Người dùng thế giới 'đổ xô' truy cập máy tính lượng tử Ngộ Không của Trung Quốc

Máy tính lượng tử tiên tiến nhất của Trung Quốc, Origin Ngộ Không, đã mở quyền truy cập cho người dùng toàn cầu cách đây 10 ngày. Hiện, người dùng từ 61 quốc gia đã có thể truy cập vào 'siêu máy tính' này.

Nhật báo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc cho biết số lượng truy cập từ xa vào máy tính có tên Origin Ngộ Không này đã vượt quá 350.000 lượt tính đến 10 giờ sáng thứ Hai.

Máy tính lượng tử cung cấp phương pháp tính toán nhanh hơn, hiệu quả hơn máy tính truyền thống. Ảnh: Shutterstock

Người dùng từ Bulgaria, Singapore, Nhật Bản, Nga và Canada nằm trong số những người đã đăng nhập, song Mỹ dẫn đầu danh sách dù không cung cấp con số cụ thể. Bài báo cho biết thêm, cỗ máy này đã hoàn thành 33.871 nhiệm vụ điện toán lượng tử cho người dùng toàn cầu kể từ khi đi vào hoạt động vào ngày 6 tháng 1.

Bước đột phá lượng tử của Trung Quốc

Được đặt tên theo nhân vật có phép thần thông biến hóa trong truyền thuyết Trung Quốc, Origin Ngộ Không là máy tính lượng tử siêu dẫn thế hệ thứ ba đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển.

Theo Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đây là loại máy có thể lập trình và cung cấp mới nhất, tiên tiến nhất của Trung Quốc. Origin Quantum, công ty đứng sau thành tựu này, được thành lập vào năm 2017 bởi các nhà nhà vật lý lượng tử hàng đầu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở tỉnh An Huy.

Guo Guoping, đồng sáng lập Origin Quantum, nói: “Máy tính lượng tử của Mỹ không mở cửa cho Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng mở dịch vụ của mình cho người dùng trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ, để cùng thúc đẩy khái niệm điện toán lượng tử vì lợi ích của nhân loại”.

Điện toán lượng tử được coi là một công nghệ đột phá. Nó sử dụng các hạt cơ bản gọi là qubit, viết tắt của bit lượng tử, làm đơn vị thông tin cơ bản - tương đương với các bit kỹ thuật số được sử dụng trong điện toán truyền thống.

Hình ảnh một loại chip lượng tử siêu dẫn. Ảnh: SpinQ

Trung Quốc và Mỹ nằm trong số các cường quốc thế giới chạy đua để trở thành số một lĩnh vực công nghệ đột phá có tiềm năng biến đổi nhiều lĩnh vực này, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tài chính và bảo mật dữ liệu.

Origin đã cung cấp máy tính lượng tử siêu dẫn đầu tiên cho thị trường nội địa vào năm 2020. Máy tính lượng tử thực tế đầu tiên của Trung Quốc cũng đến từ Origin - cỗ máy thế hệ thứ hai Wuyuan 24 qubit được giao cho một người dùng không được tiết lộ vào năm 2021.

Thành tích này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba - sau Canada và Mỹ - có được khả năng cung cấp một hệ thống điện toán lượng tử hoàn chỉnh. Máy tính Ngộ Không được trang bị chip lượng tử siêu dẫn 72 qubit, còn được gọi là chip Ngộ Không.

Vẫn còn khoảng cách với phương Tây

Bất chấp những tiến bộ này, khoảng cách giữa Trung Quốc và các đối thủ ở phương Tây vẫn còn rất lớn. Vào tháng 11 năm 2022, IBM của Mỹ đã ra mắt bộ xử lý “Osprey” 433 qubit, máy tính lượng tử nhanh nhất thế giới vào thời điểm đó.

Vào tháng 10 năm ngoái, công ty khởi nghiệp Atom Computing ở California đã bỏ xa Osprey khi ra mắt máy tính lượng tử đầu tiên với hơn 1.000 qubit. Hai tháng sau, IBM trình làng Condor với 1.121 qubit siêu dẫn.

Mặc dù có nhiều qubit hơn không nhất thiết có nghĩa là hiệu suất tốt hơn, nhưng số lượng lớn qubit được cho rằng sẽ giúp máy tính hoạt động ổn định và ít mắc lỗi hơn.

CEO Google bên cạnh một máy tính lượng tử. Ảnh: NYT

Các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận khoảng cách với phương Tây. Vào cuối năm 2022, Zhang Hui, Tổng giám đốc của Origin Quantum, cho biết Trung Quốc đang đi đầu trong nghiên cứu khoa học lượng tử toàn cầu nhưng “tương đối tụt hậu” về điện toán lượng tử.

Ông nói thêm rằng có một khoảng cách rất lớn giữa Trung Quốc và Mỹ trong các ứng dụng công nghiệp của điện toán lượng tử. “Những công ty hàng đầu như IBM và Google bắt đầu khám phá các ứng dụng công nghiệp ngay từ những năm 1990. Nhưng chỉ kể từ khi thành lập Origin Quantum vào năm 2017, chúng tôi mới bắt đầu áp dụng vào các ứng dụng công nghiệp”, Zhang nói.

Tuy nhiên, dù có 72 qubit hay hơn 1.000 qubit, máy tính lượng tử cũng sẽ không sớm thay thế máy tính thông thường. Ở giai đoạn này, chúng chỉ có thể thực hiện những nhiệm vụ rất cụ thể trong khoảng thời gian ngắn trong môi trường được bảo vệ.

Vô số thách thức kỹ thuật, chẳng hạn như khả năng sửa lỗi, đã khiến một số nhà khoa học dự báo rằng một máy tính lượng tử thực tế vẫn còn phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ mới có thể trở thành một sản phẩm thông dụng.

Hoàng Hải (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dung-the-gioi-do-xo-truy-cap-may-tinh-luong-tu-ngo-khong-cua-trung-quoc-post281248.html