một trận sốt năm 2 tuổi. Vượt lên nghịch cảnh, đến nay anh là chủ một công ty quảng cáo, đang tạo việc làm cho 10lao động thời vụ với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp của anh đang sản xuất kính chắn giọt bắn và các sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch. “Dịp này tôi muốn vay thêm vốn để nhập hàng nhưng vay được ít, anh em, bạn bè hỗ trợ có hạn nên vừa qua tôi thiệt hại hơn 100 triệu đồng”, anh Tài than thở.

Hiện anh Tài được vay tín chấp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với tổng số tiền 62 triệu đồng tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lộc. “Tôi mong được vay nhiều hơn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương”, anh Tài chia sẻ.

Hội Người khuyết tật tỉnh có khoảng 1.800 hội viên, trong đó khoảng 70-80% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, còn lại là người khuyết tật nhẹ. Trong số những người khuyết tật nhẹ có khoảng 30 người có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều người khó tiếp cận vốn vay.

Ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hải Dương cho biết thực hiện chỉ đạo của cấp trên, những năm qua ngân hàng đã ưu tiên cho người khuyết tật vay vốn theo các chương trình cho vay ưu đãi nhưng họ vẫn phải bảo đảm các điều kiện của thủ tục vay vốn. Một khó khăn chung của tất cả các đối tượng vay vốn, trong đó có người khuyết tật là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đang có những hạn chế. Nguồn vốn này được phân bổ từ Trung ương xuống địa phương, mỗi năm chỉ khoảng vài tỷ đồng. Khi ngân hàng phân bổ xuống các huyện, thị xã, thành phố chỉ còn khoảng vài trăm triệu đồng/địa phương. Theo quy định, các đối tượng trong đó có người khuyết tật có thể được vay tối đa 100 triệu đồng (là mức vay áp dụng với người lao động) nhưng nhu cầu vay từ nguồn vốn này ngày càng tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn phân bổ ít nên mức cho vay với mỗi người cũng ít.

Được biết, thời gian trước Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Kinh Môn chưa có nguồn vốn để giải ngân cho chị Nha vay. Hiện nay đơn vị đã bố trí được nguồn vốn và sẽ giải ngân cho chị vay vào ngày 24.1.

Vượt lên hoàn cảnh, nhiều người khuyết tật không chỉ nỗ lực lao động, sản xuất mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Là một trong những đối tượng yếu thế của xã hội, người khuyết tật rất cần được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, giải quyết việc làm, qua đó giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, hòa nhập với xã hội.

Theo quy định, người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Theo điều 24 Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi khoản2 điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm thì đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Như vậy, đối với gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật theo hình thức hộ kinh doanh cá thể thì được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Với cá nhân người khuyết tật được vay mức tối đa 100 triệu đồng.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/nguoi-khuyet-tat-kho-vay-von-phat-trien-kinh-te-193665