Người dân vùng cao Nghệ An rời quê tìm việc làm: Bài toán cân bằng nguồn lực lao động

Ở các huyện vùng cao, biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An hằng năm có hàng chục nghìn người lũ lượt về xuôi, vào Nam-ra Bắc tìm kế sinh nhai. Đây là hiện tượng xuất phát từ nhu cầu lao động và thực tế trên địa bàn, đã tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội và những lĩnh vực khác, trên nhiều góc độ. Điều đó đặt ra cho chính quyền địa phương bài toán cân bằng nguồn lực lao động tại chỗ.

Đi để thoát nghèo

Các huyện vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu sinh kế bền vững, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, rất đông người dân trên địa bàn đã chọn cách rời bản làng đến các tỉnh, thành phố khác nhau để tìm việc làm, mong muốn có nguồn thu nhập ổn định, thoát cảnh đói nghèo.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, năm 2024, huyện Tương Dương có hơn 10.000 người trong độ tuổi lao động rời quê đi làm ăn xa; huyện Kỳ Sơn khoảng 16.000 người và huyện Quế Phong có khoảng 7.000 người. Nhờ rời bản làng làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nhiều người dân đã tích lũy vốn trở về quê xây dựng được nhà cửa, mua sắm những tài sản có giá trị. Sau nhiều năm đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam, gia đình anh Lữ Văn Hợp, bản Xốp Xăng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn đã trở về xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Anh chia sẻ: “Nếu ở nhà làm nương rẫy có khi còn thiếu ăn, chỉ rời quê làm công nhân mới có thu nhập ổn định, thoát được đói nghèo. Ngôi nhà của chúng tôi đang xây dựng trị giá gần 300 triệu đồng, là số tiền hai vợ chồng tích cóp được sau gần 5 năm đi làm công nhân. Khi nào làm xong nhà, chúng tôi lại đi tiếp”.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) hướng dẫn người dân xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trồng cây ăn quả. Ảnh: NGUYỄN DỤNG

Từ thực tế, chính quyền địa phương, trực tiếp là phòng lao động-thương binh và xã hội các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An đã chú trọng đưa ra những giải pháp định hướng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân.

Cụ thể, hằng năm, địa phương đều tổ chức các phiên hội chợ việc làm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động đến từ các địa phương trên cả nước. Công ty 716, Binh đoàn 15 (đóng tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) hiện đang có hơn 1.000 lao động chăm sóc, khai thác mủ cây cao su, trong số đó có khoảng 50% công nhân các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong (Nghệ An).

Khi làm việc tại công ty, bà con được đào tạo nghề, đáp ứng đầy đủ về quyền lợi như chỗ ăn ở, tham gia bảo hiểm xã hội và con cái được học tập tốt. Cùng với công tác đào tạo, định hướng, giới thiệu việc làm, hằng năm, UBND các huyện vùng cao Nghệ An đều chỉ đạo UBND các xã tổ chức gặp mặt lao động tại địa phương đi làm ăn xa trở về.

Thời gian tổ chức thường vào dịp bà con về quê nghỉ Tết Nguyên đán, với sự tham gia của cán bộ xã, Bộ đội Biên phòng, Công an để động viên, thăm hỏi, đồng thời cảnh báo về thủ đoạn của các loại tội phạm, rủi ro có thể gặp để người dân phòng tránh trong quá trình tìm việc làm.

Kỳ vọng ở quê nhà

Cùng với những mặt tích cực mang lại, số lượng lao động trẻ ly hương quá lớn cũng đang để lại nhiều hệ lụy về lâu dài cho các địa phương vùng cao Nghệ An. Thực tế cho thấy, bố mẹ đi làm ăn xa, trẻ em trong độ tuổi đi học thiếu sự quan tâm, giáo dục dẫn đến lơ là học tập, thậm chí vi phạm pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Phần lớn phụ huynh trên địa bàn xã chúng tôi đều đi làm ăn xa, các em trong độ tuổi đi học ở nhà với ông bà, người thân. Thời gian rời ghế nhà trường, các em thiếu sự quan tâm, giáo dục từ bố mẹ nên việc học tập không được như mong muốn, một số trường hợp vướng vào tảo hôn, vi phạm pháp luật”.

Trong số hàng chục nghìn lao động ly hương ở vùng cao tỉnh Nghệ An đi làm ăn xa, số người trong độ tuổi đoàn viên, thanh niên chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 80%. Chính vì thế mà hoạt động của tổ chức đoàn, công tác phát triển đảng viên trẻ tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Số lượng lao động rời quê lớn tác động tiêu cực đến việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Công tác tuyển chọn nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước những thách thức trên, chính quyền các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An đã đưa ra những giải pháp để tìm cách cân bằng nguồn nhân lực tại địa phương. Trong đó tập trung khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế về thiên nhiên, văn hóa giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên chính mảnh đất mình sinh sống. Những năm gần đây, không ít địa phương đã xây dựng được một số mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Trong những năm qua, khoảng 200 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ở bản Huồi Sơn và Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đang bám bản để trồng cây nghệ đỏ. Toàn bộ nông sản của bà con được Tổng đội Thanh niên xung phong 9 thu mua với giá ổn định. Bên cạnh đó, bà con còn được Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương trao tặng giống gia súc, gia cầm để phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Còn tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, bà con đã học cách làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế. Tại đây hiện có 5 hộ gia đình phát triển du lịch theo hướng homestay mang lại thu nhập ổn định. Phát triển du lịch đang thực sự tạo ra việc làm cho nhiều lao động, cùng với đó là một số lượng lớn nông sản của bà con được khách du lịch tiêu thụ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chính quyền địa phương đang tập trung giúp nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cùng với đó sẽ khai thác tiềm năng thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, thông qua đó giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để ngày càng có nhiều hộ gia đình thoát nghèo trên chính mảnh đất quê nhà, qua đó cân bằng nguồn lực lao động tại địa phương”.

Trăn trở của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cũng là kỳ vọng của mỗi người dân đang đi làm ăn xa, cũng như của những người dân vùng cao đang chuẩn bị rời quê tìm kế sinh nhai nơi đất khách...

Bài và ảnh: VIẾT LAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nguoi-dan-vung-cao-nghe-an-roi-que-tim-viec-lam-bai-toan-can-bang-nguon-luc-lao-dong-773359