Người bị men gan cao có nên tiêm vaccine COVID-19?

Người mắc bệnh gan, người có men gan cao có đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19? Tiêm vaccine COVID-19 có ảnh hưởng gì tới việc điều trị bệnh gan hay không?

Người đang mắc các bệnh về gan nên mang theo sổ khám bệnh của bác sĩ khi đi tiêm chủng COVID-19. Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều người mắc bệnh gan như viêm gan virus B, C và các bệnh gan do căn nguyên khác đang có những băn khoăn lo lắng về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 như: Tình trạng bệnh như thế nào là đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19? Như thế nào là nên trì hoãn tiêm? Tiêm vaccine COVID-19 có ảnh hưởng gì tới việc đang điều trị hay không?

Men gan là tên gọi chỉ các enzyme có trong tế bào gan, có tác dụng thực hiện hoạt động tổng hợp và chuyển hóa các chất. Các loại enzyme này gồm có SGOT(AST), SGPT(ALT), GGT, LDH và một số thông số khác. Khi có tổn thương gan, các men này tràn vào máu, làm tăng nồng độ men gan trong máu, báo hiệu gan đang bị tổn thương.

Men gan bình thường là men gan có các chỉ số xét nghiệm AST ở trong mức 20 - 40 UI/L; chỉ số ALT 20 - 40 UI/L; GGT: 20 - 40UI/L; Phosphatase kiềm: 30 - 110 UI/L.

Khi gan bị tổn thương, các chỉ số này sẽ cao hơn ngưỡng tối đa. Thông thường men gan tăng từ 1-2 lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên 2 -5 lần là ở mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là ở mức độ nặng.

Theo các chuyên gia, người có men gan tăng nhưng dưới 5 lần so với mức bình thường (ALT, AST < 200 UI/L) vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19 nhưng cần thận trọng khi tiêm.

Với những trường hợp bị viêm gan cấp (AST> 200 UI/L) cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19. Những trường hợp đợt cấp của viêm gan mạn tính (AST > 80 UI/L) cần cân nhắc tùy trường hợp cụ thể.

Người đang mắc các bệnh về gan cần nắm rõ tình trạng bệnh của mình, phương pháp điều trị hiện tại và có thể trao đổi với bác sĩ điều trị về thông tin tình trạng bệnh, khả năng tiêm vaccine COVID-19 trước khi đi tiêm chủng.

Khi đến điểm tiêm phòng, người dân cần khai báo chi tiết tình trạng bệnh nền, tốt nhất là mang theo sổ khám bệnh của bác sĩ khi đi tiêm chủng.

Theo TS. BS Cao Thị Thanh Thủy (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), điều lưu ý quan trọng nữa đối với người bệnh đang điều trị viêm gan B,C trong hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát này là ngoài việc tiêm chủng vaccine thì người bệnh cần phải tiếp tục uống thuốc đầy đủ. Không được ngừng thuốc trước và sau tiêm, vì việc tiêm chủng vaccine COVID-19 không ảnh hưởng đến việc điều trị hay chưa điều trị.

Nếu ngừng thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị (bùng phát viêm gan, kháng thuốc, biến chứng xơ gan, ung thư gan). Nếu trong khu vực phong tỏa không đến khám được tại cơ sở y tế đang theo dõi điều trị hãy mang theo đơn thuốc đến hiệu thuốc để mua thuốc hoặc gọi điện để bác sĩ điều trị tư vấn.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-bi-men-gan-cao-co-nen-tiem-vaccine-covid-19-post154089.html