Người Jrai có lịch từ bao giờ?

Trong quá khứ, đồng bào Jrai tính lịch theo chu kỳ mùa rẫy. Mỗi năm của người Jrai cũng 12 tháng nhưng tháng thứ nhất tương đương với tháng 4 Dương lịch, tức tháng bắt đầu một mùa rẫy mới. Riêng 2 tháng cuối không gọi theo số mà có tên riêng là 'Ning nơng' và 'Wor'. Đây thực ra là kiểu nông lịch tính theo chu kỳ của thời tiết và công việc chứ không như âm-dương lịch chia thời gian một cách cụ thể theo chu kỳ thiên văn của mặt trăng, mặt trời. Thế nên, vấn đề 'người Jrai có lịch từ bao giờ' là nói tới lịch thiên văn âm lịch mà chúng ta vẫn còn dùng hiện nay…

Theo nhiều tài liệu lịch sử thì cho đến giữa thế kỷ XVII mới có những lớp người Kinh đến lập nghiệp sớm ở đất An Khê. Việc giao lưu, buôn bán giữa miền thượng và đồng bằng có thể sớm hơn, tuy nhiên, chưa thấy tài liệu nào nói đến ảnh hưởng cách tính thời gian theo lịch của người Kinh bấy giờ đối với đồng bào dân tộc.

Cho mãi đến thế kỷ XIX thời Vua Thiệu Trị, điều này mới thấy ghi trong “Đại Nam liệt truyện tiền biên”, phần chép về Thủy Xá và Hỏa Xá, tức “Vua” Nước và “Vua” Lửa như sau: “Đời Thiệu Trị năm thứ 4 (tức năm 1845-N.V) ngày 1 tháng 1 ban cấp cho 2 xứ ấy quan lịch đều 1 quyển, dân lịch đều 50 quyển”.

Ảnh minh họa: Internet

Chúng ta biết các nhà nước phong kiến Việt Nam rất coi trọng lĩnh vực thiên văn, lịch số. Triều Lý (1029) đã xây điện Phụng Thiên, trên điện có lầu Chính Dương, có người giữ thẻ đồng hồ báo canh, báo khắc ở đó. Đến đời Trần lập ra Thái sử cục. Đời Lê lập Thái sử viện. Nhà Nguyễn lập Khâm thiên giám.

Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” cho biết: Hàng năm, Tư thiên giám tính trước lịch năm sau, đến tháng 6 viết ra 2 bản dự thảo, trong tháng 12 chọn ngày dâng lên vua chuẩn y, đến 24-12 làm lễ tiến lịch. Lễ này được tổ chức long trọng. Đến nhà Nguyễn, việc soạn lịch hàng năm lại càng quy mô, bài bản hơn. Hàng năm từ đầu tháng 4, cơ quan Khâm thiên giám đã phải hoàn thành bản thảo lịch năm mới để các tỉnh đến lấy về khắc in. Đến tháng 10 lại về Kinh để nhận bìa lịch có ấn của Khâm thiên giám để về đóng lịch; xong đâu đấy chờ triều đình làm lễ “ban Sóc” thì các địa phương mới làm lễ “Thọ lịch” và phát cho dân…

Lịch gồm 4 loại: Loại đặc biệt gọi là “Long phụng lịch” chỉ dùng để thờ ở 4 nơi là Thái miếu, Thế miếu, Triệu miếu và Hưng miếu. Loại tiếp theo chỉ dành cho vua gọi là “Ngự lịch”. Kế đến là “Quan lịch” và “Dân lịch” dành cho quan và dân thường… Như vậy theo ghi chép của “Đại Nam liệt truyện”, ta thấy cả “Vua” Nước và “Vua” Lửa đều được ban “Quan lịch”, bình đẳng như các quan triều đình. Và nếu số dân xung quanh bấy giờ “ước chừng 100 nóc” như “Liệt truyện” chép thì một nửa đã được ban “Dân lịch” của triều đình…

Thời Vua Thiệu Trị, mối quan hệ giữa triều Nguyễn và “Vua” Nước, “Vua” Lửa đã rất khăng khít, thể hiện như ban tên, họ; phẩm phục, mũ áo của triều đình. Không chỉ “Vua” Nước, “Vua” Lửa, những người giúp việc xuống Phú Yên cũng được triều đình ban phẩm phục. Một đoạn ghi chép trong “Liệt truyện” còn cho thấy mối quan tâm đến người dân của nhà vua: “Năm thứ 3 (1844), “sứ” đến Phú Yên nói: Hai xứ ấy bị đói kém, dịch tình rất quẫn bách. Vua lấy làm thương, cho bái vọng ở hành cung, thưởng rất hậu…”. Qua sự việc ban lịch lại cho thấy thêm mối quan tâm và tình cảm đó.

Chưa thấy tài liệu ghi chép cũng như truyền khẩu trong đồng bào Jrai về việc họ đã sử dụng như thế nào, tuy nhiên ta có thể suy luận rằng trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, lịch lại được khắc in bằng chữ Hán thì việc sử dụng đối với đồng bào là rất khó. Dù sao thì đây cũng là cái mốc đánh dấu thời gian người Jrai có lịch và biết đến lịch. Mãi cho đến năm 1916, thực dân Pháp mở vài trường học đầu tiên cho người dân tộc sau khi thiết lập xong ách đô hộ lên cao nguyên thì tầng lớp có học đầu tiên mới tiếp thu “văn minh Pháp”, trong đó có lịch phương Tây (Dương lịch) như hiện nay.

ĐĂNG VƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202101/nguoi-jrai-co-lich-tu-bao-gio-5717787/