Người dân Yên Bái cần nêu cao cảnh giác với thủ đoạn hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ

Sau một thời gian dài lắng xuống vì dịch Covid-19, những tháng gần đây, hoạt động của tà đạo 'Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ' (HTĐCTM) đã xuất hiện trở lại ở nhiều tỉnh, thành khiến dư luận bức xúc vì hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trái thuần phong mỹ tục. Không ít người lo lắng bởi đã từng thấy không ít gia đình bất hòa, người theo tà đạo từ bỏ người thân, không chịu làm việc, lao động, lôi kéo nhiều người làm nhiều điều xấu, có hại cho xã hội và đất nước…

Hình ảnh một nhóm người hoạt động truyền đạo trái phép. (Ảnh: Internet)

Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” có tên chính thức và đầy đủ là "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới” ("World mission society Church of God - WMSCOG). Tổ chức "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” (còn gọi tên khác là "Đức Chúa trời Mẹ”) có nguồn gốc từ Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong sáng lập năm 1964.

"Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” (du nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động nhập cảnh của người Hàn Quốc; tiếp đến là hoạt động hiến máu nhân đạo của "Quỹ chúng tôi yêu bạn”. "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” xuất hiện ở khu vực miền Nam trước năm 2001, hình thành điểm nhóm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng năm 2005-2006 do Nguyễn Văn Hòa ("truyền đạo sư”) phụ trách từ Đà Nẵng trở vào. Năm 2013 xuất hiện ở phía Bắc và rộ lên năm 2016 do ông Nguyễn Đình Tám ("chấp sự”) phụ trách từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Người tin theo "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 50, phần nhiều là sinh viên, người làm việc tự do trong lĩnh vực tư nhân. Một số phụ nữ làm nghề nội trợ chuyển từ "Thanh Hải vô thượng sư”, đạo "Hoàng Thiên Long” sang "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Một số khác do làm ăn thua lỗ, ốm đau, cô đơn, cả tin nên tuân theo. Lực lượng đi truyền giáo đa phần là số trẻ, hoạt ngôn sắc sảo, có trình độ học vấn được huấn luyện kỹ năng thuyết giảng và được tổ chức thành một mạng lưới có sự hỗ trợ trên dưới khá chặt chẽ, gồm: người dẫn dắt, nhóm trưởng, khu vực trưởng.

Đến tháng 6/2018, cả nước có gần 5 nghìn người tin theo "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.

Cách thức truyền giáo của "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” gần giống với mô hình bán hàng đa cấp, do Tổng hội ở Hàn Quốc điều hành. Từ năm 2016 đến nay, số đối tượng cầm đầu của "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” đã đẩy mạnh việc phát triển tổ chức, phân công người đi các địa phương tuyên truyền, lôi kéo người tham gia dưới nhiều hình thức, vỏ bọc khác nhau như dưới danh nghĩa công ty tư vấn, giới thiệu việc làm, trung tâm bảo tồn cây thuốc Việt Nam, văn phòng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm, mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán, thông qua hoạt động từ thiện xã hội.

Gần đây, xu hướng của tổ chức này ở miền Bắc có những hoạt động vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. Các đối tượng cầm đầu tổ chức "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của các tín đồ, dùng các luận điệu như ngày tận thế, chia sẻ tình yêu thương, làm giàu,... tác động số tín đồ này đi theo tổ chức. Các tín đồ theo tổ chức phải nộp tiền dâng hiến, được cho uống nước thánh, bánh thánh (không rõ nguồn gốc), được chỉ bảo không nghe theo lời khuyên của gia đình, xã hội, không thờ, ăn các đồ cúng tổ tiên, sẵn sàng từ bỏ gia đình, bỏ học để tham dự các buổi nhóm họp truyền đạo trái phép vào các ngày thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần.

Đọc và tìm hiểu trên báo chí chính thống, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy tà đạo này đang tìm mọi cách xâm nhập, len lỏi sâu vào khu vực đô thị - vốn là nơi thường được xem là có trình độ dân trí cao hơn mặt bằng chung cả nước. Việc xây dựng "triết lý” của một số tà đạo hiện nay cũng hết sức tinh vi, hướng lái người nghe theo ý đồ của mình. Đây chính là lý do nhiều người có trình độ học vấn vẫn có thể sa vào "vòng tay” tà đạo, khiến không ít gia đình bất hòa, người theo tà đạo từ bỏ người thân, không chịu làm việc, lao động, lôi kéo nhiều người làm nhiều điều xấu, có hại cho xã hội và đất nước…

Từ đầu năm đến nay, tà đạo đã xuất hiện trở lại, đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành. Tại Quảng Nam, ngày 7/3/2023, Công an TP Hội An đã phát hiện nhóm người tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép trên địa bàn. Qua công tác quản lý, lực lượng An ninh Công an thành phố Hội An phối hợp Công an xã Cẩm Hà kiểm tra hành chính một căn nhà tại thôn Bến Trễ (xã Cẩm Hà) đã phát hiện nhóm đối tượng gồm 10 người (6 nữ, 4 nam) đang tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép liên quan đến HTĐCTM.

Tại Hà Nội, sau gần 6 tháng vào cuộc, ngày 20/5/2023, nhóm phóng viên Báo VTC News phối hợp với Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cùng đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội, UBND quận Hà Đông, UBND phường Dương Nội, Công an phường Dương Nội kiểm tra hành chính, bắt quả tang nhóm nữ "Thánh đồ” đang hoạt động tôn giáo trái phép mượn danh HTĐCTM.

Tại thời điểm kiểm tra, trong phòng có 5 nữ giới đang sinh hoạt tôn giáo trái phép, trùm khăn kín đầu. Màn hình máy tính hiển thị tài liệu tuyên truyền trái phép về tôn giáo. Trên mặt bàn là tiền dâng lễ và một số vật dụng khác. Lực lượng chức năng lập biên bản, yêu cầu những người này về trụ sở Công an phường Dương Nội lấy lời khai, viết bản tường trình sự việc, làm cơ sở để xử lý.

Tại Thanh Hóa, theo nắm bắt của lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 5/2023, có khoảng 500 người đang hoạt động trong tổ chức HTĐCTM trên địa bàn, tập trung phần lớn ở thành phố Thanh Hóa.

Theo điều tra Công an Thanh Hóa, người tin theo Hội này thường ở độ tuổi từ 18 đến 50, phần nhiều là sinh viên, phụ nữ nội trợ. Các đối tượng cầm đầu thường lựa chọn mục tiêu là những người gặp khó khăn, bất trắc trong cuộc sống, ốm đau, làm ăn thua lỗ để tiếp cận, dụ dỗ lôi kéo tham gia Hội. Hình thức tiếp cận với nạn nhân ở các quán cà phê, công viên cây xanh, hoặc núp bóng dưới hình thức tổ chức hội thảo hướng dẫn cách làm giàu, tuyên truyền mô hình kinh doanh đa cấp.

Năm 2017, tà đạo HTĐCTM đã xuất hiện ở Yên Bái, song lực lượng công an Yên Bái đã kịp thời xử lý. Đó là ngày 11/12/2017, Công an thành phố Yên Bái phát hiện hai đối tượng là Đỗ Thúy H., sinh năm 1990, thường trú tại Giao Hải, Giao Thủy, Nam Định và Nguyễn Q., sinh năm 1992, thường trú tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội, đang tuyên truyền về HTĐCTM trái phép, tại quán cà phê K5, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. Tại đây, lực lượng công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc truyền đạo trái phép. Đáng chú ý, trong đó có 27 tờ giấy khổ A4 với nội dung "Bảng khảo sát” của "Viện Thần học”, thực chất là vận động, lôi kéo người dân tham gia.

Tại cơ quan công an, Q. và H. đều khai nhận đã liên hệ với Đào Xuân G. và đang vận động, thuyết phục người dân tham gia HTĐCTM trái phép tại thành phố Yên Bái. Đối tượng Đào Xuân G., sinh năm 1984, thường trú tại tổ 73, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái) và Phạm Ngọc Ch., sinh năm 1997, thường trú tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Khi đó, hội nhóm HTĐCTM có 9 người, thường xuyên lén lút thực hành thánh lễ từ khoảng 4 giờ các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần tại nơi Đào Xuân G. thuê trọ. Nhóm thường gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhóm HTĐCTM tại các huyện Mù Cang Chải và Yên Bình.

Đến tháng 5/2018, trên 50 người có địa chỉ tại Yên Bái đã tham gia HTĐCTM. Trong đó một số trường hợp không có mặt thường xuyên ở địa phương mà đi làm ăn xa, một số ở tỉnh khác đến Yên Bái để truyền đạo hoặc sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật.

Hai đối tượng Đào Xuân G. và Phạm Ngọc Ch. tại cơ quan điều tra.

Trước diễn biến phức tạp của tà đạo đang có nguy cơ xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương, ngày 15/9/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ về phương diện tổ chức đối với HTĐCTM.

Yêu cầu cụ thể chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp: giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới; không chấp thuận đăng ký hoạt động dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền các hoạt động vi phạm pháp luật, tác hại do HTĐCTM; cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền, đoàn thể... tăng cường thông tin, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nhận thức rõ bản chất, hành vi, thủ đoạn, phương thức hoạt động của HTĐCTM để nâng cao cảnh giác, không bị lôi kéo...

Từ đây cho thấy, mặc dù đã có nhiều vụ việc bị phát giác, sau những cảnh báo liên tiếp của Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ và một số ngành, đoàn thể, địa phương, tưởng chừng hoạt động của HTĐCTM sẽ bị loại bỏ khỏi đời sống nhưng tổ chức tôn giáo bất hợp pháp này vẫn tồn tại dai dẳng, diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các ngành, các địa phương cũng như cả cộng đồng.

Có thể nói, tại thời điểm này, tình hình an ninh chính trị ở Yên Bái vẫn đảm bảo giữ vững, chưa xuất hiện tà đạo này, song người dân cần nêu cao ý thức, cảnh giác với hình thức tuyên truyền, lôi kéo của người lạ liên quan đến tà đạo.

Mặt khác, ở các cơ sở, từ các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, nhà trường... phải nâng cao trách nhiệm với thành viên, hội viên, học sinh của mình trong ngăn chặn tà đạo thông qua công tác nắm bắt dư luận, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đặc biệt, khi sinh hoạt, tổ chức hội họp, sinh hoạt tập thể cần lồng ghép đưa nội dung này vào, cảnh báo cho mọi người cùng biết để phòng tránh, coi đây là "bệnh dịch” để không ai có thể trở thành người "nhiễm bệnh” khi biết đó là loại "độc dược” ăn mòn giá trị văn hóa người Việt.

Thủy Thanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/14/301509/nguoi-dan-yen-bai-can-neu-cao-canh-giac-voi-thu-doan-hoat-dong-cua-hoi-thanh-duc-chua-troi-me.aspx