Người dân Cà Mau trồng mắm chống sạt lở, tạo cảnh quan

Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông ở tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp. Bên cạnh các giải pháp từ ngành chức năng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động phòng chống sạt lở. Có hộ thì làm kè bằng bê tông, cũng có những hộ trồng mắm để giữ đất, tạo cảnh quan.

Hàng mắm trước nhà ông Nguyễn Thành (ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) được ông tỉa tót đẹp mắt như hàng rào dâm bụt người dân thường trồng để tạo cảnh quan. Hàng mắm mọc lên vào 4 năm trước, khi dòng thủy triều lên xuống đã khoét sâu vào phần đất ven sông, lấn gần đến tuyến lộ nông thôn trước nhà ông. Vốn làm nghề nuôi tôm ở vùng đất ngập mặn, ông Thành hiểu được khả năng giữ đất của cây mắm nên đã trồng hàng mắm để làm kè chống sạt lở. Cây mắm càng lớn, càng giúp giữ chắc được phần đất bên trong.

Hàng rào từ cây mắm được người dân Cà Mau làm phổ biến để chống sạt lở

Ông Nguyễn Thành chia sẻ: "Cách làm thì rất dễ, mình mua cọc tre về gia cố tạm bên ngoài, rồi đưa sình vô, rồi tiến hành trồng mắm vào. Trồng dày mới làm thành hàng rào được, thưa quá thì lên nhìn không đẹp. Trồng cây bằng cây lên tốt hơn, trồng bằng trái mắm cũng lên nhưng còn nhỏ dễ bị ba khía cắn, phá hại. Mình bứng những cây con đã lên 3 – 4 tấc trồng cây nào lên cây đó".

Từ lâu, người dân Cà Mau đã truyền tai nhau câu nói, “cây mắm đi trước, cây được theo sau” để nói về khả năng giữ đất tạo bãi bồi của cây mắm. Cũng từ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tận dụng loài cây có bộ rễ chùm lan rộng mà dễ trồng này để làm kè chống sạt lở. Ở huyện Phú Tân, Huyện ủy còn có hẳn một Nghị quyết về việc vận động nhân dân làm kè, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình trồng mắm. Gia đình ông Ngô Chí Thảo ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân là một trong những hộ dân đi đầu thực hiện chủ trương này.

Ông Thảo cho biết, sạt lở bờ sông diễn ra rộng khắp, trải dài ở các kênh, rạch địa phương, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở làm mất đường giao thông. Từ đó, khi được chính quyền địa phương vận động làm kè thì ông rất sẵn lòng. Gia đình ông Thảo cũng chọn giải pháp làm kè tạm bên ngoài, rồi trồng mắm giữ đất. Một phần bởi chi phí thấp, ngoài ra, cây mắm còn giúp tạo cảnh quan đẹp mắt. Ông Ngô Chí Thảo, cho biết: "Khi đã trồng mắm rồi, mình bồi thêm ít đất mới vô là cây phát triển rất nhanh, khi trái mắm rụng xuống thì bám lại và mọc theo hoài, không cần trồng lại. Khi mắm lên tốt rồi thì mình tỉa gọn lại để tán cây không ảnh hưởng người đi đường và làm hàng kiểng luôn. Trước đây, nhà tôi bị lở nhiều lắm, tôi mới kè tạm lại rồi trồng mắm. Nhà cũng có trồng hoa trang nhưng ở trên để đẹp cảnh quan thôi chứ không chống xói lở được; chống xói lở chỉ có cây mắm thôi, nó còn giúp bồi ra rất nhiều".

Ông Ngô Chí Thảo tỉa hàng rào mắm rất đẹp mắt

Từ Nghị quyết của Huyện Ủy, trong năm 2023, UBND huyện Phú Tân đã giao các chỉ tiêu làm hơn là 90 km kè chống sạt lở cho các xã. Cũng từ đó, các mô hình trồng mắm chống sạt lở ngày càng lan rộng. Ông Nguyễn Quốc Liêm, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Phú Tân đánh giá, làm kè chống sạt lở là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng xói lở bờ sông, kênh rạch. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện cũng đang có những điểm sạt lở nghiêm trọng, cần làm kè kiên cố để giảm thiểu thiệt hại: "Hiện huyện Phú tân đang thực hiện làm kè chống sạt lở theo Nghị quyết đề ra. Hàng năm đều giao chỉ tiêu cho các xã để thực hiện. Trong quá trình làm có kiểm tra, đánh giá, sơ kết. Về lâu dài, cần nguồn vốn từ cấp trên hỗ trợ ở những tuyến có sạt lở nhiều, nghiêm trọng, cái này xuất đầu tư cũng lớn"- ông Liêm nói.

Mô hình làm hàng rào mắm lan tỏa rộng ở huyện Phú Tân

Tỉnh Cà Mau có hơn 8.000 km đường bờ sông, kênh rạch. Ven theo các tuyến, thủy triều lên xuống dễ bị sạt lở. Việc người dân trồng mắm, hay chủ động làm kè phòng tránh đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu tình trạng sạt lở.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ca-mau-trong-mam-chong-sat-lo-tao-canh-quan-post1063538.vov