Người buôn đào, quất chật vật thanh lý cây cảnh sau Tết

Dù đã hết Tết, các tuyến đường tại TP.Vinh vẫn xuất hiện những điểm còn số lượng đào, quất chưa được thu dọn. Chưa năm nào, việc kinh doanh cây cảnh Tết lại khiến nhiều tiểu thương lao đao như thế...

Clip: Q.A

Loay hoay thanh lý đào, quất

Mặc dù người dân thường mua cây cảnh chưng Tết trước thời khắc giao thừa, song đến nay, đã ngày mùng 8 Tết vẫn còn các điểm bán đào, quất Tết chưa được thanh lý hết, vẫn nằm trên vỉa hè.

Có điểm người bán đã bỏ hẳn thành củi, nhưng vẫn có điểm tiểu thương cố bám trụ “được cây nào, hay cây ấy” dù chẳng còn mấy người quan tâm.

Ngồi thẫn thờ bên hàng chục gốc quất tại Đại lộ Lê Nin sáng mồng 7 Tết, chị Hà, quê tại tỉnh Hưng Yên vẫn nuôi hy vọng sẽ có người hỏi mua, giá bao nhiêu cũng bán. Chị Hà chia sẻ: “Thời điểm này nếu khách mua thì không phải để chưng Tết mà có thể làm cây cảnh trồng trong vườn nhà thôi, vì cây nếu chăm sóc tốt vẫn có thể tươi xanh đến Tết các năm tiếp theo. Năm nay tôi đưa về Vinh 1.000 gốc quất, nhưng chỉ bán được 400 gốc, còn 600 gốc vừa bán vừa cho, năm nay lỗ nặng rồi…”.

Chị Hà (quê tại tỉnh Hưng Yên) vẫn tiếp tục bám trụ với nhiều gốc quất chưa thể xử lý sau Tết, đang được bày bán ở đại lộ Lê Nin. Ảnh: Q.A

Được biết, mỗi cây quất thời điểm trước Tết được rao bán từ 300.000 – 1 triệu đồng, tuy nhiên, giờ đây chỉ bán với giá trên dưới 100.000 đồng. Theo lý giải của chị Hà thì bán để thu hồi vốn, vừa mong cho thanh lý hết để đỡ mất phí thuê xe vận chuyển cây trở lại Hưng Yên.

Quất rụng đầy sau khoảng thời gian dài nằm chờ khách. Ảnh: Quang An

Cách đó không xa, anh Doãn Phong, một tiểu thương kinh doanh cây cảnh Tết lâu năm tại TP.Vinh cũng đang “đau đầu” với việc xử lý hàng chục cây bưởi Diễn ế ẩm trong dịp Tết vừa qua. Những cây này có kích thước lớn, giá cao, giờ không bán được cũng không biết đưa về đâu, sau Tết vẫn phải canh chừng sợ bị kẻ xấu phá cây, năm nay đối với anh Phong coi như “không có Tết”.

“Tôi bỏ khoảng 6 tỷ đồng nhập cây cảnh về bán tại 2 điểm ở Vinh và Hà Tĩnh, chủ yếu là bưởi Diễn và đào, quất Tết. Tuy nhiên, năm nay là năm thua lỗ nặng nhất, cả 2 điểm đều bán được khoảng 50% số cây trước Tết thôi, còn lại phải xả thanh lý, mong có người mua vì những cây này không thể đổ bỏ thành củi như vài cành đào được. Sau 3 ngày Tết, ngày nào tôi cũng ở đây hy vọng sẽ có khách ghé hỏi mua, giá giờ rẻ lắm rồi…” anh Phong ngậm ngùi.

Anh Phong loay hoay không biết xử lý thế nào đối với những cây còn tồn đọng sau Tết. Ảnh: Q.A

Được biết, đối với những cây bưởi Diễn loại to, trước Tết bán với giá từ 40 - 50 triệu đồng, nay chỉ xấp xỉ 10 triệu đồng. Đối với những cây loại nhỏ trước đây bán với giá từ 10 – 15 triệu đồng, nay chỉ từ 2 – 5 triệu đồng, nhưng người hỏi mua rất ít.

“Hôm qua, có khách tại Quỳnh Lưu hỏi mua cả vườn 40 cây loại nhỏ với giá 120 triệu đồng. Chắc tôi cũng sẽ thương lượng để giải quyết cho xong số cây này, trả lại mặt bằng thôi chứ không trụ được nữa…” anh Phong nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của các tiểu thương bán cây cảnh Tết thì đối với những cây ế ẩm hiện có 3 cách xử lý chính. Phương án được nhiều người áp dụng nhất là bán với giá cực rẻ, vừa bán vừa cho. Cách thứ hai là mang về hoàn lại cho các đầu mối cây cảnh ở ngoài Bắc với giá chỉ bằng 1/2 thời điểm các tiểu thương nhập về. Cách cuối cùng là thuê các nhà vườn tại TP.Vinh như Nghi Ân, Nghi Liên… chăm sóc để Tết năm sau cây sinh trưởng tốt sẽ mang ra bán lại…

Những cây bưởi Diễn to trước đây chào giá 40 - 50 triệu đồng nay chỉ thanh lý trên dưới 10 triệu đồng. Ảnh: Q.A

Hiện nay, tại các điểm bán cây cảnh này, do đã chưng quá lâu (hơn 1 tháng) nên nhiều cây đã rụng trụi quả, lá, hư thối, ảnh hưởng đến môi trường cũng như mỹ quan đô thị. Ông Ngô Xuân Nam – Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập (TP Vinh) cho biết: Thực tế năm nay, việc kinh doanh cây cảnh của các tiểu thương gặp nhiều khó khăn. Dù đã quá thời hạn phải thu dọn điểm bán hoàn trả mặt bằng cho khách nhưng một số tiểu thương vẫn bám trụ để vớt đồng vốn. Địa phương cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở sớm có giải pháp xử lý số cây cảnh còn lại. Đồng thời phối hợp với công ty môi trường tiến hành dọn dẹp mặt bằng theo quy định của thành phố.

Vì sao cây cảnh Tết ế kỷ lục?

Theo đánh giá của các tiểu thương thì chưa năm nào, việc kinh doanh cây cảnh Tết lại thê thảm như năm nay. Nhà nào may mắn thì lãi ít hoặc hòa vốn, nhưng đa phần đều phải thanh lý hàng, xả hàng để cứu vốn trước thời khắc Giao thừa, số lượng cây cảnh thành “củi” chất đống trên các tuyến đường, vỉa hè là minh chứng cho việc thị trường cây cảnh Tết đã trải qua một năm ảm đạm chưa từng có.

Có nhiều nguyên nhân khiến cây cảnh Tết ế ẩm. Đầu tiên phải kể đến việc năm 2023 là năm kinh tế suy thoái, thu nhập của người dân giảm sút, nhiều người thất nghiệp. Những dòng cây cao cấp hầu như không bán được vì người dân mua những mặt hàng thiết thực hơn, chi tiêu cho gia đình ngày Tết.

Thứ 2 là số lượng cây cảnh nhập về trong dịp Tết vừa qua quá lớn, dù thành phố Vinh chỉ cho phép kinh doanh cây cảnh Tết tại 8 điểm, tuy nhiên thực tế, tại bất cứ vỉa hè, bãi đất trống trên địa bàn đều có số lượng cây cảnh ngập tràn dẫn đến nguồn cung vượt quá nhu cầu thực tế.

Hàng chục gốc đào ế ẩm tiểu thương phải che chắn lại chờ thanh lý trên đường 72 mét. Ảnh Q.A

Bên cạnh đó, năm nay là năm nhuần, theo đánh giá thì chất lượng cây cảnh Tết không đẹp như các năm trước, đặc biệt đối với đào, mai Tết lại đều nở sớm trước khoảng nửa tháng. Cũng vì lý do đó mà người dân kén chọn hơn.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh, đào "nội địa" cung ứng cho thị trường rất lớn, có thể kể đến các vườn đào nổi tiếng như Minh Thành (Yên Thành), Nam Xuân, Nam Anh (Nam Đàn), Nghi Ân, Nghi Liên (TP.Vinh)… Ưu điểm của các vườn đào này là do không tốn kinh phí thuê mặt bằng nên giá rẻ, hợp với túi tiền người dân. Trong khi đó, đa số đào ế ẩm là những loại được nhập về với giá thành đắt đỏ.

Quang An

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-buon-dao-quat-chat-vat-thanh-ly-cay-canh-sau-tet-post284988.html