Người đau đáu một đời với chuyên ngành huyết học

Hơn 40 năm gắn bó với ngành y, người Thầy thuốc Nhân dân, nhà giáo Nguyễn Ngọc Minh đã tiên phong và mang về Việt Nam chương trình Hiến máu tình nguyện...

Hơn 40 năm gắn bó với ngành y, người Thầy thuốc Nhân dân, nhà giáo Nguyễn Ngọc Minh đã tiên phong và mang về Việt Nam chương trình Hiến máu tình nguyện - Một chương trình đầy nhân văn và có ý nghĩa to lớn cho y học. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng thầy vẫn đau đáu với nghề y và luôn thôi thúc truyền đạt cái tâm của nghề cho biết bao thế hệ sinh viên.

Hiến máu tình nguyện là một chương trình ý nghĩa đã góp phần to lớn cho nền y học Việt Nam. Từ những giọt máu nhân đạo đã sẻ chia và cứu giúp biết bao phận người. Nhưng có lẽ, không mấy người biết và nhớ về người tiên phong, tổ chức phát động mở đầu phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam. Một trong những người tiên phong đó là PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh (nguyên Phó Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu miền Trung, hiện là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng).

Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng thầy Minh vẫn không ngừng nghiên cứu về y học.

Nhiều đêm không ngủ chỉ để ngồi và nghĩ đến “máu”

Là một thầy thuốc được đào tạo dưới chế độ mới và được Nhà nước cho đi tu nghiệp ở một số nước tư bản như Hà Lan, Pháp, Mỹ... PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh là một trong những cán bộ đầu ngành của chuyên ngành huyết học truyền máu Việt Nam. Chia sẻ về những ngày đầu phát động chương trình Hiến máu tình nguyện ở Việt Nam, PGS. Minh kể lại: “Trước đây, nền y học của nước ta còn rất lạc hậu, tất cả nguồn máu để cứu chữa cho bệnh nhân đều hoàn toàn dựa vào một đội ngũ bán máu chuyên nghiệp, không hề có nguồn máu dự trữ. Mà nguồn máu từ những người làm nghề bán máu lấy tiền thì chưa chắc đã là nguồn máu sạch, nhưng do thiếu nên vẫn phải sử dụng và việc sàng lọc là rất hạn chế. Chính vì vậy mà nhiều hệ lụy kèm theo là rất cao. Chưa kể, thực trạng này còn kéo theo sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội khi người nghèo phải bán đi giọt máu của mình cho người giàu...”.

Nói rồi thầy Minh nhắc lại một kỷ niệm buồn mà thầy từng phải nếm trải, “Có lần tôi đã chứng kiến một ca phẫu thuật lấy thai, ca phẫu thuật cực kỳ đơn giản nhưng chỉ vì thiếu máu, không có máu truyền mà cả mẹ và con đều phải chết. Hình ảnh đó cứ như nhát dao cứa vào lòng những y bác sĩ, trong đó có tôi, mà mấy chục năm qua đi vẫn còn hằn lại sẹo”, mắt thầy Minh đỏ hoe khi kể lại.

Thời gian vào những năm đầu thập niên 90, thầy Minh tham gia vào câu lạc bộ Chữ thập đỏ Việt Nam, trong những chuyến đi tìm hiểu về y dược các nước phát triển, thấy họ đã có chương trình hiến máu nhân đạo, thầy Minh và các thành viên trong đoàn đã nghĩ ngay: đây là một trong những chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn. “Ngay thời khắc đó, chúng tôi nghĩ đây sẽ là chương trình tốt đẹp nhất của nhân loại mà Việt Nam cần phải học tập. Về nước, tôi cùng với các anh em trong Hội Chữ thập đỏ đã bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch tuyên truyền về chương trình Hiến máu tình nguyện”.

Nhưng để người dân đón nhận chương trình này thì cực kỳ khó khăn, bởi với người dân máu quý như tính mạng của họ nên để hiến máu là một việc không hề dễ dàng. “Lúc đó chúng tôi phải gõ cửa từng cơ quan, thuyết phục từng cán bộ, từng hộ dân để giải thích cho họ hiểu về sự sản sinh của máu trong cơ thể con người và sự nguy hại nếu không có nguồn máu dự trữ. Không dễ dàng để thay đổi tư tưởng của con người, chúng tôi tuyên truyền, vận động từng cán bộ xã, thị trấn để truyền tải và thuyết phục họ tham gia trước”, thầy Minh cho biết.

Sau khi tiên phong ở Huế, các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng bắt tay vào công việc tuyên truyền, phát động và thu về thành công rực rỡ.

Những ngày đầu phát động chương trình, đối tượng được hướng tới chủ yếu là giới sinh viên bởi họ có sức khỏe, sức trẻ, sự nhiệt tình và hiểu biết. Nhưng về sau, hiểu được rằng với nhu cầu cấp thiết của gần 80 triệu dân (dân số Việt Nam lúc bấy giờ) mà chỉ dựa vào nguồn máu của sinh viên là không thể đủ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh lại lên kế hoạch để kêu gọi mọi tầng lớp, từ nông dân, công nhân cho đến giới trí thức, tất cả đều tham gia hiến máu nhân đạo. “Nhiều đêm tôi không tài nào ngủ được, chỉ để ngồi và nghĩ đến “máu”. Nếu không phát động chương trình Hiến máu tình nguyện rộng khắp và nếu không nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân thì sẽ rất nguy hiểm. Vậy là chúng tôi lại vào cuộc, kêu gọi. Khó lắm, nhưng phải cố gắng vì nó là cần thiết”. Nói rồi, thầy Minh nhoẻn miệng cười thật tươi khi cho tôi xem những báo cáo về kết quả hiến máu nhân đạo hằng năm.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh hướng dẫn sinh viên ĐH Duy Tân.

Nghề y - cần lắm những tấm lòng cao cả

Vừa là một Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh còn được biết đến là một nhà giáo, nhà nghiên cứu tận tâm. Thầy chính là người gây dựng nên Khoa Huyết học truyền máu của ĐH Y Dược Huế và năm 2008 ông về làm cho Đại học Duy Tân đã khai sinh ra các ngành Y - Dược - Điều dưỡng của trường. Với thầy, việc đào tạo sinh viên trước tiên là truyền tải cái tâm của một người thầy thuốc. Có thể nói hầu hết các bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II, tiến sĩ phụ trách các Khoa Huyết học truyền máu tuyến tỉnh, các trường đào tạo ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, một số tỉnh Nam bộ đều là học trò của thầy Minh.

Hơn 40 năm làm công tác giảng dạy đại học và sau đại học, PGS đã dành nhiều tâm huyết để truyền đạt ý nghĩa to lớn của nghề đến với sinh viên. Trong suốt quá trình làm công tác đào tạo, thầy đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ, tham gia đào tạo nhiều sinh viên y khoa, bác sĩ cho nhiều thế hệ. Ngoài ra, thầy còn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc biên soạn sách. Hiện nay, nhiều sách giáo khoa, giáo trình đại học, sau đại học của ông biên soạn đã được sử dụng trong toàn quốc và trích dẫn trên nhiều nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án. Tính đến nay, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh đã có hơn 100 công trình nghiên cứu được đăng tải trong và ngoài nước.

Chia sẻ những tâm huyết về nghề, thầy Minh nói: “Nghề nào cũng phải có cái tâm, nhưng các bạn thấy không, khi đi xe buýt thấy cảnh tượng chửi bới hành khách nhưng không ai than rằng “Không có giao thông đức gì hết”, khi các bạn đến các cơ quan công quyền để làm giấy tờ thì bị làm khó đủ kiểu nhưng cũng không có câu “Hành chính đức”. Thế nhưng các bác sĩ, đội ngũ hành nghề y tế mà thiếu tận tâm, vô trách nhiệm thì sẽ có câu “Thiếu y đức”. Có lẽ điều đó là không công bằng nhưng theo tôi nó là đúng. Bởi, cái đức của nghề y là cao cả vô cùng”. Lý giải cho điều này, thầy Minh đặt tay lên lồng ngực mình rồi cười và nói “Vì nghề y là nghề phục vụ cho một đối tượng đặc thù trong xã hội, phục vụ cho những người đau ốm, có khi là cận kề cái chết. Không phải đơn thuần là chữa bệnh về vết thương mà vết thương gắn liền với tâm lý và nghị lực của người bệnh. Vậy nên phục vụ ở đây là cả một sự chăm sóc, đã chăm sóc mà thiếu đi sự yêu thương thì làm sao gọi là chăm sóc”.

Có lẽ cũng chính vì quan điểm ấy mà thầy vẫn từng ngày, từng giờ chăm chút cho công tác đào tạo con người. Với thầy, ngoài việc truyền tải kiến thức đến sinh viên, điều quan trọng hơn là tính cẩn thận và sự nhân từ. “Bất kể ai trong đời cũng sẽ mắc phải sai sót nhưng nghề y tuyệt đối không cho phép sai sót. Vì vậy, đào tạo con người trong lĩnh vực y học phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, phải có chuyên môn và giàu lòng thương người. Tôi muốn truyền tải cho sinh viên tất cả kiến thức, sự yêu nghề và yêu người”.

Đến nay qua hơn 20 năm chương trình Hiến máu nhân đạo đã được người dân đón nhận rộng rãi nhưng với người thầy thuốc này vẫn còn nhiều điều trăn trở: “Mình có tiến bộ, nhưng vẫn còn hết sức hạn chế, nước mình chưa có một nhà máy chế phẩm máu nào hết, mà theo tôi phải xây dựng cho bằng được nhà máy chế phẩm máu thì vấn đề huyết học trong y tế mới đảm bảo”.

Bài và ảnh: Dương Hằng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguoi-dau-dau-mot-doi-voi-chuyen-nganh-huyet-hoc-n124195.html