Người con anh hùng của xóm Mồ Côi

Anh Ngô Văn Sơn, 56 tuổi dẫn tôi vào thăm ngôi nhà của vợ chồng anh ở xóm Mồ Côi, khối Trường Lệ, P. Cẩm Châu, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Sau khi rót nước mời khách, anh kể: "Tôi là con rể của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Việt. Cũng chính tại ngôi nhà này cách đây gần 52 năm, cha vợ tôi cùng đồng đội của ông đã anh dũng chiến đấu và bản thân ông hy sinh trong chính ngôi nhà ni".

Ngay tại nền nhà này, năm 1967 liệt sĩ Nguyễn Văn Việt đã anh dũng hy sinh.

Ngay tại nền nhà này, năm 1967 liệt sĩ Nguyễn Văn Việt đã anh dũng hy sinh.

Bây giờ ngôi nhà đã được xây lại khang trang, song sự bi hùng của xóm Mồ Côi, của ngôi nhà mà gia đình anh Sơn đang sinh sống vẫn vang vọng những khúc tráng ca bất tử về cuộc chiến đấu vệ quốc của những người con ở nơi đây...

Xóm Mồ Côi lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông của thôn Trường Lệ, xã Cẩm Châu (cũ). Mùa mưa lụt, nước dâng cao ngập trắng xóa, chỉ lòi một chòm màu xanh trông giống như ốc đảo, bị cô lập hoàn toàn với các làng mạc khác. Những năm tháng khói lửa, đạn bom, xóm Mồ Côi có khoảng chục mái nhà tranh tre lè tè dưới các rặng cây xanh mướt, nằm sát bên nách trung tâm cơ quan đầu não của địch ở Hội An. Song Thị ủy Hội An ngày ấy đã chọn xóm Mồ Côi làm căn cứ hoạt động bởi nơi đây rất gần và thuận tiện liên lạc với vùng cách mạng Trà Quế, xóm Chiêu cũng như các vùng cánh bắc thị xã.

Những người con của xóm Mồ Côi tham gia cách mạng từ rất sớm, trong đó có Nguyễn Văn Việt. Khi mới 12 tuổi, anh thường giả vờ dắt trâu ra đồng để dò la tin tức địch, làm giao liên, cảnh giới cho các cuộc họp của Thị ủy tại xóm Mồ Côi. Tháng 2-1948, anh dẫn đường cho đoàn cán bộ thị xã về Trường Lệ hoạt động thì bị địch phục kích, Nguyễn Văn Việt bị bắt giữ, tra tấn dã man nhưng anh không hề hé răng một lời. Bị giam cầm một thời gian không khai thác được gì, cuối năm đó chúng thả anh ra. Đầu năm 1955, Nguyễn Văn Việt tham gia lực lượng du kích xã, đồng thời tuyên truyền lôi kéo một số thanh thiếu niên khác cùng tham gia lực lượng, xây dựng mạng lưới cơ sở, đào hàng chục hầm bí mật tại chỗ để chống càn. Tháng 3-1966, tại xóm Mồ Côi, Thị ủy Hội An mở hội nghị chuyên đề về công tác nội ô và các vùng xung yếu của thị xã, đồng thời thành lập Ban cán sự công tác nội ô.

Ông Trương Minh Lượng- Phó Bí thư Thị ủy được giao giữ chức Trưởng ban, lấy ngôi nhà tranh, phên tre của Nguyễn Văn Việt làm trụ sở lâm thời để hoạt động. Chính vì vậy, trong ngôi nhà của Nguyễn Văn Việt cất giữ nhiều tài liệu quan trọng của Thị ủy. Cán bộ các xã, ban ngành trực thuộc Thị ủy thường được triệu tập về ngôi nhà này để họp bàn các mặt công tác. Để đảm bảo an toàn cho các cuộc họp hành ở xóm Mồ Côi, Thị ủy quyết định thành lập Đội Công tác đặc biệt do Nguyễn Văn Việt làm Bí thư chi bộ kiêm Chính trị viên. Không ít lần, địch phát hiện tại xóm Mồ Côi có nhiều cán bộ của Thị ủy như Nguyễn Kim Khánh, Đặng Tiên, Trần Quang Tính, Võ Học... về đây dự họp cùng cán bộ các xã nên triển khai lực lượng bao vây, song dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Việt, Đội Công tác đặc biệt đã kiên cường bám trận địa, đánh bật hàng chục đợt tấn công, giải vây kịp thời cho nhiều cán bộ rồi mới rút lui, trong đó tiêu biểu nhất là trận chiến đấu vào sáng một ngày giữa tháng 2-1967. Lúc ấy, Thị ủy Hội An vừa mới khai mạc cuộc họp thì một đại đội lính ngụy phát hiện ồ ạt xông vào. Nguyễn Văn Việt cùng các chiến sĩ của Đội chiến đấu với tinh thần quyết tử để bảo vệ cán bộ tham dự cuộc họp. Lửa đạn của đôi bên chiến tuyến bao phủ mờ mịt cái xóm nhỏ Mồ Côi, 36 tên lính ngụy bị đạn ngã gục khi chúng vừa tràn lên bìa xóm. Địch tăng viện mỗi lúc thêm đông với đủ loại sắc lính, song Nguyễn Văn Việt chỉ huy vừa bắn cầm cự để ngăn cản bước tiến của kẻ thù vừa rút lui về xóm Chiêu an toàn.

Bia di tích xóm Mồ Côi.

Bia di tích xóm Mồ Côi.

Sáng ngày 18-10-1967, ông Trương Minh Lượng chủ trì cuộc họp với cán bộ chủ chốt của Thị ủy phổ biến chủ trương sắp tới của Đặc khu ủy Quảng Đà và bàn kế hoạch chuẩn bị tham gia tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 tại nhà của Nguyễn Văn Việt. Đang triển khai lực lượng bảo vệ cuộc họp thì cơ sở phát hiện địch từ trung tâm thị xã ùn ùn kéo tới bao vây xóm Mồ Côi. Nguyễn Văn Việt báo cáo nhanh với ông Lượng đồng thời triển khai ngay phương án chiến đấu. Cuộc đọ súng không cân sức về vũ khí cũng như lực lượng diễn ra vô cùng ác liệt, các chiến sĩ của Đội lần lượt hy sinh, địch tiếp viện mỗi lúc thêm đông, một số cán bộ vừa thoát ra khỏi xóm Mồ Côi cũng không tránh khỏi những loạt đạn của chúng, trong đó có Phó Bí thư Thị ủy Trương Minh Lượng. Biết khó có đường rút lui, bởi giặc đã bao vây tứ phía, lực lượng bị hy sinh nhiều và chỉ trong chốc lát nữa chúng có thể chiếm lĩnh được ngôi nhà, nơi đang cất giữ nhiều tài liệu tuyệt mật của Thị ủy... Nguyễn Văn Việt không chần chừ bật lửa đốt ngay mái nhà của mình. Ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao đã thiêu rụi bao điều bí mật nằm trong các trang tài liệu và Nguyễn Văn Việt đã anh dũng ngã xuống trong đám lửa hừng ấy, để lại sự tiếc thương cho đồng chí, đồng bào cũng như nỗi sợ hãi, kinh hoàng của kẻ địch về lòng trung thành với Đảng, can trường của người chiến sĩ cách mạng.

Ghi nhận sự chiến đấu, hy sinh dũng cảm, ngoan cường của anh, ngày 24-6-2005, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Văn Việt, người con ưu tú của phố Hội thân yêu, người chiến sĩ hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

THÁI MỸ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_207577_nguoi-con-anh-hung-cua-xom-mo-coi.aspx