Người chế tạo tàu ngầm động viên người chế tạo trực thăng

(Quan điểm) – Người chế tạo tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa gửi lời động viên người chế tạo trực thăng tại Hà Nội và bày tỏ niềm hâm mộ những thiết kế của anh.

( Quan điểm ) – Người chế tạo tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa gửi lời động viên người chế tạo trực thăng tại Hà Nội và bày tỏ niềm hâm mộ những thiết kế của anh.

Chiều 15/1, anh Nguyễn Văn Thắng (thợ sửa xe máy, Gia Quất, Long Biên, Hà Nội) đã mang chiếc máy bay trực thăng do anh tự chế tạo tới một khu vực đất trống để thử nghiệm lần thứ ba. Kết quả hai lần thử nghiệm trước, chiếc trực thăng đã có thể nhấc khỏi mặt đất 50cm và lần này anh mong muốn chiếc trực thăng có thể bay cao hơn.

Tuy nhiên, trong lần thử nghiệm này, chiếc trực thăng đã gặp sự cố và lật nhào, khiến toàn bộ phần cánh quạt chính bị hỏng, càng máy bay bị vỡ bánh… Những hỏng hóc này để sửa chữa sẽ mất khoảng 10 triệu đồng theo ước tính của anh Nguyễn Văn Thắng.

Chia sẻ với báo Đất Việt chiêù16/1, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết qua thông tin mà báo chí đăng tải, ông đã biết sự việc anh Thắng chế tạo máy bay thử nghiệm thất bại. Nhận định về thất bại của anh Thắng, ông Hòa cho rằng chiếc máy bay có một sai sót ở thiết kế:

Chiếc trực thăng bị đổ nghiêng trong lần thử nghiệm thứ ba

“Cách đây vài năm, tôi đã từng nghiên cứu máy bay qua nhiều tài liệu của nước ngoài và có ý định chế tạo một chiếc. Tôi đã hoàn thiện phần cánh của máy bay nhưng sau đó bỏ dở dang. Với những kiến thức mà tôi có, và quan sát qua các clip ghi lại hôm thử nghiệm được đăng trên báo, tôi cho rằng phần trục máy bay đang có vấn đề khiến chiếc máy bay này mất cân bằng”.

Theo anh Thắng chia sẻ với phóng viên trước đó, nguyên nhân chính của thất bại thử nghiệm là do anh chưa biết cách lái chiếc máy bay này, do đó khi sự cố 1 trong 4 chiếc đinh cố định sợi cáp buộc vào càng máy bay (để giữ an toàn cho người xem) bị tung ra, anh Thắng đã không xử lý được và bị lộn nhào.

Về lý do thử nghiệm thất bại này, người chế tạo tàu ngầm Trường Sa không đồng quan điểm, ông cho rằng đã là bản thiết kế của mình, chiếc máy bay của mình thì mình phải nắm rõ được cách vận hành nó như thế nào. Lý do ông Hòa bỏ dở máy bay vì đã có người Việt Nam chế tạo trước đó, và chiếc máy bay tự chế sẽ không có nhiều ứng dụng bằng tàu ngầm.

Anh Nguyễn Văn Thắng và ông Nguyễn Quốc Hòa

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hòa muốn nhờ báo Đất Việt gửi tới anh Nguyễn Văn Thắng một lời tâm huyết, ông Hòa cho rằng trong khoa học, sáng tạo thì việc thử nghiệm thất bại là hoàn toàn bình thường.

“Thất bại đôi khi là một bước đi thành công, điều quan trọng là sau khi thất bại mình học tập được điều gì, rút ra được kinh nghiệm gì để sáng tạo, công trình của mình hoàn thiện hơn. Đừng vì một hai lời nói, một vài thất bại mà nản chí. Nhìn chiếc máy bay của anh, tôi biết anh đã rất gần với thành công, chúc anh chiến thắng”.

Ông Hòa cũng bày tỏ sự hâm mộ những chiếc xe moto tự chế của anh Nguyễn Văn Thắng, ông cho rằng nó rất “phong cách”, “thẩm mỹ” và là thứ mà ông Hòa không thể làm được. "Người thợ này thực sự rất tinh hoa" - ông Hòa chia sẻ.

Đồng thời ông Hòa cũng bày tỏ nếu có dịp mời anh Nguyễn Văn Thắng về chơi và thăm tàu ngầm Trường Sa, ông Hòa cũng có những tài liệu về máy bay trực thăng và sẽ tặng anh Thắng.

Clip độc: Trực thăng 'Made in Vietnam' thử nghiệm thất bại

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/nguoi-che-tao-tau-ngam-dong-vien-nguoi-che-tao-truc-thang-2364709/