Người đàn ông cụt tay đào mương xuyên núi

Cái tên Hưng 'Cụt' mà mọi người đặt cho ông đã trở thành thương hiệu, và là niềm tự hào của bà con hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình.

Sở dĩ nói như vậy bởi ông Hưng dù bị mất một cánh tay nhưng vẫn miệt mài làm nhiều việc “vác tù và hàng tổng” giúp người dân trong vùng. Một trong những việc làm không giống ai ấy là ông đã bán đi đôi bò của gia đình để đào mương dẫn nước lên núi, bắt cái nước phải về phục vụ dân làng.

Với kì tích gần 10 tháng, ròng rã hơn 2000 ngày công, người đàn ông một tay này đã hoàn thành công trình dẫn nước dài trên 2.200 mét, sâu từ gần 5 mét trải qua 9 ha đất của 4 quả đồi để dẫn nước về làng, mang no ấm với dân bản trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Ông Đinh Xuân Hưng (sinh năm 1958) ở xóm Rốc, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Thoạt tiên khi nghe về kỳ tích của ông trên vùng đất nghèo Minh Hóa, tôi cứ tưởng người đàn ông này phải là tay hảo hán anh hùng, hoặc ít ra cũng đao to búa lớn, nhưng không, ông Hưng hoàn toàn bé nhỏ, thậm chí ông còn bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Ông kể rằng, năm lên 9 tuổi, sống trên đầu nguồn thuộc xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, giặc Mỹ ném bom trúng cả nhà khiến bố mẹ bị thương nặng, em gái gãy chân, ông thì đứt lìa cả tay trái. Cũng từ đây, ông mang danh Hưng “Cụt”.

Bắt con nước lên bản, về làng

Cụt tay nhưng không đầu hàng số phận, ông Hưng đã vượt qua khiếm khuyết bản thân để vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ tự làm mọi việc trong nhà ngoài đồng, ông Hưng còn tìm được cho mình hạnh phúc riêng tư. Năm 1983, ông Hưng cụt cưới cô gái xã bên là bà Đinh Thị Việt. Hai ông bà có với nhau 6 mặt con. Nhà nghèo đông miệng ăn nên ông đưa vợ con lên vùng Rốc, thuộc thôn Minh Xuân, xã Xuân Hòa lập nghiệp.

Ông Đinh Xuân Hưng (bên phải) trên cánh đồng xóm Rốc. (Ảnh: QĐND).

Ở vùng đất mới, cuộc sống vẫn không khấm khá hơn. Nguyên do, ở đây thiếu nước để tưới tiêu, trồng được cây gì đến mùa hè cũng quặt quẹo lại rồi chết dần chết mòn, sau nhiều đêm thức trắng, ông nghĩ cách làm giàu để vươn lên thoát nghèo từ hai bàn tay trắng.

Cả xóm Rốc lúc đó có 13 hộ dân với 7 ha đất hoang hóa dùng để chăn thả trâu bò của hợp tác xã. Sau khi trâu bò được bán đi ông đã lên xã làm tờ trình xin được sử dụng đất trồng lúa. Nhìn cảnh bà con quay quắt trong đói nghèo vì quanh năm bám rẫy bám rừng, ông Hưng nảy sinh ý định làm mương dẫn nước về làng để bà con trồng lúa nước.

Tính toán xong, ông nhận thấy có thể bắt con nước ngược núi về bản được, nhưng cần phải dùng đến tiền. Nhìn đi ngoảnh lại, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Ngày lên vùng Rốc, tài sản lớn nhất của gia đình ông là hai con bò. Khi nghe chồng nói bán bò lấy tiền làm thủy lợi bà Việt phát hoảng. Cũng vì cái đói cái nghèo và tính an phận của một người phụ nữ khiến cho bà kiên quyết không cho bán.

Khó khăn, nhưng ông Hưng "Cụt" vẫn không từ bỏ ý định. Vừa tính toán, đo dạc một cách chi tiết, ông Hưng vừa âm thầm vỗ béo thêm hai con bò để bán được thêm mấy đồng. Tầm hai tháng sau, khi mọi sự tính toán đã xong, đôi bò giống cũng béo mầm, ông lẳng lặng lên chính quyền xin cấp phép hồ sơ làm thủy lợi rồi về bảo bà nhà, phải bán bò gấp chứ hồ sơ thiết kế đã được duyệt rồi.

Thấy chồng tâm huyết với việc làm chẳng giống ai này, bà Việt sau cùng vồi cũng đồng ý. Vậy là, ông Hưng "Cụt" bắt tay vào công trình làm mương dẫn nước xưa nay chưa từng có tiền lệ ở bản Rốc.

Để mọi người chung sức đồng lòng, ông lại tiếp tục đi vận động 13 hộ dân xón Rốc để làm công trình thủy lợi xóm. Tuy nhiên các hộ gia đình ở xóm Rốc và bản thân gia đình ông đều thuộc diện nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc. Khi nghe ông nói ý tưởng đào mương dẫn nước qua đồi và phải tự bỏ tiền ra làm thì ai nấy đều ngạc nhiên, thậm chí có người còn bảo ông bị hoang tưởng nên không ủng hộ ra mặt.

Ông Hưng vẫn kiên trì động viên, thuyết phục vì ông hiểu rằng chỉ có sức mạnh tập thể mới biến ý tưởng thành hiện thực. Thế là 13 hộ dân đồng ý nhưng khi bắt tay vào đào đồi, khe núi toàn là bị đá chặn cứng. Có lúc bản lĩnh không thể vượt qua. Nước vẫn vời xa. Họ bỏ, chỉ còn năm hộ. Ông phải bù tiền công cho họ, lúc đó cực lắm, cơm không có ăn, khoai sắn rau cháo qua ngày.

Vay mượn, bán bò và gia sản ông và con cùng mọi người gắng sức. Dẫu có khổ cực đến đâu vẫn kiên quyết làm cho được hệ thống kênh mương độc nhất vô nhị này. Chiều dài con mương là 2000 mét, lòng mương rộng từ 0,6 mét đến 1 mét, có chiều sâu trung bình chỉ 1 mét, nhưng có chỗ sâu cả gần 5 mét. Bốn đoạn phải đào vòng vắt qua bốn triền đồi, phải có ống nhựa hoặc gang, đoạn mương qua triền đá ở đồi thứ hai phải xẻ bằng mìn, phải xin phép mới được.

Theo ông Đinh Xuân Hưng, cái khó khi làm mương dẫn nước về bản là địa hình không bằng phẳng, đã vậy nhiều nơi trong lúc làm ông dẫn đi ngầm lại gặp phải đá trầm tích trăm năm, có độ cứng rất rắn nên phải uốn lượn ống nước. Sau khi đoạn kênh mương hoàn thành, ông cùng mọi người lại đến phía đầu nguồn vần đá chắn đầu nguồn chặn dòng suối để dẫn nước vào mương.

Khi công trình thủy lợi xóm đã cơ bản hoàn thành, ngày thông tuyến thấy dòng nước ào ào chảy vào mương, ông đã suýt bật khóc vì sung sướng. Trong khi dân làng thấy nước về bản thì cũng nhảy cẫng lên sung sướng. Có dòng nước mát, từ nay dân bản Rốc hết cảnh đói nghèo.

Tấm lòng của ông Hưng "Cụt"

Trước đây, trên cánh đồng khô hạn của bản Rốc mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa gieo và một vụ ngô. Năng suất rất thấp nên hầu hết các hộ gia đình ở đây không đủ ăn. Nhưng từ khi có nước về, cả xóm bắt tay vào cải tạo ruộng khô thành ruộng nước, đất cằn trở nên đất thực, qua hai vụ lúa đầu tiên có nước, ông thu được 4 tấn thóc.

“Rứa là có cây bán lấy tiền. Tui mua luôn mấy con heo nuôi bán thịt, cũng kiếm được cả triệu bạc trong tay” – ông Hưng cho biết. Từ năm 2002, ruộng nhà ông đã cho thu hoạch đều đặn 6 – 7 tấn thóc mỗi năm, chưa năm nào bị mất mùa do hạn hán. Cái ăn đã không còn là nỗi lo canh cánh nữa nên ông nghĩ đến việc khác, lớn lao và dài hơi hơn. Việc đầu tiên, ông đã mạnh dạn làm đơn vay vốn để phát triển kinh tế.

Có vốn, ông đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tập trung, hiện gia đình ông đã có 4 con lớn nái sinh vản và 30 con lợn thịt. Sát nhà ông là vườn chuối hơn 300 gốc, xum xuê, trĩu quả, xen kẽ là hơn 20 đàn ong lấy mật.

Đặc biệt, gia đình ông Hưng và các hộ ở đây đang đầu tư trồng rau sạch (rau cải, bầu, bí, cà …). Ngay từ những vụ rau đầu tiên, tiểu thương từ thị trấn Quy Đạt vào mua tận gốc với giá khá cao nên đầu ra không phải là nỗi lo nữa. Với ý chí, nỗ lực vươn lên làm giàu có hiệu quả, ông Đinh Xuân Hưng được tặng nhiều danh hiệu.

Bằng khen của Hội Người khuyết tật Việt Nam, bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và huyện Minh hóa cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong thời kì đổi mới. Nhiều bạn đọc đã gửi thư đến với thái độ khâm phục làm ông rất hạnh phúc. Nay đã là ông chủ của một trang trại nhưng ông vẫn chân chất, mộc mạc như ngày nào, luôn cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế trang trại với bà con lối xóm.

Điều khâm phục hơn nữa là đến với bản Rốc, khi hỏi về ông Hưng cụt người dân nơi đây từ già đến trẻ, trai gái đều nhắc đến tên ông bằng cả sự hàm ơn, trìu mến. Không chỉ chỉ dẫn cho bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế, ông Hưng còn mang cho người già, người neo đơn gạo tiền những kì giáp hạt, đói kém.

Trong bản có nhiều em nhỏ đến tuổi đến trường song vì bố mẹ nghèo nên định cho các con ở nhà làm nương, làm rẫy. Biết chuyện, ông Hưng tìm đến động viên, cho các cháu tiền mua sách vở, quần áo và động viên bố mẹ các em bằng giá nào cũng khổng để các em mù chữ. Trong bản có mấy thanh niên choai, vừa lớn đã học đòi siên ăn nhác làm, ông Hưng cụt kết hợp với chính quyền và công an xã Xuân Hòa kịp thời có các biện pháp vừa mềm mỏng vừa cứng rắn để dạy bảo.

Chính ông đã tạo công ăn việc làm cho mấy đứa khi kêu đến làm việc tại trang trại của mình và trả tiền theo từng ngày công song phẳng. Chính bởi vậy, bản Rốc nói riêng và xã Xuân Hóa không có thanh thiếu niên hư hỏng, ai cũng chí thú làm ăn.

Điều kì thú hơn nữa là mấy năm trở lại đây, tiếng lành đồn xa, nhiều đôi nam nữ sau khi đăng kí kết hôn đã tìm đến bản Rốc sinh sống, nhờ ông Hưng cụt chỉ dẫn cách làm ăn, phát triển trang trại. Ông Hưng cho biết, ông rất vui vì giúp được người khác, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ có cuộc sống ấm no, kinh tế phát triển.

Đến nay, đã có 6 cặp uyên ương đến bản Rốc lập nghiệp, nhờ ông Hưng nên đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có được điều đó, phần lớn nhờ vào tấm lòng bao la trời biển của ông Đinh Xuân Hưng, một người khuyết một tay nhưng không đầu hàng số phận, biết chinh phục thử thạch để mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người.

Theo Cảnh sát toàn cầu

Nguồn XZone: http://xzone.vn/Web/77/482/106390/Nguoi-dan-ong-cut-tay-dao-muong-xuyen-nui.html