Người giàu nhất Đông Dương

Dân gian thường biết ông Huyện Sĩ là người 'giàu nhất Đông Dương' hồi đầu thế kỷ 20, nhưng ít ai biết ông đã dành nhiều tâm huyết cho những công trình văn hóa mà tiêu biểu là nhà thờ Huyện Sĩ, một trong những công trình kiến trúc cổ của TPHCM hiện nay.

Một bức tượng cổ hàng trăm năm tuổi trong nhà thờ Huyện Sĩ. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Nhà thờ “quốc tế”

Khác với các nhà thờ thường đông đảo cuối tuần, khi chúng tôi tới thăm nhà thờ Huyện Sĩ (còn gọi là nhà thờ chợ Đũi) ở đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TPHCM. Nhà thờ mở cửa lúc 4 giờ chiều những ngày thường trong tuần nhưng vẫn đông khách tới thăm và làm lễ.

Chị Mai, một Việt kiều cho biết: “Tôi đi nhiều nước rồi, thăm nhiều nhà thờ xứ đạo, nhưng mỗi lần về Việt Nam, tôi vẫn tới nhà thờ Huyện Sĩ vì nhà thờ rất đẹp”. Chị Mai ăn mặc giản dị. Chị có rất ít người quen thân ở Việt Nam lúc này, nhưng với chị, những người xứ đạo nơi này đều là chỗ người thân.

Trên sân nhà thờ, hàng trăm con chim bồ câu kiếm ăn, dạn người khiến các cháu bé rất phấn khích. Những người trung niên tới vãn cảnh, nói chuyện. Những người cầu nguyện xong ngồi nghỉ chân trên ghế đá. Một chị lao công dọn dẹp nói: “Nhà thờ này cả trăm năm tuổi rồi. Mọi thứ ở đây đều có tuổi trăm năm. Trên tường treo nhiều tấm biển tạ ơn của du khách xa gần xin được nhiều điều linh nghiệm”.

Làm việc với văn phòng giáo xứ, anh Nguyễn Thanh Vũ vui vẻ nói: “Nhà thờ của chúng tôi chỉ là nhà thờ một xứ đạo nhỏ, nhưng giờ chẳng khác gì nhà thờ quốc tế vì ngày nào cũng đón khách thập phương từ nhiều quốc gia tới đây. Người tham quan, chụp ảnh, kẻ cầu nguyện xin phước lành, có người chỉ nghỉ ngơi dừng chân một lúc rồi đi”. Anh Vũ nói: “Cứ hễ mở cửa là nhà thờ lại đông người”.

Di sản văn hóa

Nói tới người giàu có, thường nhiều giai thoại. Giai thoại về công tử Bạc Liêu, đất đai nhiều, tiền nhiều, tiêu tiền như nước. Nhưng giai thoại về ông Huyện Sĩ, lại là giai thoại về một người giàu rất căn cơ, cần kiệm.

Ông Huyện Sĩ tên thật là Lê Nhứt Sỹ, sinh năm 1841, quê quán ở Long An, sau đổi tên là Lê Phát Đạt. Ông được học hành rất bài bản, được đức cha người Pháp đưa đi tu học. Ông học giỏi tiếng Pháp được làm thông ngôn và được bổ nhiệm làm hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Tương truyền gia đình ông treo câu đối: Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ (nghĩa là phép trị gia tốt nhất là cần kiệm, phép xử thế phải nhẫn nhịn khoan hòa”.

Mặc dù ông giỏi thu mua đất đai khi ấy còn hoang hóa, đầu tư làm nông nghiệp rất giàu có, nhưng nếu công tử Bạc Liêu xây dinh thự to lớn, sắm cả máy bay trực thăng, thì ông Huyện Sĩ lại đầu tư cho con cái đi du học. Ông có hàng ngàn nhà cho thuê, nhưng ngôi nhà ông ở lại rất khiêm tốn.

Vậy câu hỏi ông làm giàu để làm gì? Ông Huyện Sĩ đã dành rất nhiều của cải để xây dựng các nhà thờ cho các xứ đạo mà tiêu biểu là nhà thờ chợ Đũi mà ngày nay mang tên ông.

Tương truyền, để xây nhà thờ này, ông đã bỏ ra 1/7 tài sản của mình. Anh Nguyễn Thanh Vũ nói: “Ngoài trừ đá hoa cương Biên Hòa ra, phần lớn nguyên vật liệu được đem từ Pháp qua, đó là những vật liệu tốt nhất. Ngoài ra, đây cũng là một trong những nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Gô-tích rất hiếm vào thời kỳ đó”.

Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1902 và khánh thành năm 1905 với chiều dài 40m, chia làm 4 gian, mỗi gian rộng 18m. Hệ thống cửa và các cửa kính khiến nhà thờ rất thoáng đãng nhưng vẫn giữ vẻ đường bệ oai nghiêm. Các nét kiến trúc phương Tây khá đậm nét và nhìn tổng thể, nhà thờ toát lên sự gần gũi và thân thiện. Đặc biệt nhà thờ Huyện Sĩ được xem là một trong những nhà thờ có khuôn viên rộng rãi nhất tại TPHCM, khiến người dân có thể đến vui chơi sinh hoạt mỗi dịp lễ.

Lăng mộ ông Huyện Sĩ. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Những ngôi mộ đá

Chị Mai cho biết chị rất ấn tượng với hai ngôi lăng mộ bằng đá có điêu khắc hình ảnh hai vợ chồng ông Huyện Sĩ: “Những bức tượng bất tử và hình ảnh rất đẹp đẽ”.

Ông Lê Phát Đạt đã không thể chứng kiến vẻ đẹp của nhà thờ bởi ông mất trước khi nhà thờ được hoàn thành. Song tâm nguyện của ông được giáo xứ và các vị linh mục thực hiện với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà thờ ở vị trí khá trung tâm của TPHCM.

Tri ân ông, sau khi nhà thờ hoàn thành, giáo xứ đã an táng ông và vợ ông vào lăng mộ và dựng tượng ông đang nằm nghỉ ngơi ở phần hậu cung.

Ngắm nhìn bức tượng cẩm thạch của ông Huyện Sĩ, nhiều du khách đều chung cảm nhận ngạc nhiên, khi bức tượng miêu tả ông với dáng vẻ rất Việt Nam, khăn đóng áo dài. Nom ông giống như một vị quan và thực sự ông từng được thụ phong chức vị ngang với quan huyện nên người ta thường gọi ông là ông Huyện Sĩ.

Kiến trúc nhà thờ chợ Đũi. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Các tài liệu đều cho thấy ông Huyện Sĩ xuất thân từ một gia đình rất nghèo, thậm chí ông sống bằng nghề chèo đò. Nhờ một vị linh mục thấy ông ngoan hiền, thương nhận nuôi giúp đỡ, cử ông đi học trường dòng ở Mã Lai. Cuộc đời ông từ đó thay đổi. Ông có kiến thức, có quan hệ, lại có tài kinh doanh đất đai.

Người ta nói ông Huyện Sĩ có tài dạy con. Con trai trưởng của ông là Lê Phát An cũng là điền chủ giàu có và tâm huyết với văn hóa. Chính ông An đã noi gương cha xây dựng Nhà thờ Hạnh Thông Tây, một trong những nhà thờ đẹp nổi tiếng, có chiều dài 40 mét, rộng 14 mét, cao 16 mét. Ông Lê Phát An có công với triều đình nên được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương.

Trao đổi với phóng viên trong một buổi chiều lác đác mưa, những giáo dân và du khách đều ngưỡng mộ và dành cho ông Huyện Sĩ những lời khen ngợi tốt đẹp nhất. Chị Dương, một người quận 5 đã đi lễ nhà thờ này 40 năm, nhận xét rằng: “Thiên hạ không thiếu gì người giàu, nhưng của ngon vật lạ tiền bạc họ giữ cho mình tiêu xài. Những người lao lực làm giàu để cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội như ông Huyện Sĩ là không nhiều đâu, nên hàng trăm năm người đời vẫn nhớ ông Huyện Sĩ”.

9/2017

Trần Nguyễn Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nguoi-giau-nhat-dong-duong-1197413.tpo