Người dân xoay xở khi TP.HCM dừng bán đồ ăn mang về

Nhiều người ở trọ tại TP.HCM tranh thủ mua dụng cụ nấu ăn hoặc nhờ bạn bè lo giúp để đối mặt với những ngày dịch vụ giao thức ăn tạm ngừng.

"Tôi từ hôm nay phải tự nổi lửa lên em rồi!", anh Nghiêm Huy (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đăng dòng trạng thái trên mạng, khi nghe tin TP.HCM chính thức tạm ngừng các dịch vụ ăn uống mang về từ 9/7.

Đây là thách thức không chỉ với riêng anh Huy. Nhiều người thuê nhà, ở trọ tại TP.HCM đều lo lắng vì lâu nay đã quen với việc đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng. Song họ cũng phải tìm cách thích nghi trong bối cảnh ca nhiễm ở TP.HCM chưa thể kiểm soát.

Mua vật dụng nấu ăn, nhờ chủ trọ hỗ trợ

Chiều 8/7, lướt báo đọc thấy thông tin, việc đầu tiên anh Chân Phúc (27 tuổi, ngụ quận 1) làm là tranh thủ đặt luôn 2 phần ăn qua ứng dụng giao đồ ăn quen thuộc.

Mất khoảng một giờ để tính toán xem nên làm gì tiếp theo, sau đó, Phúc quyết định chạy đi mua gạo, gia vị, bếp điện, nồi cơm, thực phẩm... để chuẩn bị nấu ăn tại nhà. Chàng trai chưa một ngày vào bếp loay hoay ghi vào giấy những vật dụng cần thiết chuẩn bị mua.

 Với Chỉ thị 16 lần này, TP.HCM tạm ngưng các dịch vụ bán đồ ăn mang về. Điều này khiến một bộ phận người dân loay hoay. Ảnh: Duy Hiệu.

Với Chỉ thị 16 lần này, TP.HCM tạm ngưng các dịch vụ bán đồ ăn mang về. Điều này khiến một bộ phận người dân loay hoay. Ảnh: Duy Hiệu.

“Tôi ở trọ một mình nên trước giờ toàn đặt đồ ăn ngoài chứ không nấu ăn. Nay nghe thông tin dịch vụ ăn uống mang về tạm dừng thì hơi vất vả vì tôi rất vụng chuyện bếp núc. Mà thôi, tuy mình khó một nhưng những người chống dịch còn khó nhiều hơn, nên mỗi người cố gắng một chút, vì sức khỏe chung của cộng đồng", anh Phúc bày tỏ.

Tương tự, chị Thanh Thương (22 tuổi, quận Phú Nhuận) cũng rơi vào cảnh khó khi khu trọ đang ở không cho nấu ăn. Ngay khi biết mình sẽ khó khăn trong việc ăn uống những ngày tới, chị Thương thông báo ngay với chủ trọ để nhờ hỗ trợ.

“Rất may cô chủ trọ nhắn tôi có thể ăn cùng gia đình cô ấy hoặc mua thức ăn về nấu riêng trong bếp của nhà cô. Nhưng vui cái này thì cũng khổ cái kia, tối qua, tôi đi 3 siêu thị thì cạn sạch đồ ăn, chỉ mua được một ít rau lang và rau cải nhưng giá tăng gấp 4 ngày thường”, chị Thương chia sẻ.

Còn với Hoài Bảo (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) là một câu chuyện thích nghi khác. Là con trai, lại sống một mình nên trước giờ Bảo chỉ "làm bạn" cùng những người giao thức ăn. Do đó, khi biết 15 ngày tới quán không bán, shipper không giao, chàng trai này tìm đến sự trợ giúp của bạn bè.

"Mình đã nhắn tin bấu víu đứa bạn thân là nữ để xin nó góp gạo thổi cơm chung. Chứ giờ có mua đồ nấu ăn về thì cũng không có thực phẩm nấu, mình cũng không giỏi trong bộ môn này. Thôi thì cứ dày mặt, ăn chực được ngày nào đỡ ngày đó", Bảo nói.

Bên cạnh những người nhờ sự trợ giúp hay tìm cách thích nghi thì còn một số người vẫn đang đau đầu để xoay xở phương án "chống đói".

Anh Vũ (26 tuổi) làm tại công trình xây dựng ở quận Tân Bình. 5h sáng mỗi ngày Vũ đã bắt đầu chuẩn bị đi làm, đến trưa, anh thường đặt đồ ăn giao tới công trường.

"Hàng quán đóng cửa tôi chưa biết sẽ ăn gì. Đồ ăn nấu ở nhà mang theo cũng nguội, công trường bụi bặm không có lò vi sóng để hâm nóng thức ăn. Ngặt nỗi tối hôm qua tôi đi làm về muộn nên chưa kịp mua dụng cụ bếp. Bữa nay phải tính toán sớm chớ không chắc chưa chết vì dịch thì chết vì đói", anh Vũ nói.

"Sẽ khó khăn hơn nhưng cần thiết"

Trong tối 8/7, Grab đã thông báo tạm ngừng cung cấp dịch vụ GrabFood. Tương tự, Baemin, Now... cũng tạm ngừng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn và đi chợ trong vòng 15 ngày, kể từ 9/7.

Mặc dù lực lượng giao hàng bằng môtô vẫn được hoạt động bình thường nhưng nhiều tài xế bày tỏ sự lo lắng công việc bị giảm sút.

 Quyết định tạm dừng việc bán thức ăn mang về khiến nhiều tài xế giao hàng mất đi nguồn thu nhập. Ảnh: Duy Hiệu.

Quyết định tạm dừng việc bán thức ăn mang về khiến nhiều tài xế giao hàng mất đi nguồn thu nhập. Ảnh: Duy Hiệu.

Giao phần ăn cho khách lúc 22h tối, ông Mãi (47 tuổi, ngụ Tân Phú) buồn bã khi biết công ty mình làm sẽ ngưng việc giao hàng từ sáng mai (9/7). Thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 10, lực lượng shipper giao thức ăn như ông Mãi vẫn được phép hoạt động, nguồn thu nhập của ông vẫn tạm ổn.

Thế nhưng với quy định siết chặt của Chỉ thị 16, người đàn ông này lo lắng khi biết sẽ đối mặt với nguy cơ không có đơn hàng. Tuy nhiên, ông vẫn nghĩ phương án này của thành phố là cần thiết.

"Trước khổ giờ cũng khổ. Nhưng mình có muốn khác đi cũng đâu có được. Sẽ là chuỗi ngày khó khăn nhưng là cần thiết để đừng có tăng ca nhiễm nữa", ông Mãi bày tỏ.

Anh Lê Ngọc Tâm (tài xế xe công nghệ) thuê nhà trọ tại quận Gò Vấp với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập chạy xe đủ để anh chi phí sinh hoạt tại TP.HCM và gửi về quê lo cho hai con ăn học. Dịch Covid-19 ập đến khiến khách hàng e dè không dám đặt xe ôm công nghệ. Gần một tháng nay anh kiếm sống chủ yếu nhờ giao đồ ăn, nay dịch vụ này cũng tạm ngưng.

“Bữa giờ tôi chủ yếu chỉ giao đồ ăn thôi. Nay đồ ăn cũng không được giao thì sẽ rất ít đơn. Mà biết sao được, mình cũng phải chấp nhận sống chung với dịch thôi”, anh Ngọc Tâm tâm sự.

Tối 8/7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trong Chỉ thị 10 đã cấm việc ăn uống tại chỗ. Theo chỉ thị mới, chủ thể là người bán hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về.

Ông Dương Anh Đức cho biết thành phố đang ở một giai đoạn khó khăn, mỗi người phải hy sinh một chút. "Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này lãnh đạo thành phố rất cân nhắc. Ví dụ như cá nhân tôi cũng rất cần. Tôi, bà xã và con đều làm suốt ngày nên thường về muộn. Nếu có dịch vụ như vậy rất tiện lợi cho mình", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều hàng quán, khi nhiều người đặt hàng, shipper đến đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16.

Anh Nhàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-xoay-xo-khi-tphcm-dung-ban-do-an-mang-ve-post1236265.html