Người “đánh cắp” máy bay trực thăng UH-1A và vụ án “Tản thất quân dụng”

Ngày 7 tháng 11 năm 1973, một chiếc trực thăng UH-1A trên đường từ Đắk Nông bay về Sài Gòn đã đậu xuống ven bờ hồ Xuân Hương. Những tên trong phi hành đoàn vừa đi khuất dạng sau bùng binh trước cửa vào chợ Đà Lạt, Hồ Duy Hùng đã bí mật lẻn vào nhảy ngay lên buồng lái máy bay, nổ máy, bay thẳng về Bến Cát dọc theo dãy Trường Sơn với tầm thấp nhằm tránh hỏa lực từ hai phía.

Đà Lạt một ngày cuối thu, trời tuyệt đẹp, gió se lạnh, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ hòa quyện với muôn sắc màu hoa tươi đang khoe sắc hương. Hôm đó là ngày 7 tháng 11 năm 1973, Trung tá Phi đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Phan, Thiếu tá phi công Huỳnh Văn Thu và Trung sĩ nhất xạ thủ đại liên sáu nòng M60 Trần Xuân Mẫn đi vào chợ Đà Lạt mua sắm, ngắm người đẹp dạo phố, bỏ lại chiếc máy bay UH-1A mang số hiệu 60139 thuộc Phi đoàn 215, Sư đoàn 2 Không quân Việt Nam Cộng hòa đang đậu cạnh bờ hồ Xuân Hương.

Lợi dụng sơ hở này, một người thanh niên dũng cảm đã lẻn vào buồng lái đánh cắp máy bay, sau đó cất cánh bay len lỏi theo dãy Trường Sơn để tránh đạn từ hai phía rồi bất ngờ hạ cánh xuống bờ hồ Dầu Tiếng (Bình Dương ngày nay) thuộc vùng căn cứ giải phóng của quân giải phóng vì anh từng là phi công quân đội Sài Gòn và cũng là chiến sĩ quân báo cách mạng cài cắm vào. Sự kiện gây chấn động cả Sài Gòn và nước Mỹ được đăng tải trên nhiều phương tiện báo chí trong nước và quốc tế.

Ông Hồ Duy Hùng (ngồi giữa) gặp lại đồng đội cũ.

Ngay sau đó, số phận các sĩ quan Không quân bất cẩn làm tản thất chiếc UH-1A hiện đại của Mỹ, đã phải ra trình diện và đối mặt với tòa án binh. Trung tá Phi đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Phan đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Ngày 12 tháng 7 năm 1974, tòa án quân sự Nha Trang do Đại tá Từ Dương làm chánh án xét xử vụ án để mất chiếc UH-1A với tội danh “tản thất quân dụng” và kết án Trung tá Nguyễn Ngọc Phan 8 tháng tù giam. Do bị tạm giam từ tháng 11 năm 1973 đến tháng 7 năm 1974, Trung tá Phan đã thụ án xong và trở lại chức vụ cũ. Đây là một vụ án hy hữu nhất trong quân đội Sài Gòn khi để một máy bay trực thăng chiến đấu hiện đại rơi vào tay đối phương giữa thanh thiên bạch nhật mà không thể nào ngờ tới được.

Người ăn cắp máy bay vĩ đại ấy là Hồ Duy Hùng, một điệp viên của quân đội cài vào làm phi công quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Chân dung "siêu trộm" máy bay trực thăng Mỹ

Phi công Hồ Duy Hùng sinh năm 1947, tại làng Cẩm Sơn, xã Duy Tụng, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, một mảnh đất có truyền thống yêu nước và cách mạng nổi tiếng. Năm 14 tuổi, ông vào học tại trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam và tham gia hoạt động trong phong trào học sinh chống chính quyền. Thời gian này, ông được móc nối để hoạt động cách mạng. Năm 1967, khi đang học đệ thất thì bị lộ và bị khủng bố. Hồ Duy Hùng phải rời quê vào Quy Nhơn ở nhờ nhà người chú học tiếp tú tài 2. Tại đây, ông tiếp tục hoạt động bí mật trong phong trào sinh viên Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) trực tiếp lãnh đạo.

Vào năm Mậu Thân 1968, ông được chọn vào nhóm các sinh viên sĩ quan được chọn học Anh ngữ phi hành. Tháng 12 năm 1969, sau khi tốt nghiệp sinh ngữ từ trường sinh ngữ quân đội, Hồ Duy Hùng trải qua một kỳ sát hạch khắt khe với nhiều thí sinh, cuối cùng anh được chọn đi học lái trực thăng UH-1A tại Mỹ.

Tháng 10 năm 1970, Hồ Duy Hùng trở về nước với quân hàm Thiếu úy, lái máy bay trực thăng ở Nha Trang. Cũng trong giai đoạn này, ông được tổ chức bí mật chuyển sang công tác quân báo thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Bất ngờ xảy đến vào tháng 3 năm 1971, Hồ Duy Hùng bị lực lượng an ninh quân đội bắt do bị phát hiện khai man lý lịch, gia đình có quá nhiều người tham gia hoạt động cho Mặt trận Giải phóng và một tên chiêu hồi, nguyên là tài vụ thị ủy nhớ nhầm là đã gặp ông trong vùng giải phóng (thực ra tên này đã gặp người anh của ông).

Ông bị chúng giam 5 tháng lưu đày một loạt nhà tù, sau đó chúng tước quân tịch và giao cho cảnh sát tiếp tục tra xét. Trong những ngày tháng bị cảnh sát giam giữ, chúng đã giải ông qua 7 nhà giam, tìm cách moi móc tin tức và điều tra về nhân thân, lai lịch của ông. Nhưng rồi chúng không tìm được chứng cứ gì, đành phải thả ông ra nhưng buộc phải cư trú tại Hội An (Quảng Nam - Đà Nẵng) và trình diện cảnh sát địa phương.

Biết được âm mưu giam lỏng của địch để xác minh, tìm bới lý lịch nhân thân nên ông bỏ trốn vào Sài Gòn, tìm cách bắt liên lạc với tổ chức. Vài hôm sau, ông được báo đang bị cảnh sát dán ảnh truy nã khắp nơi, ông cải trang trốn ra Đà Lạt, liên tục thay đổi nơi cư trú và không thể ở lâu một chỗ.

Theo Nghị định số 624/TTM/ND, ký ngày 30 tháng 7 năm 1971, do Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, sa thải ra khỏi quân đội Thiếu úy Hồ Duy Hùng, số quân 68/601.534, thuộc Phi đoàn 215 Sư đoàn 2 Không quân với lý do: 1. Có nhiều thân nhân hoạt động cho Cộng sản; 2. Có tư tưởng thiên Cộng (ca ngợi chiến tích của Cộng sản, hô hào ý chí đấu tranh chống ngoại xâm theo đường hướng Cộng sản). Đây là thời gian ông luôn phải sống trong tình trạng căng thẳng, đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cho mãi đến tháng 4 năm 1973, ông mới bắt liên lạc được với tổ chức Thành Đoàn và được bố trí thoát ra vùng giải phóng ở Củ Chi. Đến tháng 8, ông trở về lại đơn vị quân báo.

Ngay khi ông về đơn vị cũ, cơ quan quân báo giao cho ông nhiệm vụ lấy cắp 1 máy bay trực thăng UH-1 để gây tiếng vang và để nghiên cứu huấn luyện bay phục vụ chiến đấu. Chính vì vậy, ngày 27 tháng 10 năm 1973, ông tìm cách trở về Sài Gòn để điều tra nghiên cứu, tìm cách thực hiện kế hoạch đánh cắp máy bay địch. Lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan cảnh sát, ông đã tìm cách lấy được giấy tờ hợp lệ cho bản thân và lên kế hoạch đánh cắp máy bay trực thăng. Trước đó, ngày 26 tháng 1 năm 1973, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Sài Gòn có gửi cho Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa gửi công văn cảnh báo các quân chủng không quân về thông tin tên phi công “Việt cộng” Hồ Duy Hùng xuất hiện ở khu vực Đà Lạt và có khả năng đánh cắp máy bay do tình trạng khinh suất của các phi công trực thăng quân sự thường xuyên đậu ở cạnh bờ hồ Xuân Hương-Đà Lạt.

Vào ngày 3 tháng 11 năm 1973, Hồ Duy Hùng dự định lấy cắp một chiếc máy bay trực thăng loại UH-1B đậu tại khu vực bãi cỏ gần hồ Xuân Hương, nhưng ý định này bất thành vì loại máy bay này không chứa đủ nhiên liệu để bay ra vùng kiểm soát của Mặt trận Giải phóng tại Tây Ninh.

Cuối năm 1973, tổ chức phân công ông quay trở lại trong vùng địch kiểm soát để tìm cơ hội lấy cắp trực thăng UH-1 của địch, đây là một nhiệm vụ bất khả thi rất cần cho cách mạng. Hồ Duy Hùng đã lên thành phố ngàn hoa Đà Lạt nắm tình hình, nắm quy luật đi đến cho phi công trực thăng tại đây vì bọn lái trực thăng UH-1 hay ngông nghênh, gàn dở đậu xuống bờ hồ Xuân Hương để lên chợ Đà Lạt mua sắm quà và ăn chơi trước khi về Sài Gòn.

Thời cơ đã đến, hôm đó là ngày 7 tháng 11 năm 1973, một chiếc trực thăng UH-1A trên đường từ Đắk Nông bay về Sài Gòn đã đậu xuống ven bờ hồ Xuân Hương. Những tên trong phi hành đoàn vừa đi khuất dạng sau bùng binh trước cửa vào chợ Đà Lạt, Hồ Duy Hùng đã bí mật lẻn vào nhảy ngay lên buồng lái máy bay, nổ máy, bay thẳng về Bến Cát dọc theo dãy Trường Sơn với tầm thấp nhằm tránh hỏa lực từ hai phía. Theo kế hoạch sắp sẵn, ở vùng giải phóng Dầu Tiếng có chuẩn bị một bãi đáp trực thăng, nhưng hôm đó thời tiết khá xấu, về gần đến nơi thì máy bay sắp hết dầu, phi công Hồ Duy Hùng phải đậu máy bay xuống gần hồ Dầu Tiếng, trong rừng cao su thuộc xã Thạnh An – Bến Cát ngày nay.

Sợ máy bay địch tìm kiếm sẽ phát hiện, ông phải cẩn thận lấy bùn trét lên những chỗ sơn màu trắng trên thân máy bay và bẻ cành cây để ngụy trang không cho máy bay địch phát hiện. Xong xuôi, ông nhắm hướng băng rừng tìm đơn vị của ta. Vừa ra khỏi khu vực giấu máy bay chẳng bao lâu, ông đã gặp một đội vận tải quân sự đóng quân gần đó và mọi người vui mừng khôn tả. Cấp trên ra lệnh ông lái máy bay trực thăng vào bãi trống trước khu đóng quân của đơn vị cho an toàn. May mà đoạn đường gần, ông đưa được máy bay về đúng yêu cầu. Anh em kéo máy bay vào rừng rậm, ngụy trang cẩn thận.

Đây là chiếc máy bay UH-1A đầu tiên của Mỹ còn nguyên vẹn được các chuyên gia kỹ sư kỹ thuật hàng không nghiên cứu sử dụng. Muốn đánh địch phải tìm hiểu kỹ về vũ khí, khí tài quân sự địch. Trong tình hình vũ khí chúng ta còn thiếu thốn, chưa hiện đại nếu nghiên cứu, nắm kỹ vũ khí, phương tiện địch ta hoàn toàn có thể chế tạo sản xuất vũ khí tiêu diệt địch. Còn nhớ, khi Liên Xô giúp đỡ cho ta tên lửa SAM 2 chỉ tiêu diệt mục tiêu máy bay tầm thấp, nhưng các chuyên gia kỹ thuật quân sự Việt Nam như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Ngô Gia Khảm… đã cải tiến thành công tên lửa SAM -1, nâng tầng độ phóng lên trên 25km tiêu diệt pháo đài bay B.52 của Mỹ. Do đó, việc đánh cắp máy bay chiến đấu hiện đại UH-1A của Mỹ là một thành tích cực lớn trực tiếp phục vụ cho việc nghiên cứu chế tạo và nghiên cứu các tính năng của máy bay để chế tạo vũ khí tiêu diệt phù hợp và phục vụ cho chiến đấu.

Số phận của chiếc máy bay trực thăng UH-1A từ chiến trường đến quần đảo Trường Sa

Sau mấy ngày nằm nghỉ ngơi trong rừng, được ngụy trang khéo và bảo vệ rất kỹ lưỡng để tránh bị địch phát hiện khi chúng tức tối điên cuồng vì mất một phương tiện chiến đấu lợi hại và cực đắt tiền do quan thầy Mỹ viện trợ, Quân đội Sài Gòn tổ chức nhiều đợt pháo kích cấp tập vào khu vực các sân bay dã chiến ở Thiện Ngôn (Tây Ninh), Bà Rá và căn cứ giải phóng Lộc Ninh và những nơi chúng nghi là nơi đáp của chiếc trực thăng bị đánh cắp.

Lúc này, phi công Hồ Duy Hùng được lệnh lái máy bay từ Dầu Tiếng về sân bay Lộc Ninh theo một đường bay đã được thông báo để tránh bị bắn nhầm do nằm trong khu căn cứ giải phóng và giáp ranh nên việc phòng thủ và bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi Hồ Duy Hùng cất cánh, một số du kích dọc tuyến bay chưa nắm kỹ tình hình và không nhận được phổ biến, đã nổ súng bắn cho “lủng đuôi”, buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, là căn cứ Sở Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Miền. Một phen hú vía với phi công mạo hiểm Hồ Duy Hùng.

Ban đầu, chiếc máy bay quý giá của địch được dự định dùng để tấn công phủ đầu vào dinh Độc Lập ngày 1 tháng 1 năm 1974 nhân dịp năm mới. Chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang rêu rao các chiêu bài an dân, trấn an nhân dân về tình hình chiến sự trên chiến trường đang diễn ra bất lợi. Sau khi tên lính Mỹ cuốn cờ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 27 tháng 3 năm 1973, chính quyền Thiệu sa lầy, cục diện chiến trường thay đổi khá lớn. Các chuyên gia quân sự, CIA Mỹ không thể đảo ngược tình thế nên việc trấn an binh sĩ, lên dây cót tinh thần tướng sĩ rất quan trọng. Rất tiếc, do nhiều yếu tố không thuận lợi nên Hồ Duy Hùng và chiếc trực thăng đánh cắp không thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình trong ngày đầu năm Dương lịch 1974 mà sau này phi công anh hùng Nguyễn Thành Trung đã thực hiện được.

Đến giữa tháng 3 năm 1974, Hồ Duy Hùng nhận được lệnh cùng một số kỹ sư tháo rời và dùng xe tải vận chuyển chiếc UH-1A ra Thủ đô Hà Nội theo đường Trường Sơn. Ngày 26 tháng 4 năm 1974, xe tải chở chiếc trực thăng được tháo rời về đến sân bay Hòa Lạc. Ông được cấp trên giao nhiệm vụ thuyết minh về các tính năng tác dụng và huấn luyện phi công sử dụng máy bay UH-1A, trong đó có phi công Nguyễn Xuân Trường (sau này là Đại tá, Trưởng đoàn bay phục vụ dầu khí) và Nguyễn Đình Khoa (sau là Tham mưu phó Quân chủng không quân, Anh hùng LLVTND).

Cuối năm 1974, Hồ Duy Hùng trở về lại miền Nam công tác trong đơn vị quân báo cũ. Đầu năm 1975, ông được lệnh tham gia chuẩn bị sân bay Lộc Ninh để đón phi công Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập trở về. Ngày 21 tháng 5 năm 1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn không quân 917 (Đoàn C17 hay Đoàn Đồng Tháp), làm nhiệm vụ tiếp quản, thu hồi các máy bay, trực thăng chiến lợi phẩm, như: UH-1, CH-47, U-17 và L-19, để nhanh chóng tổ chức huấn luyện sử dụng. Các giáo viên bay UH-1 đầu tiên gồm có Hồ Duy Hùng (mang quân hàm Đại úy Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam ), Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Hữu Nhậm, Nguyễn Đình Khoa.

Những chiếc máy bay UH-1 thu được của Mỹ ngụy đã được chúng ta khai thác có hiệu quả. Nhà máy A42 được giao nhiệm vụ phục hồi và sửa chữa bảo dưỡng máy bay UH-1 để có thêm phương tiện phục vụ công tác và sẵn sàng chiến đấu. Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn Không quân 917 đã tiếp quản, thu hồi các máy bay UH-1 của địch, nhanh chóng tổ chức huấn luyện và đưa vào sử dụng. Các giáo viên dạy bay UH-1 đầu tiên không ai khác các phi công Hồ Duy Hùng, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Hữu Nhậm, Nguyễn Đình Khoa.

Ngày 5 tháng 6 năm 1975, máy bay trực thăng vũ trang UH-1 bắt đầu tham gia chiến dịch giải phóng các đảo trên vùng biển Tây Nam, đánh vào các điểm cố thủ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn trên đảo Hòn Ông và đảo Hòn Bà. Máy bay UH-1 đã xuất kích 30 chuyến, góp phần không nhỏ trong việc tiêu diệt các ổ đề kháng và bắn chìm 7 tàu địch. Từ ngày 17 tháng 9 năm 1975, Trung đoàn không quân C17 hiệp đồng với lực lượng vũ trang Quân khu V và địa phương truy quét lực lượng tàn quân Fulro ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Giữa năm 1977, tình hình biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp, căng thẳng khi bọn diệt chủng Pôn Pốt cho quân khiêu khích và đánh lấn chiếm biên giới Tây Nam nước ta từ Tây Nguyên đến Hà Tiên. Các máy bay UH-1 lại tiếp tục nhận nhiệm vụ lên đường trong thời bình để chi viện hỏa lực cho bộ binh đánh vào phòng tuyến, cứ điểm quan trọng của địch.

Ông Hồ Duy Hùng kể lại, những chiếc máy bay UH-1 lúc đó rất lợi hại, trên máy bay, phi công và xạ thủ được mặc áo giáp chống đạn, đội mũ sắt khá dày, đạn súng trường bắn trúng không xuyên qua được. Phi công lại được ngồi trên ghế sắt có thành cao bao bọc xung quanh. Máy bay UH-1 bay là là cách mặt đất chưa đến 10 mét, trên máy bay có 2 khẩu súng Miligan 6 nòng (7,62mm) với 12.000 viên đạn, hai bên cánh treo 14 quả rốc két. Từ máy bay, các xạ thủ "khạc" lửa vào quân địch cấp tập khiến chúng tháo chạy, dọn đường cho các sư đoàn, trung đoàn bộ binh ta ào ạt xông lên tấn công. Có nhiều trận đánh, địch bắn trả quyết liệt, máy bay của ông có lần trúng 12 viên đạn trên thân nhưng vẫn bay về được sân bay vì đạn không trúng chỗ hiểm. Ông Hùng cho biết, thùng xăng UH-1 có lớp cao su dày, nên khi đạn bắn trúng, thì nó tự bịt lại, không cho xăng chảy ra ngoài.

Từ năm 1977-1986, máy bay UH-1 của Trung đoàn C17 đã cất cánh hàng ngàn lần góp phần không nhỏ trong việc vận chuyển thương binh, vũ khí trang bị, thuốc men cho chiến trường... Phân xưởng sửa chữa máy bay lên thẳng Nhà máy A42 là nơi tổ chức phục hồi, sửa chữa trực thăng UH-1 cho Trung đoàn. Đây cũng là phân xưởng duy nhất của nhà máy được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Vẫn chưa hết nhiệm vụ của một phi công trực thăng, đó là chuyện cách đây hơn 35 năm, tổ bay trực thăng UH-1 của Trung đoàn Không quân trực thăng 917 đã hạ cánh xuống các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, phi công của Không quân nhân dân Việt Nam hạ cánh xuống vùng đất thiêng liêng này của Tổ quốc nằm giữa biển Đông trong niềm vui vỡ òa của các chiến sĩ Hải quân nhân dân ngày đêm canh giữ biển đảo.

Cựu phi công Hồ Duy Hùng nhớ lại: “Đầu năm 1976, theo lệnh của cấp trên, chúng tôi phải chuẩn bị một máy bay để cùng với Hải quân ra Trường Sa công tác. Lúc đó, đơn vị chỉ có loại trực thăng UH-1 mới có thể đậu được trên tàu. Vì thực sự loại máy bay UH-1 không thể bay đến Trường Sa được vì đây là loại máy bay nhỏ, dùng để chiến đấu ở đất liền và yểm trợ cho bộ binh mà thôi. Gần 3 ngày, tàu hải quân mới ra đến đảo Trường Sa. Ra đến nơi, tàu đậu cách đảo chừng vài cây số, chúng tôi dùng trực thăng chở đoàn vào đảo. Mỗi lần như vậy phải chở gần chục chuyến mới hết. Lúc chúng tôi hạ máy bay trên tàu Hải quân đang đậu ở Tân Cảng thì quá dễ dàng. Tuy nhiên ra đến Trường Sa thì vô cùng khó khăn. Sóng rất lớn, tàu cứ nghiêng ngả chòng chành nên chúng tôi rất căng thẳng phải canh thời điểm từng li từng tí một mới hạ cánh xuống tàu được, nếu không sẽ bị hất xuống biển ngay lập tức”.

Được chọn bay ra Trường Sa vào thời điểm ấy chỉ có 2 người. Đó là phi công Lê Đình Ký, lúc ấy là Trung đoàn trưởng, là một trong những người bay UH-1 rất giỏi và phi công Hồ Duy Hùng là người chuyên học lái UH-1 tại Mỹ.

Doang nhân Hồ Duy Hùng và công viên văn hóa Đầm Sen

Phi công Hồ Duy Hùng cùng đồng đội tại Trường Sa.

Cuối năm 1978, ông bị thương, phải chuyển sang công tác mặt đất. Sau đó không lâu, ông chuyển ngành vì lý do sức khỏe. Cuối năm 1984, khi đang công tác tại Công ty Dịch vụ văn hóa tổng hợp quận 11, TP Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ thực hiện đề án cải tạo một hồ nước tại quận 11 thành một công viên. Dự án được thực hiện và trở thành Công viên Đầm Sen ngày 8 tháng 1 năm 1989, trực thuộc Công ty Du lịch quận 11 (tiền thân của Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ). Ông được giao nhiệm vụ Giám đốc Công viên và sau này là Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Du lịch Phú Thọ TP. Hồ Chí Minh.

Đầm Sen khi đó còn là một khu ruộng hoang đầm lầy với những ao rau muống, rau ngổ, cây cỏ rậm rịt, đồng thời cũng là nơi chứa chấp các tệ nạn xã hội. Vào ngày 15/2/1976, việc huy động hàng triệu ngàn công nhân lao động XHCN để thực hiện lệnh kêu gọi của Thành ủy – UBND thành phố “Hãy xây dựng cho thành phố ba công viên văn hóa lớn, một tại Bình Tiên, một tại Tân Bình và một tại Đầm Sen”. Công viên được khởi công như thế, từng bước được cải tạo thành một hồ nước sạch hơn, với cảnh quan thoáng mát. Đầm Sen với diện tích 50 ha theo qui hoạch, gồm 20% là mặt hồ, 60% là cây xanh và vườn hoa. Hàng năm, Công viên Văn hóa Đầm Sen luôn được đầu tư những công trình mới để phục vụ du khách

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/phongsu-ghichep/phongsu/2012/4/183177.cand