Người chồng hơn 10 năm âm thầm tham gia BHXH tự nguyện cho vợ

Trong cuộc sống có muôn vàn cách thể hiện tình yêu thương với nửa kia của mình. Với ông Nguyễn Văn Thang, cách thể hiện tình yêu cũng rất đặc biệt, đó là âm thầm tham gia BHXH tự nguyện cho vợ, với mong muốn sau này khi hết tuổi lao động, vợ ông sẽ có lương hưu để cuộc sống an nhàn, thảnh thơi.

Đó là cách thể hiện tình yêu rất đặc biệt mà ông Nguyễn Văn Thang (thôn An Phú, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) dành cho vợ mình.

Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo, gia đình ông Thang quanh năm bám chặt vào chuyện đồng áng, chủ yếu sống nhờ vào mấy sào ruộng, đàn gà. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, ông Thang hiểu rất rõ ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện. Cũng vì thế, mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng ông luôn tính toán tiết kiệm để lo cho tương lai.

Ông Nguyễn Văn Thang lặng lẽ đăng ký và đóng BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng từ năm 2008 tới nay.

Một trong những cách làm để ông Thang lo cho mình và vợ khi về già để không phụ thuộc cong cháu là đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Không chỉ đăng ký và đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện cho mình, ông Thang còn lặng lẽ đăng ký và đóng tiền cho cả vợ. Việc tham gia BHXH tự nguyện được ông Thang lặng lẽ thực hiện suốt từ năm 2008 đến nay. Mới gần đây, khi cán bộ BHXH tới nhà thăm hỏi, vận động ông tham gia BHYT, vợ mới biết ông Thang đã lặng lẽ đăng ký và đóng tiến BHXH tự nguyện cho mình từ nhiều năm qua.

Khi được hỏi về cơ duyên đã giúp ông biết và đến với chính sách BHXH tự nguyện, ông Thang cho biết, năm 2008, ông được một người bạn tư vấn tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi được phổ biến và hiểu rõ, ông quyết định tham gia ngay. “Tôi tin vào chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước, giúp cho những người nông dân như chúng tôi cũng có thể được hưởng lương hưu, nhất là điều kiện tham gia rất đơn giản”, ông Thang nói.

Ông Thang luôn quan niệm “còn sống là còn lao động”, có người lao động trí óc, có người lao động chân tay… “Người dân chúng tôi quanh năm chân lấm tay bùn còn khỏe còn làm được, đến sau này khi già rồi sức lao động giảm sút, có quá nhiều thứ phải lo toan. Lúc ấy có đồng lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống, nghĩ cầm quyển sổ đi lĩnh lương hưu như các cán bộ làm nhà nước cũng oai lắm chứ”, ông Thang cười bảo.

Cũng theo lời ông Thang, bản thân ông không muốn như các cụ là “trẻ cậy cha, già cậy con”. Bởi vậy, khi hiểu rõ ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện, ông đã tâm niệm mỗi ngày cần để tiết kiệm một chút để tham gia cho cả hai vợ chồng, với mong muốn sau này cả hai có đồng ra đồng vào đảm bảo cuộc sống.

Tham gia dễ dàng

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng (30% với hộ nghèo, 20% với hộ cần nghèo, và 10% với nhóm còn lại tính theo chuẩn nghèo). Cách thức đóng là 3 tháng, 6 tháng, hoặc 12 tháng, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm (tối đa 5 năm); hoặc 1 lần cho những năm còn nhiều để nhận lương hưu (tối đa 10 năm).

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là 231.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ nghèo); 247.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ cận nghèo); 297.000 đồng/tháng (với đối tượng khác).

Hiện, người có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện có thể đăng ký tại các đại lý thu BHXH cấp xã, bưu điện, cơ quan BHXH gần nhắc, hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công BHXH việt Nam, ứng dụng trực tuyến của ngân hàng.

Với lợi thế giao dịch nhanh chóng, thuận tiện và có thể thực hiện ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào trên các thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh…) có kết nối mạng internet, tất cả người dân đều có thể đăng ký, đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện một cách dễ dàng.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 1,5 triệu người đang tham gia BHXH tự nguyện.

Phạm Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-chong-hon-10-nam-am-tham-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-cho-vo-post1590709.tpo