Người Chơro ở Tây Hòa vẫn một lòng sắt son

Thêm một năm sung túc về với khu định canh - định cư (ĐCĐC) của 35 hộ đồng bào dân tộc Chơro ở tổ 17, ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (H.Trảng Bom).

Người có uy tín Nguyễn Văn Dũng (đứng thứ 2 từ phải sang) động viên con em dân tộc Chơro học hành. Ảnh: Đ.Phú

Những đứa trẻ Chơro được cha mẹ gùi trên lưng hay lẽo đẽo chạy theo đoàn người về đây lập làng giờ có người tóc đã hoa râm.

* Nối gót cha làm “già làng”

Con đường nhựa Trung Hòa - Nhân Hòa quanh co, kết nối với những tuyến đường giao thông nông thôn mới ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa dẫn vào khu ĐCĐC của đồng bào dân tộc Chơro ở tổ 17, như “khoe dáng” cho cuộc sống sung túc. Người có uy tín Nguyễn Văn Dũng (28 tuổi, dân tộc Chơro) cho biết, đa số các hộ dân trong khu ĐCĐC đều có cuộc sống ổn định, sung túc. Đồng bào dân tộc Chơro của ông luôn biết đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, nhất là luôn vững tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tây Hòa TRẦN THỊ THƯƠNG THỦY, cái tình của đồng bào Chơro nơi đây vẫn sắt son với chính quyền như ngày đầu theo tiếng gọi của già làng Nguyễn Văn Hoằng về thành lập khu ĐCĐC mới.

Người có uy tín Nguyễn Văn Dũng là con trai út của già làng Nguyễn Văn Hoằng (mất năm 2022). Sau khi già Hoằng qua đời, đồng bào dân tộc Chơro trong khu ĐCĐC thống nhất với chính quyền bầu chọn con trai út của ông gánh vác vai trò làm cầu nối giữa đồng bào Chơro trong khu ĐCĐC với chính quyền.

Theo người có uy tín Nguyễn Văn Dũng, trước năm 1975, chiến tranh đã đẩy bước chân của rất đông đồng bào Chơro và các dân tộc thiểu số anh em khác du canh - du cư vào những khu rừng sâu nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau ngày đất nước thống nhất, một số đồng bào dân tộc Chơro tìm về bản làng cũ tụ hội hoặc thực hiện chính sách ĐCĐC theo tiếng gọi của Đảng, chính quyền và già làng Nguyễn Văn Hoằng. Từ đó mới hình thành nên khu ĐCĐC của 35 hộ đồng bào dân tộc Chơro tại tổ 17, ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa hôm nay.

Ông Hồ Văn Cát (64 tuổi, dân tộc Chơro) kể lại, sau khi theo già làng Nguyễn Văn Hoằng về khu ĐCĐC, mỗi hộ gia đình được địa phương phân cho 1ha đất để sản xuất và làm nơi ở. Ngoài phần đất này, hộ Chơro nào có sức khỏe, nhiều lao động vẫn được quyền khai hoang thêm những vùng đất khác ngoài khu ĐCĐC để có quỹ đất lớn hơn sản xuất.

“Cái bụng, trái tim của đồng bào Chơro của mình rất thật, luôn tin vào Đảng, chính quyền và Bác Hồ” - ông HỒ VĂN CÁT (64 tuổi, dân tộc Chơro, tổ 17, ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa) bộc bạch.

Trải qua bao mùa rẫy kể từ ngày theo già làng Nguyễn Văn Hoằng về khu ĐCĐC, những đứa trẻ Chơro được cha mẹ gùi trên lưng hoặc lẽo đẽo chạy theo đoàn người về đây lập làng giờ có người tóc đã hoa râm. Ông Hồ Văn Nghẹ (63 tuổi, dân tộc Chơro) bày tỏ, đồng bào Chơro ở khu ĐCĐC giờ đã bắt nhịp với sự phát triển về mọi mặt của xã Tây Hòa, nhất là bắt nhịp với phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương. Nhờ địa phương không ngừng quan tâm đầu tư xây dựng về hạ tầng, chăm lo đời sống đồng bào Chơro của ông song song với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu nên khu ĐCĐC luôn sung túc, văn hóa, văn minh.

* Giữ truyền thống đoàn kết của dân tộc Chơro

Qua gần 48 năm (1976-2023) hình thành khu ĐCĐC, 35 hộ đồng bào dân tộc Chơro/110 nhân khẩu vẫn chưa xảy ra mất lòng nhau về vấn đề cuộc sống. Người có uy tín Nguyễn Văn Dũng cho biết, đồng bào dân tộc Chơro vốn tin tưởng vào vai trò của già làng, người có uy tín do mình chọn ra nên khi xảy ra chuyện gì không vừa ý trong nhà, cộng đồng đều thông tin ngay cho già làng, người có uy tín đến giải quyết. Bởi đồng bào luôn tâm niệm, xưa chiến tranh kẻ thù luôn tìm mọi cách chia rẽ đồng bào với cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để lôi kéo, dụ dỗ vẫn không được thì nay đất nước hòa bình, chính quyền luôn vì dân, lo cho dân thì sao lại mâu thuẫn, xung đột nhau trong cuộc sống.

“Tấm lòng người dân Chơro của mình luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ và mãi khắc ghi điều cán bộ xã, huyện, tỉnh đã giúp đỡ người dân mình suốt thời gian qua nên không bao giờ sống hai lòng” - người có uy tín Nguyễn Văn Dũng bộc bạch.

Đồng bào dân tộc Chơro tại khu định canh, định cư ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) gia công hạt điều khi nông nhàn. Ảnh: Đ.Phú

Xã Tây Hòa có 5 thành phần dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống bao gồm: Hoa, Tày, Nùng, Chơro, Khmer với khoảng gần 1 ngàn hộ dân. Theo cán bộ phụ trách dân tộc - tôn giáo xã Tây Hòa Phan Thị Hồng Vân, đặc điểm chung của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là di cư đến xã Tây Hòa từ rất sớm, có bản sắc văn hóa, phong tục, tính truyền thống, đoàn kết cộng đồng rất cao. Nhờ vậy, đồng bào dân tộc Chơro hay Hoa, Nùng, Tày, Khmer dù ĐCĐC ở những khu vực khác nhau vẫn luôn xem như anh em một nhà, luôn tin Đảng, chính quyền và người có uy tín.

Người có uy tín Nguyễn Văn Dũng dẫn chúng tôi đi thăm đời sống của đồng bào Chơro nơi khu ĐCĐC tổ 17 với những ngôi nhà xây kiên cố, vườn rẫy xanh tốt. Thời gian gần đây, người dân trong khu ĐCĐC rất quan tâm đến việc học của con em. Hiện trong khu ĐCĐC có 4 em đạt trình độ cao đẳng, trên chục em có bằng trung cấp nghề và đang học THPT nội trú trường tỉnh. Người có uy tín Nguyễn Văn Dũng kỳ vọng vài năm tới, trong khu ĐCĐC sẽ có em học đại học.

Ông NGUYỄN A DỮNG (60 tuổi, dân tộc Hoa) cho biết, từ ngày ông về tổ 17, ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa làm rể, đồng bào dân tộc Chơro, Hoa đều luôn tôn trọng tập quán, văn hóa của nhau, coi như anh em một nhà.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/nguoi-choro-o-tay-hoa-van-mot-long-sat-son-73268cc/