Người dân Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đối mặt với 'nguy cơ mới' sau trận động đất kinh hoàng

Những người may mắn sống sót sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nguy cơ phải đối mặt với thảm họa thứ phát, khi các điều kiện xung quanh ngày càng tồi tệ.

Hàng trăm nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất đang phải đối mặt trước tình trạng đói rét và tuyệt vọng đang bủa vây. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về mối đe dọa dịch bệnh có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay lập tức.

Trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất hơn 21.000 người (tính đến hôm 10/2) ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Cảnh báo được WHO đưa ra hôm 9/2 nhấn mạnh thời tiết lạnh giá và tuyết rơi càng khiến “tình hình càng trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn”.

"Nhiều người sống sót đang phải sống ngoài trời trong những điều kiện ngày càng khủng khiếp và tồi tệ", CNN dẫn lời ông Robert Holden, Giám đốc ứng phó động đất của WHO phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva.

"Nguồn cung nước, nhiên liệu, điện, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Chúng ta nguy cơ phải đối mặt một thảm họa thứ phát, có thể ảnh hưởng nhiều người hơn cả thảm họa ban đầu", ông Holden nói.

Thách thức đối với những người sống sót ở các khu vực chịu tác động của trận động đất mạnh 7,8 độ richter vào đầu tuần này xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria càng gia tăng, khi mà nhiệt độ trong vùng đang lạnh hơn so với bình thường mọi năm.

Như ở thành phố Aleppo của Syria, nhiệt độ được dự báo giảm dưới -3 độ C vào cuối tuần này, trong khi thời tiết lạnh nhất vào tháng Hai ở khu vực thường là 2,5 độ C.

Người dân đi qua các tòa nhà bị tàn phá bởi động đất ở thị trấn Jandaris, Syria. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, xung đột kéo dài suốt nhiều năm và cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Syria khiến nỗ lực cứu hộ sau động đất càng khó khăn hơn. Phải mất ba ngày kể từ hôm trận động đất xảy ra, phái đoàn cứu trợ đầu tiên của Liên Hợp Quốc mới di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang được phía Tây Bắc Syria để tiếp tế lương thực và lều tạm trú qua cửa khẩu Bab al-Hawa.

Bab al-Hawa là cửa khẩu duy nhất còn hoạt động trong số 4 cửa khẩu của Syria được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2014 chỉ định để vận chuyển hàng viện trợ cho nước này. Ba cửa khẩu còn lại dừng hoạt động từ năm 2021, vì vấp phải sự phản đối từ một số thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Một quan chức cứu trợ cấp cao của Liên Hợp Quốc nói với CNN rằng nỗ lực giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ở Syria "cực kỳ khó khăn" do các tuyến đường dọc biên giới bị phá hủy và chúng nằm trong vùng có xung đột.

Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ có phần khả quan hơn, khi nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã đề nghị và gửi lực lượng cứu hộ, quyên góp cho Ankara.

TTXVN và nhiều hãng tin quốc tế tiếp tục cập nhật con số người chết và bị thương sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Theo đó, tính đến 4h sáng nay (10/2 giờ Việt Nam), số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 17.674 người và ở Syria là hơn 3.700 người (tổng cộng đã có hơn 21.000 người thiệt mạng).

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất đã khiến khoảng 6.500 tòa nhà bị sập và vô số công trình kiến trúc trong vùng đất là nơi sinh sống của khoảng 13 triệu người bị phá hủy.

Các chuyên gia lo ngại con số người chết sẽ tiếp tục tăng thêm khi thời tiết giá lạnh và thời gian tính từ khi động đất xảy ra đã vượt quá mốc 72 giờ, mốc thời gian được các chuyên gia thảm họa coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới. Trận động đất ngày 6/2 là trận động đất mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua kể từ thảm họa cướp đi sinh mạng của 33.000 người năm 1939.

NHư Hoa (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-tho-nhi-ky-syria-doi-mat-voi-nguy-co-moi-sau-tran-dong-dat-kinh-hoang-169230210164544898.htm