Người dân Quảng Trị kêu cứu vì ô nhiễm môi trường bủa vây

Có thể nói, vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng trở nên “nóng”, nhất là giai đoạn hiện nay. Thực tế, khi đến bất cứ địa phương nào ở Quảng Trị lúc này (trừ huyện đảo Cồn Cỏ) cũng chứng kiến được tình trạng khói, bụi, mùi hôi, nước thải độc hại thải ra từ các nhà máy, điểm sản xuất kinh doanh mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn nào...

TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, gồm 9 phường, với hơn 85 nghìn dân sinh sống thì cả 9 phường này đều bị Khu công nghiệp (KCN) Nam Đông Hà, Cụm Công nghiệp Đông Lễ, các lò đốt rác thải y tế, hàng chục điểm sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư bủa vây, tấn công bằng khói, bụi, mùi hôi và nước thải độc hại hàng ngày.

Trong đó, cơ sở gây ô nhiễm nặng nề nhất là Nhà máy sản xuất gỗ ván MDF nằm trong KCN Nam Đông Hà, hằng ngày xả thải nguồn nước độc hại ra sông ngòi, kênh mương, ruộng đồng của người dân; xả thải nguồn bụi tơ dày đặc vào không khí, bay bám từng lớp trên sàn nhà, vật dụng gia đình không thể nào hút, lau sạch được.

Nhiều người dân sinh sống ở khu phố 1, phường Đông Lương, khu vực đối diện và cách nhà máy này chừng 400-500m, nói rằng, họ thường phải đưa trẻ nhỏ từ 1-9 tuổi nhập viện điều trị bệnh viêm phổi; các bác sĩ cho biết nguyên dân do bị ô nhiễm khói, bụi độc hại, đặc biệt thành phần bụi tơ màu trắng bám từng lớp trong phổi, có thể nhìn rõ qua việc chụp MRI…

Ngoài ra, sau những lúc trời mưa và đứng gió, nhà nào ở khu dân này cũng phải đóng kín các cửa do bị mùi hôi thối rất khó chịu từ nhà máy này bốc lên, tỏa ra.

Đến xã Cam Thành và các xã vùng Cùa thuộc huyện Cam Lộ, hàng nghìn người dân ở đây không chỉ phải gánh chịu nạn ô nhiễm môi trường hằng ngày do hoạt động khai thác đá dọc hai bên quốc lộ 9 gây ra, mà còn phải hứng chịu mùi hôi thối thải ra quanh năm từ các nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn.

Nghe hỏi về cuộc sống của người dân, ông Nguyễn Xuân Thủy, xã Cam Thành bức xúc nói: “Bà con chúng tôi sống leo lắt từng ngày vì ô nhiễm. Từ hơn 10 năm nay, mọi sinh hoạt, sản xuất đều bị đảo lộn; buổi tối nằm ngủ cũng phải bịt khẩu trang; đến bữa cơm thì ăn vội ăn vàng cho xong vì bụi đá và mùi hôi đặc trưng của mủ cao su”.

Tại huyện Gio Linh, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp còn tồi tệ hơn. Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio Quang phản ảnh, liên tục 2 năm nay kể từ khi Nhà máy sản xuất bột cá Hồng Đức Vượng tại KCN Quán Ngang đi vào hoạt động, người dân trên địa bàn xã không chỉ gánh chịu mùi hôi thối đậm đặc phủ kín khắp nơi, mà còn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm do nguồn nước thải độc hại từ nhà máy trên thải ra, làm cho cây lúa không thể đơm bông kết hạt, gia cầm chết hàng loạt do uống phải thứ nước độc này.

Cá chết trắng trên sông Sa Lung, Quảng Trị.

Liên quan vấn nạn ô nhiễm môi trường bủa vây người dân Quảng Trị, trước đó, ngày 3-8-2016, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Quốc hội) nhân buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về công tác khắc phục sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, đã có chuyến đi thực tế tại các KCN trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, đoàn công tác đã rất lấy làm lo ngại khi biết được Quảng Trị có 4 KCN, nhưng các KCN này đều không có khu xử lý môi trường tập trung. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, các hoạt động xả thải của các KCN trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng chục nghìn người dân trên địa bàn nhưng không được xử lý.

Phan Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nguoi-dan-quang-tri-keu-cuu-vi-o-nhiem-moi-truong-bua-vay-407459/