Người dân miền Trung tất bật chăm sóc vụ hoa Tết Nguyên đán 2024

Ghi nhận tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị người dân đang tất bật chăm sóc vụ hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024.

Bà Hồ Thị Mỹ Thái (42 tuổi, trú tại thôn Vân Thê Thượng, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, 3 năm trở lại đây, cứ vào độ tháng 10 âm lịch bà lại được các chủ vườn trên địa bàn thuê đi tạo dáng cho các chậu hoa cúc để chuẩn bị bán trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nghĩa Văn.

Ông Nguyễn Mậu Hòa (48 tuổi, chồng bà Thái) cho hay, để có được chậu hoa cúc bắt mắt, người tạo dáng phải quan sát kỹ lưỡng và hình dung trước về vị trí, hình dáng của cây sau khi được buộc cố định vào các thanh tre. Ảnh: Nghĩa Văn.

“Tùy theo kích thước mà số lượng thanh tre được cắm vào cũng khác nhau. Thông thường, mỗi chậu rộng 35 - 45cm sẽ được cắm từ 40 - 50 thanh tre. Các thanh tre có nhiệm vụ cố định vị trí của cây và tạo dáng, làm cho chậu hoa cúc trở nên đẹp mắt. Việc buộc cố định cây vào thanh tre phải hết sức khéo léo để tránh việc cây bị đứt gãy”, bà Thái cho hay. Ảnh: Nghĩa Văn.

Ông Phan Huy (68 tuổi, trú tại tổ dân phố Vân Dương, phường Thủy Vân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đến nay ông đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc hoa cúc phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nghĩa Văn.

Theo đó, mỗi vụ hoa được trồng trong khoảng 6 tháng. Để hoa cúc nở đúng dịp Tết Nguyên đán, người dân còn phải thường xuyên thắp điện vào ban đêm. “Đến khoảng đầu tháng 11 âm lịch sẽ tắt bóng điện. Thời điểm cụ thể thì tùy theo sự phát triển của cây ở các vườn. Khi bóng điện không thắp nữa thì cây sẽ bắt đầu ra nụ. Lúc này, nhà vườn lại tiếp tục đi bẻ bỏ bớt nụ nhỏ ở thân để tập trung cho cây phát triển nụ chính”, ông Huy chia sẻ. Ảnh: Nghĩa Văn.

Ông Nguyễn Xuân Việt (38 tuổi, trú tại thôn Vân Thê Trung, xã Thủy Thanh) cho hay, năm nay gia đình ông trồng 350 chậu hoa cúc với đường kính của chậu phổ biến từ 35 - 45 cm. Ảnh: Nghĩa Văn.

Bằng kinh nghiệm của mình, ông Việt cho hay, để chậu hoa cúc phát triển tươi tốt, cành lá xanh tươi, khỏe khoắn, người trồng phải thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh trên cây, đặc biệt là bệnh nấm lá. Ảnh: Nghĩa Văn.

Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh Trần Duy Việt cho hay, trên địa bàn toàn xã hiện có 120 hộ trồng hoa cúc phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2024 với số lượng 72.970 chậu. Năm 2022, việc trồng hoa cúc chậu phục vụ dịp Tết Nguyên đán tại xã Thủy Thanh ước đạt 8,4 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận ước đạt 4,6 tỷ đồng. Ảnh: Nghĩa Văn.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND phường Thủy Vân, hiện có khoảng 60 hộ dân trên địa bàn trồng hoa cúc phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024 với khoảng 30.000 chậu. Chính quyền địa phương yêu cầu các gia đình trồng hoa phải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Ảnh: Nghĩa Văn.

Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Đính cho hay, việc sản xuất hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán chủ yếu được trồng tập trung tại TP Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang với số lượng khoảng 120.000 chậu. Ảnh: Nghĩa Văn.

Tại tỉnh Quảng Trị, làng hoa An Lạc (phường Đông Giang, TP Đông Hà) được xem là “vựa hoa” của tỉnh. Thời điểm này, người dân trồng hoa tại đây cũng đang tất bật chăm sóc hoa để kịp cho phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: NK.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Giang cho biết, vụ hoa tết năm nay đang diễn ra hết sức thuận lợi, ít ghi nhận tình trạng sâu bệnh và không bị ảnh hưởng nhiều bởi những đợt mưa lụt vừa qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế nên sản lượng sản xuất hoa phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024 có giảm so với năm trước. Ảnh: NK.

Nghĩa Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-dan-mien-trung-tat-bat-cham-soc-vu-hoa-tet-nguyen-dan-2024-10267157.html