Người chăn nuôi chờ 'giải cứu'

Từ năm 2019-2022, dịch tả heo châu Phi quét qua địa bàn huyện Bù Gia Mập khiến các hộ chăn nuôi phải tiêu hủy hàng ngàn con heo. Dịch bệnh khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh 'tiến thoái lưỡng nan'. Vừa khó khăn về vốn để tái đàn vừa phải đối diện nguy cơ dịch bệnh quay lại. Sau hơn 1 năm xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy heo để phục hồi, phát triển kinh tế, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

TRẮNG TAY VÌ CHĂN NUÔI

Năm 2019, ông Lê Thế Dũng ở thôn 6, xã Đa Kia đầu tư nuôi hơn 100 con heo và nhiều gia súc, gia cầm khác. Thời điểm đó, đàn heo có biểu hiện bỏ ăn và chết dần. Ông Dũng đã báo chính quyền địa phương, cán bộ thú y đến lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi. Chỉ trong vài ngày, ông Dũng phải tiêu hủy toàn bộ đàn heo.

Vì thiếu vốn tái đàn, ông Lê Xuân Chung phải bỏ nhiều chuồng trống

Năm 2022, ông Dũng gom vốn tiếp tục đầu tư nuôi heo, với hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong đó, đàn heo gồm 8 con nái, 30 con heo thịt từ 25-30kg/con. Vừa tái đàn chưa được bao lâu thì đàn heo bị bệnh dịch tả châu Phi. Sau hai lần dịch bệnh, ông Dũng cụt vốn, không còn khả năng tái đàn. Và sau 12 năm chăn nuôi thua lỗ, ông đành phải bán đất trả nợ ngân hàng. Hiện trong chuồng chỉ còn 3 con heo và 20 con gà. Hơn 1 năm xảy ra dịch bệnh, ông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Thậm chí thời gian được nhận là khi nào, ông cũng chưa có câu trả lời từ phía cơ quan chức năng. Ông Dũng cho biết: “Sau dịch bệnh, tôi muốn mở rộng chăn nuôi nhưng không còn vốn. Giờ chỉ nuôi vài con heo, con gà và buôn bán hàng ăn để sống qua ngày. Tôi mong nhận tiền hỗ trợ do dịch tả heo châu Phi để tái đàn”.

Ông Lê Xuân Chung ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa tái đàn heo “nhỏ giọt” sau dịch tả heo châu Phi

Không chỉ những hộ chăn nuôi nhỏ như ông Dũng, hộ chăn nuôi lớn như ông Lê Xuân Chung ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa cũng “sốt ruột” vì đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ do dịch tả heo châu Phi. Đầu năm 2022, gia đình ông Chung tiêu hủy 42 con heo vì dịch bệnh, thiệt hại kinh tế lên đến hàng chục triệu đồng. Sau dịch bệnh, ông Chung phải xoay xở trả nợ ngân hàng và bỏ chuồng 9 tháng. Sau đó, ông gom góp số vốn dành dụm để tái đàn. Hiện chuồng nuôi chỉ có 5 con heo nái, 3 con heo thịt và 11 heo con. Để mở rộng chăn nuôi, ông Chung cần khoảng 100 triệu đồng mua con giống. Tuy nhiên đến nay, gia đình vẫn chưa đủ vốn và đang chờ nhận tiền hỗ trợ tiêu hủy heo.

Ông Chung cho biết: “Gia đình tôi không có vườn rẫy, chủ yếu nhờ vào chăn nuôi heo. Sau dịch bệnh, tôi phải bỏ trống chuồng nuôi một thời gian nên tái đàn hơi chậm, giờ chỉ nuôi 5 con heo mẹ và 2 bầy heo con. Tôi muốn sửa chữa, xây dựng lại chuồng trại để mở rộng chăn nuôi nhưng không đủ vốn”.

CHỜ HƯỚNG DẪN HỖ TRỢ

Tổng đàn heo trên địa bàn huyện Bù Gia Mập hơn 42.000 con. Đa số người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Khi xảy ra dịch bệnh đã tác động sâu sắc đến đời sống người chăn nuôi. Từ năm 2019-2022, toàn huyện đã tiêu hủy gần 3.000 con do dịch tả heo châu Phi, với tổng trọng lượng gần 160.000kg. Chỉ tính riêng năm 2022, xã Đa Kia xảy ra 3 ổ dịch tả heo châu Phi, với tổng đàn gần 50 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 2 tấn. Riêng xã Phú Nghĩa có 7 ổ dịch, tiêu hủy gần 100 con. Chi phí xây dựng chuồng trại, mua con giống lên đến cả trăm triệu đồng, chưa kịp lấy lại vốn thì phải tiêu hủy đàn heo nên nhiều hộ bị phá sản vì chăn nuôi. Khi dịch bệnh xảy ra, các hộ dân báo với chính quyền địa phương thống kê, giúp tiêu hủy heo bệnh, phun thuốc khử trùng. Sau dịch bệnh, hầu hết các hộ “treo chuồng” không tái đàn vì gặp khó khăn về vốn. Bên cạnh đó, khoảng 3 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh, một bao cám 25kg tăng hơn 100 ngàn đồng, trong khi giá heo hơi giảm mạnh nên người nuôi không có lời.

Nhiều hộ chăn nuôi “treo chuồng” không tái đàn sau dịch tả heo châu Phi

Ông Trần Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: “Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh nên không thể tái đàn. Người dân đã nhiều lần liên hệ xã để hỏi về tiền hỗ trợ tiêu hủy heo. Xã cũng trả lời là đang chờ tỉnh hướng dẫn về mức hỗ trợ”.

Huyện đã chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch bệnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, để ban hành chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh cần phải chờ văn bản hướng dẫn của Trung ương thì mới thực hiện được. Khi nào Trung ương, tỉnh có văn bản hướng dẫn thì huyện sẽ chi tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập NGUYỄN XUÂN HOAN

Trong những năm trước, huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ dân có heo bị tiêu hủy hơn 2.300 con, mức hỗ trợ đối với heo con, heo thịt các loại là 30.000 đồng/kg, đối với heo nái, heo đực là 35.000 đồng/kg. Đây là mức hỗ trợ rất có giá trị đối với người chăn nuôi, khi bằng khoảng 2/3 giá heo hơi thị trường lúc đó. Riêng gần 700 con heo tiêu hủy năm 2022 của các hộ nuôi đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi rất mong sớm nhận tiền hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, có vốn tái đàn, phát triển kinh tế.

Sự chậm trễ trong chính sách hỗ trợ không chỉ ảnh hưởng việc tái đàn của người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi đó, nhiều hộ dân sẽ giấu dịch, hay bán tháo để vớt vát thiệt hại cho gia đình, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn thực phẩm và khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan hơn.

Thùy Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/146640/nguoi-chan-nuoi-cho-giai-cuu