Người dân ở Quang Hán điêu đứng vì sâu bệnh hại quýt

Thời hoàng kim, cây quýt Trà Lĩnh mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Thế nhưng giờ đây, chính người dân ở Quang Hán lại phải tự tay chặt bỏ những vườn quýt của mình bởi cây bị bệnh không thể cứu chữa được.

Mới đây tới xã Quang Hán, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những cây quýt đã chết khô trong vườn của người dân nơi đây. Vượt qua những vườn quýt đã khô héo, chúng tôi gặp chị Phương Thị Điềm, người dân tộc Nùng, ở xóm Bản Niếng vừa đi chợ về. Nhìn vườn quýt đang vàng lá, chị thở dài cho biết: “Sâu bệnh hoành hành phá hoại cây quýt khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ”.

Người dân xã Quang Hán dọn bỏ cây quýt chết khô vì bệnh vàng lá, thối rễ.

Người dân xã Quang Hán dọn bỏ cây quýt chết khô vì bệnh vàng lá, thối rễ.

Qua câu chuyện với chị Điềm chúng tôi được biết, sau nhiều năm chỉ trồng ngô và lúa, cách đây gần 10 năm, nhận thấy cây quýt có giá trị kinh tế cao, gia đình chị đầu tư tiền trồng 70 gốc quýt. Sau 5 năm, cây cho quả đúng lúc được giá cao, từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg. Thế nhưng, niềm vui của người phụ nữ này chẳng dài lâu, vườn quýt có quả được 3 năm thì bị dịch bệnh, quả không còn đẹp và ngon nữa, lại thêm giá quýt rớt thê thảm. “Từ năm 2022, vườn quýt nhà tôi bị vàng lá, thối rễ và chết dần. Nhiều cây không ra hoa, không bói quả, sản lượng quýt cả vườn giảm nhiều. Giá quýt năm ngoái hạ xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg. Gia đình tôi thu hoạch quýt, bán được có vài triệu đồng, chỉ đủ tiền mua phân bón. Giờ đây gia đình chỉ còn vài gốc, mong rằng cây không bị sâu bệnh để tôi có thêm nguồn thu nhập lo cho cuộc sống”, chị Điềm cho biết.

Còn ông Nông Tiến Đông ở xóm Vững Bền không khỏi xót xa khi nói về vườn quýt của nhà mình. “Nhờ có giống cây này mà người dân chúng tôi có nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện kinh tế gia đình. Vậy mà chỉ sau vài năm cho thu quả, từng cây trong vườn bị vàng lá, thối rễ và chết khô. Năm 2020, tôi phải chặt bỏ hết”, ông Đông kể.

Cũng theo ông Đông, giống quýt bản địa có sức chống chịu sâu bệnh tốt hơn giống quýt lai mang từ dưới xuôi lên. Nhưng trước bệnh vàng lá, thối rễ hoành hành mạnh như thời gian vừa qua, cây quýt bản địa cũng không thể chống cự nổi. “4 năm nay, cây quýt bị bệnh vàng lá dai dẳng, chúng tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, dùng cả các loại phân bón bổ sung khoáng chất cho cây nhưng cũng không ăn thua. Trị được lá thì gốc hỏng. Có người dùng cả các loại chế phẩm sinh học hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên cũng không chữa được bệnh cho cây. Vẫn còn niềm tin vào cây quýt, năm nay, tôi đầu tư trồng lại một vườn quýt. Cho đến giờ, cây đang phát triển xanh tốt nhưng tôi vẫn ăn không ngon, ngủ không yên vì lo cây bị bệnh”, ông Đông cho biết.

Chia sẻ dự định trong tương lai, ông Đông trầm ngâm nói: “Trước đây, chúng tôi bỏ ngô để trồng quýt vì giá trị kinh tế cao. Trong tình thế dịch bệnh hoành hành như thế này, chúng tôi lại trồng ngô, làm ruộng, trồng rau, chăn nuôi lợn để có thu nhập”.

Không chỉ cây quýt, cây cam ở Quang Hán cũng bị hư hại nặng nề bởi sâu bệnh. Ông Bế Văn Tuần ở xóm Pò Mán trồng 70 cây cam, quýt cũng đang đứng ngồi không yên. Ông kể: “Mấy năm trước, giá cam, quýt trung bình 50.000-60.000 đồng/kg, có năm tôi bán được 100.000 đồng/kg. Trong 3 năm 2016-2018 cam, quýt vừa được mùa, vừa được giá, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập 150 triệu đến 200 triệu đồng. Thế nhưng, từ năm 2020, vườn cây của tôi bị muội, năm nay lại thêm nạn bọ xít cắn, cây cứ chết dần. Những cây bị sâu bệnh, quả không đẹp và ngọt như trước nữa”.

Quýt Trà Lĩnh là loại trái cây đặc sản nổi tiếng về độ thơm, ngon, quả mọng nước. Khoảng 10 năm trước, quýt được xác định là loại cây chủ lực phát triển kinh tế của Quang Hán. Để tạo vùng trồng bền vững, từ năm 2014, huyện đã đầu tư thực hiện đề tài “Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh”. Theo đó, các nhà nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã phục tráng giống quýt Trà Lĩnh và sản xuất cây giống sạch bệnh cho địa phương, phục vụ phát triển hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu với việc trồng mới 1,5ha vườn quýt sạch bệnh thâm canh cao và quản lý tổng hợp sâu bệnh hại; đồng thời cải tạo 0,5ha vườn quýt kém hiệu quả và sản xuất cây giống quýt Trà Lĩnh, đáp ứng cho nhu cầu trồng tập trung.

Thực tế, cây quýt cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với ngô, lúa, do đó người dân Quang Hán đã chuyển diện tích rẫy, ruộng bậc thang hiệu quả thấp sang trồng quýt và cam. Tính tới năm 2020, diện tích trồng quýt Trà Lĩnh ở Quang Hán đã mở rộng lên tới 100ha. Diện tích trồng quýt đã mang lại thu nhập khá cao, phổ biến ở mức 100-300 triệu đồng cho mỗi hộ trồng quýt, thậm chí có hộ thu nhập tới 500-600 triệu đồng. Thế nhưng, trong hai năm gần đây, người dân Quang Hán phải chặt bỏ cây quýt vì bệnh vàng lá, thối rễ không thể cứu vãn được. Đến nay, người dân Quang Hán đã phải chặt bỏ 70ha quýt, chịu tổn thất rất lớn vì mất nguồn thu.

Theo những người dân ở Quang Hán, bệnh này lây lan rất nhanh, từ một cây bị bệnh có thể lây ra cả vườn. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, cây quýt ở xã Quang Hán bị bệnh vàng lá, thối rễ (bệnh greening), đây là loại bệnh nguy hiểm, đến nay chưa có thuốc đặc trị. Cây trồng đã bị bệnh này, cần chặt bỏ, tiêu hủy để không lây lan ra các cây khác. Đối với những vườn cây đã nhiễm bệnh thì cần phải chuyển sang trồng cây khác, sau 3-4 năm mới nên trồng lại cam, quýt.

Trước thực trạng này, lãnh đạo xã Quang Hán một mặt hướng dẫn người dân tích cực chăm sóc cho những vườn cây chưa bị bệnh, một mặt vận động người dân chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao và tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gia súc.

Bài và ảnh: BÍCH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nguoi-dan-o-quang-han-dieu-dung-vi-sau-benh-hai-quyt-738675