Người dân TP.HCM – Long An khốn khổ vì bãi rác Tây Bắc ô nhiễm

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, TP.HCM được hình thành từ năm 2003, có quy mô 687ha, thiết kế tiếp nhận khoảng 3.200 tấn rác thải. Nhưng hiện hàng ngày phát sinh khoảng 9.800-10.000 tấn rác thải cần được xử lý. Với quá trình đô thị hóa nhanh, con số này được dự báo sẽ nhiều hơn.

Trong khi chờ thực hiện các dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, giải pháp xử lý mới hiệu quả hơn thì hàng trăm hộ dân quanh khu vực giáp ranh TP.HCM và Long An tiếp tục khốn khổ vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khói bụi và mùi hôi thối.

Chỉ tay về phía cánh cửa duy nhất dùng để “cách ly” không khí ô nhiễm bên ngoài với phòng ngủ, “Mới dọn, chà rửa mà giờ lại đóng đầy bụi”, bà Năm ngán ngẩm (Ảnh Quang Anh)

Nước và rác thối, dân Củ Chi than trời!

Giữa cái nóng như chảo lửa của mùa hè phương Nam, không khí càng ngột ngạt khó thở khi đặc quánh mùi hôi thối quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM. Tình trạng này kéo dài từ lâu và người dân đã nhiều lần phản ảnh, kiến nghị với địa phương xong vẫn không thuyên giảm. Ô nhiễm càng trở nghiêm trọng hơn khi bước vào mùa nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên cao, ảnh hưởng cả khu vực rộng lớn.

Bà Trần Thị Năm, người dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi cho biết, người thì phải chịu đựng mùi hôi thối, cây cối thì bụi phủ trắng, úng rễ do ảnh hưởng từ nguồn nước rỉ rác. Việc phải sinh sống trong môi trường bụi bẩn, hôi thối như thế này thật sự là cơn ác mộng. Nhiều lần có đoàn xuống đo đạc để đền bù, di dời bà con qua nơi ở khác, xong 10 năm qua vẫn không thấy động tĩnh gì.

"Thấy đo thôi, chứ có ai tới đền bù gì đâu, nếu có di dời là bà con đi. Trong khu này có chị ba lúc họp với xã cũng chia sẻ nếu đền bù thì gia đình đồng ý đi thôi, làm sớm chứ không còn sống được lâu… Cuối cùng có thấy đền bù di dời gì đâu, nay chị ấy chết được hơn hai năm rồi cũng không thấy ai tới đề cập nữa, nhà chị ấy ở trong này luôn", bà Năm than thở.

Từng là vùng lúa, cây ăn trái trù phú, đến nay người dân khu vực này không thể canh tác, phải chuyển qua trồng cừ tràm (Ảnh Quang Anh)

Gia đình ông Dương Văn Lẹ, nằm sát Kênh 18, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM. Từ nhà, ông Lẹ có thể thấy được núi rác cao của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Cả hai vợ chồng ông Lẹ đều mắc bệnh về hô hấp. Giếng nước khoan sau vườn đến nay cũng không thể sử dụng vì có mùi hăng hắc khó chịu, khi tắm rửa rất ngứa ngáy…

Ông Lẹ tâm sự, dù biết sống ở đây ảnh hưởng nhiều song với cái tuổi gần 80, hoàn cảnh neo đơn, con cái bỏ đi xa làm ăn, hai vợ chồng già chỉ biết cắn răng chịu đựng.

"Nước ở đây có mùi tanh hôi lắm. Có mấy anh đến thử nước nhiều lần mà không hề báo lại kết quả gì hết. Lấy mẫu lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, thứ ba mang đi thí nghiệm xong cũng nên thông tin cho bà con chứ… thì biết không sài được bà con họ tự chủ động kiếm điều kiện lo cho cuộc sống. Còn lâu nay cứ lấy mẫu hoài, xong cứ làm thinh, bà con không biết gì ráo. Tình trạng này nước không thể sài được, dứt khoát không dám sài, vì dùng để tắm thôi đã ngứa ngáy dữ lắm", ông Lẹ cho hay.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, trước đây thống kê có 244 hộ dân bị ảnh hưởng từ mùi hôi thối của rác thải, đất đai bị ô nhiễm… tập trung phần lớn ở hai xã Thái Mỹ và Phước Hiệp, hai địa phương bao quanh khu vực xử lý rác. Nhưng hiện nay có đến 7 xã, thị trấn của huyện ghi nhận có hộ dân bị ảnh hưởng bởi “mùi lạ”.

Từng lớp bụi đóng trên vật dụng gia đình của các hộ dân quanh khu vực bãi rác Tây Bắc, Củ Chi (Ảnh Quang Anh)

Nỗi ám ảnh “liên tỉnh”

Tình trạng ô nhiễm từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi cũng được người dân khu vực giáp ranh thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An liên tục phản ánh.

Ông Lê Mạnh Linh, người dân xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa cho biết, dù cách xa nhà máy xử lý rác hàng cây số nhưng nhiều năm liền chịu đựng mùi hôi thối phát tán từng đợt. Do phương pháp xử lý rác đã lạc hậu, trong khi lượng rác tập kết về ngày càng lớn khiến mức độ ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng hơn.

"Chúng tôi phản ảnh nhiều lần rồi, đến nay cũng như vậy. Thật sự mùi rác nó bay theo đợt, kèm cả khói và hạt bụi khủng khiếp lắm. Nghe đâu chuẩn bị xây dựng nhà máy mới mà đến nay chưa thấy gì. Bên này tỉnh khác, bên kia khác không biết Long An có can thiệp hay tác động được gì không. Mong là tình trạng này thuyên giảm chứ bà con cũng chịu đựng lâu quá rồi, rất ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Linh bức xúc.

Người dân không làm nông nghiệp được do nguồn nước bị ảnh hưởng phải chuyển sang làm nghề khác mưu sinh (Ảnh Quang Anh)

Theo UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, địa phương cũng đang khẩn trương tiếp nhận những phản ảnh của bà con. Qua đó trao đổi, kiến nghị với các sở ngành có liên quan về vấn đề này.

Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết, phía Long An cũng đã trao đổi nhiều lần với phía TP.HCM, đồng thời phối hợp cử đoàn kiểm tra giải quyết, xử lý vấn đề này.

"Khu xử lý rác Tây Bắc Củ Chi thỉnh thoảng cũng có ô nhiễm, thậm chí sự ô nhiễm này theo hướng gió có bay qua ảnh hưởng tới người dân khu vực Long An vùng giáp ranh. Nhận thông tin chúng tôi đã nhanh chóng trao đổi với phía Sở TN&MT của TP.HCM, bên đó cũng rất cầu thị những thông tin do Long An phản ánh thì TP.HCM cũng đều đi kiểm tra và có yêu cầu chủ đầu tư bên đó xử lý", ông Thuấn cho hay.

Dù biết nhu cầu xử lý rác là cần thiết, người dân kiến nghị chính quyền TP.HCM và chủ đầu tư các nhà máy sớm thực hiện các giải pháp như đã cam kết (Ảnh Quang Anh)

Công nghệ lạc hậu, lượng rác phát sinh khoảng 9.800-10.000 tấn rác mỗi ngày, chắc chắc dù hoạt động hết công suất 24/7 thì năng lực của những nhà máy tại Khu xử lý rác Tây Bắc Củ Chi cũng không thể xử lý hết, buộc phải chôn lấp hoặc đắp ủ lộ thiên. Người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng kiến nghị chính quyền TP.HCM và chủ đầu tư các nhà máy sớm thực hiện các giải pháp như đã cam kết. Trong đó, các dự án trồng cây xanh cách ly, dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện… cần thực hiện càng sớm càng tốt, tránh để lâu gây ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến cuộc sống người dân và môi trường.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-tphcm-long-an-khon-kho-vi-bai-rac-tay-bac-o-nhiem-post1088704.vov