Người cựu binh Vị Xuyên mê bắn súng

Trong những cuộc thi bắn súng chuyên và không chuyên giành cho giới trẻ toàn quốc và TPHCM những năm gần đây, người ta thường thấy một người đàn ông nhỏ nhắn, nhanh nhẹn mái đầu đã pha tuyết sương vẫn dẫn học trò đi thi. Đó là ông Lê Vũ, người cựu chiến binh của chiến trường Vị Xuyên năm xưa.

Người thầy tận tâm với các vận động viên trẻ.

Người thầy tận tâm với các vận động viên trẻ.

Thầy giáo quân sự

Ông Vũ quê ở Bến Tre, trong một gia đình truyền thống cách mạng. ông kể: “Ông nội mình là đảng viên thời tiền khởi nghĩa, còn bố thì hoạt động cách mạng cựu tù Côn Đảo”. Vào đường binh nghiệp, anh được điều vào đơn vị pháo binh, đóng ở gần TPHCM. Ông rất giỏi toán, có thể tính nhẩm nhân chia mấy con số, lại có năng khiếu về bắn súng, thường huấn luyện anh em đơn vị bắn rất chính xác. Anh kể: “Mình còn trẻ, nhưng đã được giao huấn luyện anh em bắn để thi hội thao”.

Những năm 1980, chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra vô cùng khốc liệt, đặc biệt là chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang). Những cuộc đấu pháo giữa ta và địch được so sánh không kém gì Thành cổ Quảng Trị năm 1972, có những ngày địch bắn tới 30.000 viên đạn pháo nhằm dẹp đường cho hàng chục sư đoàn bộ binh tràn qua. Ông Vũ kể: “Mình được cấp trên điều động ra biên giới để tăng cường làm trung đoàn phó trung đoàn pháo binh 150 của sư đoàn 356 vào năm 1985, thời điểm chiến tranh ác liệt nhất và có lẽ mình là chàng trai Nam Bộ duy nhất trong đội hình pháo binh của sư đoàn”.

Sau khi từ chiến trường Vị Xuyên trở về, anh được phong lữ đoàn phó lữ đoàn pháo binh Biên Hòa thuộc quân khu VII. Ông kể: “Mình vẫn đam mê nghiệp bắn súng, nên thường trực tiếp hướng dẫn luyện tập cho anh em. Nhờ tích cực luyện tập, Đoàn pháo binh Biên Hòa khi đó đã đạt giải nhì trong hội thao toàn quân”.

Sinh viên Đại học quốc gia TPHCM đã quen với người thầy giáo dạy bắn súng Lê Vũ tận tình trong từng tiết học. Điều đặc biệt là thầy giáo, cựu chiến binh Lê Vũ đã thành lập một câu lạc bộ bắn súng dành cho sinh viên Đại học quốc gia TPHCM với một phòng tập khang trang và dụng cụ là súng hơi.

“Hàng ngàn sinh viên đam mê theo đuổi môn bắn súng hơi trong câu lạc bộ của chúng tôi – ông Lê Vũ tỏ vẻ ngạc nhiên – Ban đầu tôi chỉ nghĩ các bạn luyện tập thêm để có kết quả tốt trong kỳ học quân sự, nhưng phần đông sau khi hoàn thành học quân sự, các bạn vẫn theo tập môn bắn súng như một thú vui, đam mê”. Ông Vũ nói: “Ở một số nước, điển hình như Hàn Quốc, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự như là một yếu tố để rèn luyện bản lĩnh con người, cũng như một khóa học cần thiết cho tất cả các bạn trẻ vậy. Bởi vậy lớp trẻ này ngay cũng muốn trải nghiệm những bài tập của môi trường quân ngũ để vững vàng hơn trong cuộc sống”.

Cách đây ba năm, ông Lê Vũ đã thành lập CLB bắn súng Saigon Sniper tại quận 1 TPHCM. Ban đầu, mối quan hệ của ông với ngành thể thao của quận cũng chỉ đơn giản như người cho thuê mặt bằng và người đi mướn mặt bằng. Nhưng thật bất ngờ, câu lạc bộ bắn súng trường hơi đã thu hút hàng trăm bạn trẻ trong quận theo tập và dự thi các cuộc thi bắn súng, đem huy chương về cho quận. Cô Oanh, một vận động viên bắn súng chuyên nghiệp đã được ngành thể thao quận 1, TPHCM chi trả lương, tăng cường cho CLB bắn súng Saigon Sniper đảm nhiệm công tác huấn luyện. Lãnh đạo thể thao của quận cũng nhiều lần khẳng định xem bắn súng là một môn thể thao mới cần phát triển vì rất thu hút các bạn trẻ.

Cô Oanh cho biết: “Tôi vẫn đảm nhiệm việc giảng dạy thể thao ở một trường đại học, nhưng luôn thu xếp công việc và thời gian để lo cho các em tập bắn súng tại câu lạc bộ, giúp các em có những kỹ năng cơ bản của một vận động viên chuyên nghiệp”.

Ông Lê Vũ tự tay bảo dưỡng súng hơi . Ảnh: T.N.A.

Xã hội hóa môn bắn súng

Tới thăm anh Lê Vũ tại CLB bắn súng Saigon Sniper, vừa xem anh trực tiếp tháo súng hơn bảo dưỡng sửa chữa, vừa nghe anh kể chuyện những ngày chiến đấu ở Vị Xuyên. Ông Vũ kể: “Mới rồi sư trưởng cũ có ghé nhà thăm tôi, cùng ôn lại kỷ niệm xưa”. Ông Vũ cũng bảo: “Nhiều người từng ghé thăm câu lạc bộ bắn súng của chúng tôi, vì đây là câu lạc bộ bắn súng xã hội hóa đầu tiên và duy nhất trên đất nước mình. Các HLV từng ghé thăm như HLV Nguyễn Thị Nhung, người thầy của Hoàng Xuân Vinh, hay mới đây là xạ thủ lừng danh Phạm Cao Sơn, hiện là trưởng bộ môn bắn súng Hải Phòng”.

Tổ chức một CLB bắn súng xã hội hóa là một việc phức tạp chưa có tiền lệ, vì việc bảo quản sử dụng súng được quản lý ngặt nghèo. Ông Vũ nói: “Chúng tôi chỉ tổ chức luyện tập cơ bản bằng súng trường hơi, nhưng số súng này cũng có sự quản lý. Để nâng chất lượng, chúng tôi đi mượn súng ngắn hơi của bộ môn bắn súng cho các cháu tập một thời gian rồi trả. Cách khác nữa là chúng tôi đào tạo giai đoạn ban đầu, rồi cử đi học, đưa lên tuyến trên tập luyện”.

Người cựu chiến binh Vị Xuyên đã đầu tư gần 500 triệu đồng cho phòng tập bắn súng xã hội hóa đầu tiên của TPHCM và của cả nước. Khá nhiều bạn trẻ, các chiến sĩ dân quân tự vệ ghé tập, các giải thi đấu của thành phố cũng được tổ chức tại CLB này. Ông Vũ nói: “Lớp trẻ ngày nay được đào tạo tốt hơn trước, nhưng cũng phải sống trong một điều kiện xã hội có rất nhiều cám dỗ. Nếu các bạn trẻ tìm được một môn thể thao có ích cho bản thân và cho xã hội thì rất nên khuyến khích”.

Hàng ngày, có hàng trăm bạn trẻ tới CLB bắn súng để tập và giải trí. Ông Vũ và CLB của mình hiện đang tài trợ và đào tạo miễn phí cho 18 bạn trẻ luyện tập bắn súng hết sức cơ bản để tham gia thi đấu, tạo thành một đội tuyển bắn súng riêng của câu lạc bộ và của quận 1. Tin vui là tại Giải bắn súng TPHCM mở rộng 2017 vừa kết thúc cách đây vài ngày, bắn súng quận 1 TPHCM với các vận động viên do CLB bắn súng đào tạo đã đoạt 4 huy chương vàng (2 HCV hệ chuyên nghiệp và 2 HCV hệ phong trào) dẫn đầu thành tích toàn thành phố. Điều đặc biệt nữa là các đội tuyển bắn súng các quận khác khác đều do bộ môn bắn súng tài trợ và đào tạo, chỉ riêng đội tuyển bắn súng quận 1 là mô hình xã hội hóa.

Có những bậc phụ huynh liên tục thúc giục con em mình: “Đến giờ đi tập bắn súng rồi kìa”. Nhưng cũng một vài phụ huynh con e ngại, không biết con gái mình vì sao lại đam mê bắn súng đến vậy! Các bạn tham gia câu lạc bộ cho biết: “Chúng cháu mê bắn súng, nhưng cũng ham học, cố học giỏi để bố mẹ cho đi học bắn súng nên đa số chúng cháu đều là học sinh giỏi!”.

Bắn súng đã được TPHCM đưa vào là một môn thi đấu trong Hội khỏe Phù Đổng và TPHCM cũng là tỉnh thành đầu tiên trong toàn quốc đưa bắn súng vào làm một môn thi đấu tại hội khỏe Phù Đổng. Rất nhiều trường phổ thông có các đội bắn súng và rất nhiều tuyển thủ nhí đang luyện tập ở các trung tâm khắp thành phố, trong đó có CLB của ông Lê Vũ.

Các HLV bắn súng của bộ môn bắn súng tại TPHCM như thầy Tuấn, thầy Nam, cô Dương, đều nhận xét với phóng viên: “Chú Lê Vũ là người đam mê và có công với phong trào bắn súng thành phố”. Thành tích bắn súng của TPHCM những năm gần đây được cải thiện rất nhiều tại các giải vô địch quốc gia, nhất là các giải trẻ, trong đó có sự góp phần của chủ trương xã hội hóa thể thao trong đó có xã hội hóa môn bắn súng.

Ông Lê Vũ nói: “Ước mơ của mình là một ngày không xa, TPHCM có thể thành lập được liên đoàn bắn súng của riêng mình, thu hút các trung tâm bắn súng của quân đội, công an, dân quân tự vệ, các trường đại học, các trường phổ thông, các trung tâm bắn súng nhà nước và các trung tâm xã hội hóa… để bắn súng trở nên gần gũi với người dân, nhất là các bạn trẻ!”.

Trần Nguyễn Anh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nguoi-cuu-binh-vi-xuyen-me-ban-sung-1187618.tpo