'Người dân mà đói, thì rừng cũng không thể giữ được'

Thông qua du lịch thái, du khách được thưởng thức các nét đẹp văn hóa, đặc trưng; góp phần nâng cao đời sống, ổn định sinh kế cho người dân thông qua bảo vệ rừng.

Chiều ngày 4/4, Tọa đàm Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam đã được tổ chức. Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo số liệu công bố, tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 42% với diện tích 14,7 triệu ha.

“Trước sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học,... vai trò và sứ mệnh của rừng Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới, vừa đảm bảo kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, vừa phải đảm sinh kế cho người dân, đặc biệt 20 triệu dân tộc đồng bào ở các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa”, ông Bảo nói.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: Vân Anh).

Chính vì vậy, tài nguyên rừng Việt Nam cần có một cách tiếp cận mới, đa giá trị của rừng, vừa cung cấp vừa đảm bảo các chức năng ổn định đảm bảo kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Đức Quyền - Phó Giám đốc Rừng quốc gia Hoàng Liên cho biết, rừng quốc gia Hoàng Liên với diện tích 28.500 ha trải dài trên 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, trong đó có đặc tính riêng có 4 thôn vùng lõi với hơn 483 hộ.

Ông Quyền nhận thức rằng, vấn đề người dân sống trong vùng lõi tham gia vào trồng rừng phải gắn với sinh kế. Liên quan đến việc người dân sống gần rừng, trong rừng, bảo vệ rừng, dựa vào vùng trồng cũng như phát triển du lịch cộng đồng dựa vào đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi tất yếu. “Người dân mà đói, thì rừng cũng không thể giữ được”, ông Quyền nói.

Ông Quyền chia sẻ: “Những năm qua, người dân đảm nhiệm vai trò dẫn khách du lịch đi các tuyến rừng già. Thông qua du lịch nông nghiệp, du khách được thưởng thức các nét đẹp văn hóa, ẩm thực, văn nghệ cũng như những nét sinh hoạt đặc trưng của cộng đồng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống, ổn định sinh kế của người dân thông qua bảo vệ rừng”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 208/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đề án đặt mục tiêu chung là phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Dựa trên tình hình thực tế, ông Quyền đánh giá hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu, dù đây là chỉ tiêu tham vọng mà ngành lâm nghiệp cần phải cố gắng.

Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: Vân Anh).

Với mô hình du lịch cộng đồng, Phó Giám đốc Rừng quốc gia Hoàng Liên đề xuất 3 giải pháp cần đẩy mạnh. Đó là tăng cường đào tạo cho người dân, mang tính chuyên nghiệp. Đồng thời, các mô hình du lịch cộng đồng theo hướng nông thôn mới, gắn với cảnh quan, môi trường, đem đến sự thân thiện cho điểm đến. Cuối cùng là phát huy các giá trị văn hóa, tri thức bản địa, giới thiệu quảng bá các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP.

Liên quan đến xuất khẩu gỗ, ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp Forest Trends cho biết, thị trường cần nhiều hơn gỗ rừng trồng Việt Nam. Chính vì vậy trong tương lai nhu cầu nhập khẩu gỗ rừng trồng sẽ tăng, đặc biệt là các loại gỗ phổ biến có chứng chỉ bền vững từ các quốc gia có quản trị rừng tốt, đáp ứng tiêu chí của rừng trồng.

Đại diện Forest Trends cho rằng, đề án cần quan tâm hơn đến các loại hình gỗ khác, bao gồm các loại gỗ nhập khẩu và một số loài gỗ bản địa, không nhất thiết phải là keo, bạch đàn mà cần đa dạng hơn về nguồn cung.

Từ đó, ông Phúc đề xuất, để người dân tiếp cận được, cần có những câu chuyện, kết nối, chính sách khuyến khích các sản phẩm gỗ làm từ rừng trồng trong nước, làm từ các nguồn gỗ bản địa. Khi đẩy mạnh tiêu thụ nội địa các sản phẩm này sẽ giúp giảm được rủi ro liên quan đến việc nhập khẩu các nguồn gỗ nguyên liệu.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-dan-ma-doi-thi-rung-cung-khong-the-giu-duoc-a657543.html