Người Cộng sản kiên trung

Là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Tô Hiệu (1912-1944) đã trở thành tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho những người cộng sản và thế hệ trẻ nước ta noi theo.

Đồng chí Tô Hiệu, sinh năm 1912, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, quê hương của khởi nghĩa Bãi Sậy nổi danh trong cả nước và được nuôi dạy trong một gia đình nền nếp, giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi. Tại trường Pháp - Việt ở tỉnh Hải Dương, đồng chí đã tham gia các phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Châu Trinh. Khi chuyển lên học Cao đẳng Tiểu học tại trường Trí Tri ở Hà Nội, đồng chí đã hăng hái tham gia Học sinh đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Cuối năm 1930, khi đang hoạt động cách mạng ở Sài Gòn, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp kết án 4 năm tù và đày đi Côn Đảo. Trong thời gian này, đồng chí càng trở nên gần gũi với những người tù cộng sản và nhanh chóng giác ngộ. Cuối năm 1932, ở tuổi 20, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Năm 1934, sau khi hết hạn tù, mặc dù bị quản thúc, nhưng đồng chí Tô Hiệu vừa tìm hiểu tình hình và gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, vừa tìm mọi cách vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch để bắt liên lạc với Đảng.

Năm 1936, đồng chí cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận.

Giữa tháng 5/1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ đã được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11/1937, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Trên cương vị này, đồng chí đã tiến hành nhiều chuyến đi tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương chăm lo công tác xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức đảng ở các địa phương này.

Cuối năm 1939, khi đến cơ sở kiểm tra việc in ấn truyền đơn chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt. Kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí. Đầu năm 1940 thực dân Pháp đày đồng chí lên Nhà tù Sơn La với mức án là 5 năm tù khổ sai, chúng coi đồng chí là phần tử nguy hiểm và lấy cớ đồng chí mắc bệnh lao phổi nặng nên chúng đã giam đồng chí tại phòng giam hình tam giác chưa đầy 4 m2, phòng giam duy nhất có cửa hướng ra đường đi tuần nhằm cách ly đồng chí không cho đồng chí tiếp xúc với bất kỳ tù nhân nào tại Nhà tù Sơn La.

Tại nhà tù Sơn La đồng chí được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ nhưng do sức khỏe yếu nên chỉ giữ chức vụ bí thư từ tháng 5 năm 1940 đến tháng 10 năm 1941, nhưng đồng chí vẫn là một cố vấn tin cậy của chi bộ và được bầu là Trưởng ban huấn luyện đào tạo cán bộ tại Nhà tù Sơn La.

Trong thời gian đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ, các hoạt động cách mạng trong Nhà tù Sơn La đã có sự lãnh đạo tập trung thống nhất, có tổ chức, có phương pháp và phương hướng rõ ràng nên đời sống của anh em tù nhân được cải thiện rõ rệt, đồng chí đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi, đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho binh lính và đồng bào địa phương, đã đào tạo bồi dưỡng được nhiều đảng viên cho Đảng. Những thắng lợi tại Nhà tù Sơn La, chính là nhờ một phần công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu.

Mặc dù bị bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, ho ra máu rất nhiều, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn cố gắng ôm ngực viết tài liệu huấn luyện cho chi bộ, đồng chí còn nói với anh em rằng: “Mình biết chắc là mình sẽ chết sớm hơn người khác vì vậy phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng”. Với những đóng góp của đồng chí Tô Hiệu, tù chính trị ở Nhà ngục Sơn La đã mệnh danh đồng chí chính là linh hồn của Chi bộ nhà tù Sơn La. Ngày 7/3/1944, do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và do mắc hiểm nghèo, đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh tại Nhà tù Sơn La trong niềm tiếc thương vô hạn của các đồng chí của mình.

Cuộc đời 32 năm tuy ngắn ngủi với 18 năm hoạt động cách mạng, quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, những cống hiến của đồng chí Tô Hiệu cho phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng Sơn La nói riêng thật là to lớn. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng của một chiến sỹ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.

Phong Lưu (TH)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/nguoi-cong-san-kien-trung-Au2KN4ASg.html