Người của sông (kỳ 2)

Sông Hồng chỉ mang cái tên hiện tại kể từ thế kỷ 19, khi người Pháp bắt đầu vào Việt Nam, do mầu sắc đặc trưng đậm phù sa của nó. Trong sách sử, sông Hồng còn có tên sông Thao, Nhị/Nhĩ Hà, Phú Lương, Bạch Hạc, Tam Đới, Đại Hoàng, Xích Đằng, Hoàng Giang và sông Lô hay Lô Giang… Trong đó, địa danh Phú Lương xuất hiện từ thế kỷ 17, còn Lô/Lô Giang có từ thời nhà Trần được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư. Tiếp theo là địa danh Thao có nguồn gốc Thái - Kađai và Cái là gốc Nam Á.

Đầm nuôi trồng thủy sản ở Tứ Xã.

Đầm nuôi trồng thủy sản ở Tứ Xã.

Nhiều tên gọi trong số đó có sự gắn bó chặt chẽ với vùng đất kinh đô cổ đầu tiên của người Việt - kinh đô Văn Lang. Một số tên vẫn còn được sử dụng và đều ít nhiều liên quan dòng sông khởi thủy cho nền văn minh lúa nước của người Việt. Những ghi chép để lại cho thấy kinh đô Văn Lang nằm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn: sông Thao, sông Lô và sông Đà - ba nhánh làm nên sông Hồng. Cư dân làng chiêm trũng Phú Thọ, vì thế mang đậm dấu ấn của những cư dân nền văn minh sông Hồng cùng những trầm tích cổ xưa.

Kỳ 2: Nơi sông Hồng chảy ngược

Lời “Tứ Xả”

“Rằng ngày lác đác mưa sa, thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng.

Một tay bó mạ em bồng, một tay rẽ nước ra sông bổ dồn”, (lời hát Trò Trám của người dân Tứ Xã, Lâm Thao).

Những dấu tích thời kỳ Hùng Vương đậm đặc ở khu vực Việt Trì và các xã vệ tinh cho thấy đây là địa bàn sinh sống từ rất sớm của người Việt cổ với nhiều niên đại nối tiếp từ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu đến Gò Mun và Đông Sơn. Một thiết chế làng xã sơ khai được hình thành và kế thừa theo lưu vực sông Hồng với nhiều đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Thậm chí, ở Phú Thọ, lời hát xoan, hát ghẹo, hát trò trám… còn được cho là vẫn lưu giữ nhiều từ Việt cổ từ thời Hùng Vương.

Nói người của sông Hồng, thì dân vùng chiêm trũng huyện Lâm Thao (Phú Thọ) hẳn phải được điểm danh đầu bảng. Chỉ độ chục năm trước, khu vực cánh đồng dọc đê tả Thao một năm chỉ cấy được một vụ chiêm, vụ mùa cả vùng chìm trong nước. Các xã (cũ) như Sơn Dương, Kinh Kệ, Học Hải… còn ngập độ 1/4 diện tích, còn Tứ Xã cứ tháng 6 tới tháng 12 là nước từ thượng nguồn đổ về, cả xã trắng nước.

Tứ Xã là nơi sông Hồng không chảy theo hướng truyền thống. Đó là một điển hình của các bãi bồi, xâm thực, lâu dần tạo nên các làng mạc Việt cổ, cũng là lý do mà tầng văn hóa Gò Mun - nền văn hóa tiền Đông Sơn - ở Tứ Xã rất dày. Năm 1906, người Pháp tận dụng địa hình cho xây một cống dẫn nước qua làng Á, gọi là Cống Á, rồi dẫn nước phù sa về Tứ Xã. Dần dà, nơi ấy được phù sa bồi đắp, cao hơn chỗ khác, gọi là Đồng Bồi. Tới năm 1926, dân Tứ Xã dần dần kéo nhau ra Đồng Bồi dựng nhà. Cũng vì địa hình cao, nên nước tới Đồng Bồi không chảy theo hướng tây bắc - đông nam như thông thường mà chảy ngược về Sơn Vi theo hướng tây nam - đông bắc, sau đó tới Cao Xá, đến ngã ba sông mới chảy xuôi trở lại.

Ngược xuôi lạ lùng vậy khiến Tứ Xã là một “thành trì” riêng cả về ngôn ngữ lẫn những câu chuyện lịch sử. Người nhận trách nhiệm trông nom di chỉ Gò Mun, ông Nguyễn Hồng Bằng kể, thập niên 60 thế kỷ trước ông đã chứng kiến nhiều cuộc khai quật chuyến quy mô lớn, đồ gốm sứ, công cụ bằng đồng vứt cả đống trên gò. Năm 1990, ông bắt đầu ra đây trông di chỉ, cũng phải đuổi không ít người lởn vởn hỏi han chỗ đào cổ vật. Chỉ cách có vài bước chân, nhưng giọng người Tứ Xã không bị trộn lẫn vào đâu so với người xã Bản Nguyên, Sơn Vi. Chẳng hạn như dấu ngã đều được dân Tứ Xã nói thành dấu hỏi, một số từ chỉ người Tứ Xã mới dùng. Trong lời mở của lời hát diễn trò “Tứ dân chi nghiệp” tại lễ hội dân gian Trò Trám - một lễ hội của người Tứ Xã khi bắt đầu mùa vụ mới - người chủ trò cũng trịnh trọng giới thiệu bằng giọng đặc trưng và gọi mình là “người Tứ Xả” thay vì Tứ Xã.

Trung tâm Tứ Xã, xóm Trám, ngay trước miếu Trò Trám trước kia là một bến đậu thuyền dân sinh. Nhà ông Chử Đức Bách nhìn ra ngay bến thuyền đó. Ông bảo hồi những năm 80, trước cửa nhà ông có một cây tre to, cứ vào mùa nước ngập là bà con hay buộc thuyền ra đó, rồi đánh lờ, đánh nhủi. Vợ ông năm xưa cũng có thể coi là một tay đánh lắn (một cách đánh tôm ở Tứ Xã) cự phách, một ngày có thể bắt được vài yến tôm. Ông Bách bộ đội biền biệt, đóng quân ngay trong tỉnh thôi mà vợ sinh con cũng không về được. Mấy yến tôm một ngày đấy đủ để bà nuôi cả gia đình lúc vắng chồng suốt mấy tháng giáp hạt. Đàn bà Tứ Xã chiều chồng có tiếng, bà không trách ông nửa lời. “Cơm đồng Á, cá đồng Gáp, cô có biết câu đó không, là nói về chúng tôi ấy”, bà Bách tả, “Giống tôm ở đây là tôm riu, làm mắm sẽ mang mầu đỏ tươi. Tôm nhỏ, mịn, mà nó ngọt”.

Nghề đánh lưới, còn thành cả một nghi lễ của người Tứ Xã, ấy là hội đánh cá láng Thờ. Ở đền Xa Lộc thờ tướng Phùng Lân Hổ có một cái giếng nhỏ đang thả cá. Ông Vương Đức Hùng, cán bộ văn hóa xã, nói đang bàn với các bậc trưởng lão trông đền, năm tới khôi phục lại tục đánh cá láng Thờ. Láng Thờ là một cái lạch nước giữa mùa ngập, rộng chừng 20 ha ở giữa đồng, như ông Hùng mô tả là vị trí chợ Tứ Xã mới bây giờ. Cứ rạng sáng ngày 11 tháng Chạp hằng năm, vào hội đền Xa Lộc, bà con ở Đồng Bảng (Ba Vì), quê gốc tướng Lân Hổ sẽ tới dự lễ. Thấy bóng người Đồng Bảng ở láng Thờ là người ta đánh ba hồi chuông chùa Tổng, rồi tất cả sẽ kéo xuống láng đánh cá. Những con to nhất được mang lên cúng, rồi chia cho bà con hưởng lộc. Một cụ cao niên họ Khổng - một dòng họ lớn của Tứ Xã với 19 đời nối tiếp - nói lần cuối ông còn thấy đánh cá láng Thờ là tầm những năm 44 - 45 thế kỷ trước. Mấy năm kể từ khi đền Xa Lộc được trùng tu, những cụ già nhất Tứ Xã vẫn bảo mong một ngày được nhìn lại cảnh đánh cá.

Người đồng mình

Dân Tứ Xã hiếu khách, nồng nhiệt, sống chết vì làng, điều đó chẳng có gì nghi ngờ. Ông Nguyễn Hồng Bằng đã hơn ba chục năm trông di chỉ Gò Mun mà chẳng có chế độ nào. Nhưng ông Bằng vẫn cần mẫn với công việc và vẫn sẵn lòng ngồi kể hàng giờ, về từng câu chuyện khai quật và ánh mắt vẫn lấp lánh niềm tự hào, rằng những hiện vật từ Gò Mun đã đi khắp nơi trưng bày, rằng vào tới cả bảo tàng trong TP Hồ Chí Minh ông cũng nhìn thấy gốm sứ từ mảnh đất quê ông.

Ở nhà ông Chử Đức Bách, tôi còn được gặp bà Nguyễn Thị Cam, Nghệ nhân Ưu tú, một pho sử sống về hát trò trám ở Tứ Xã. Lễ hội trò trám cũng mới khôi phục vài chục năm nay. Ngoài 70 nhưng giọng bà Cam đanh, vang, đầy chất thổ âm khỏe khoắn của người đồng ruộng. Buổi chiều mưa không át được tiếng hát của bà. Hai năm Covid, hội hè bị hạn chế, bà Cam bảo thèm được hát, thèm được gõ tiếng trống khơi trò. Thế nên giờ chỉ cần có người nghe, bà Cam và ông Bách sẵn sàng nhịp phách. Đó là lời hát của những chàng trai cô gái Tứ Xã ngày xưa, khi nước rút, chuẩn bị cho một mùa xuống đồng mới.

Ông Khổng Đức Minh, một cựu chiến binh của làng, nói giờ làng này không còn mấy ai đánh cá nữa. Mấy láng Thờ, láng Cả… bây giờ đều là những con đường thẳng tắp, song song với các đầm nuôi trồng thủy sản. Năm 1987-1988, người ta nâng cấp xong đê Tả Thao, rồi cống T2 - 3 hoàn thành, cả vùng ven sông Hồng hết ngập. Lúa đã có đủ hai vụ. “Cả làng chắc còn độ năm - sáu người theo sông nước thôi”, ông bảo. Ông Minh vẫn nhớ năm 1971 vỡ đê, cả làng chạy lũ lên Sơn Vi, tới hai tháng sau bà con mới lục tục trở lại dọn dẹp. Năm đó đói mất mấy tháng, phải chờ gạo cứu trợ. Anh em ông cũng chỉ trông vào mấy con tôm cá, bán được đồng nào mua gạo đồng ấy. Hôm đó đang thả lưới thì anh em ông Minh gặp một chiếc thuyền chở lúa từ Sơn Vi ngược về, trên thuyền có hai mẹ con nọ, bà mẹ lại đang có bầu sắp đẻ. Thuyền nặng, gặp nước xoáy nên lật, mấy người phụ nữ chới với giữa dòng. Hai anh em ông lao ra vớt được người. Chuyện cứ tưởng thế là quên, vì ông Minh cũng chẳng xưng tên, vậy mà tới bảy năm sau, có một người đàn ông đến nhà ông Minh tìm. Hóa ra đó là chồng người phụ nữ dạo nọ, từ dạo vợ được cứu, ông cứ để ý đi hỏi han người giúp vợ mình. Tình cờ mà bảy năm sau, ông chồng hỏi đúng người, mới quày quả mang ít đồ tới cảm ơn ân nhân cứu mạng.

Ở Tứ Xã, những câu chuyện xưa nay vẫn đan cài. Theo đúng mùa, thì giờ là lúc nước sông Hồng đang dâng cao. Những câu chuyện nhẹ nhàng đời người, dài như đời sông, nhưng cũng đơn giản như đời sông. Cầm chiếc áo mưa sạch sẽ từ tay bà Bách, hay nghe giọng hát của bà Cam, nghe chuyện về những gò đất Gò Mun, Đồng Đậu, chúng tôi nhớ tới những hình ảnh trong bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương, nói về những người cùng quê hương, sống với nhau theo cách thành thật và yêu thương nhất:

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con”…

Theo Phương Mai (NDĐT)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202203/nguoi-cua-song-ky-2-5769255/