Người bị hại hãy lên tiếng

(ĐTCK-online) Chưa có một tổ chức, cá nhân nào đứng ra kiếu nại đến UBCK hoặc cơ quan cảnh sát điều tra về thiệt hại do sự biến động giá quá bất thường của cổ phiếu AAA trong thời gian qua gây nên.

Trong số 6 CTCK nghi vấn là những bị hại lớn nhất của vụ này (đã cung cấp đòn bẩy tài chính để mua AAA ở giá trên 90.000 đồng), nhiều vị rất bức xúc khi trở thành nạn nhân của một "cú lừa" ngoạn mục, nhưng lại từ chối lên tiếng khiếu nại về những đối tượng gây ra sự rối loạn giá nói trên. Ở đầu CTCK, có thể có nhiều lý do để họ e ngại. Có thể một số CTCK lúc đầu đã đồng lõa với đội làm giá, nhưng sau đó đã bất ngờ bị mắc bẫy, nên nay dù "ngậm quả đắng", không dám kêu đến cơ quan điều tra. Thứ hai, tại CTCK hiện nay có nhiều hoạt động vượt khỏi khung khổ pháp lý (cho NĐT làm margin, quyền chọn, nộp tiền chậm, bán khống…), nên có thể họ buộc phải chịu đựng một nỗi đau nhỏ, để không đánh động cơ quan điều tra về những cái "ung" lớn. Ở đầu NĐT cá nhân, những người tham gia mua AAA khi giá chuyển động từ 47.100 đồng/CP lên 91.600 đồng/CP (từ 19/8 đến 16/9, cũng khoảng thời gian này, CTCP Đầu tư Tam Sơn bán xong 3 triệu CP - HNX), chắc chắn không thuộc trường phái đầu tư giá trị, bởi AAA không phải là loại blue-chip, không đáng được định giá trên 5 lần mệnh giá. Người mua AAA ít nhiều đã chịu sự tác động từ đội làm giá đánh cổ phiếu này lên. Khi sự việc AAA được phơi bày như một nghi vấn về sự làm giá lộ liễu, rất nhiều ý kiến bằng email và điện thoại đòi hỏi cơ quan quản lý, cơ quan điều tra phải vào cuộc, làm rõ trắng đen, để lấy lại niềm tin thị trường. Sự ức chế của nhiều người là có thật, sự thiệt hại của một nhóm người cũng là có thật, nhưng đo lường sự thiệt hại như thế nào và người bị hại đang ở đâu lại đang là một ẩn số. Trước vụ AAA, vụ cổ đông lớn của VTV chào mua công khai (gây ảnh hưởng làm tăng giá CP), nhưng sau đó lại bán sạch cổ phiếu VTV đang nắm giữ, thu lời nhiều tỷ đồng, gây bức xúc lớn trong dư luận, nhưng cuối cùng, đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, mức phạt chưa đến 200 triệu đồng. Lý do là, không một ai đứng ra nhận là người bị hại của vụ trục lợi trên cổ phiếu VTV và khi không tìm được người bị hại, cơ quan điều tra đã không có đủ căn cứ để khép đối tượng vi phạm vào tội hình sự. Trở lại với vụ AAA. Trên nhiều diễn đàn cũng như trong những cuộc trao đổi không chính thức, người ta nói rất rõ về một đường dây làm giá, được đạo diễn bởi một tay đầu cơ "đắc đạo". Nhưng dư luận chỉ là dư luận. Dư luận không đủ sức kết tội bất kỳ ai. Với thực trạng giám sát thị trường như hiện nay; với sự thiếu hụt chức năng điều tra của UBCK và nhiều lý do khác, vụ AAA có thể sẽ giống như nhiều vụ làm giá lộ liễu khác, sẽ trôi qua nhanh chóng, nếu không có một tổ chức, cá nhân nào đứng ra khiếu nại đến cơ quan cảnh sát điều tra về sự thiệt hại mà mình phải chịu từ vụ việc này. Để TTCK hoạt động minh bạch, công bằng, những sai phạm trên TTCK phải được xử lý tận gốc, bằng các biện pháp mạnh. Một trong những căn cứ đồng thời cũng là áp lực buộc cơ quan điều tra vào cuộc là tiếng nói của người bị hại. TTCK Việt Nam được tổ chức theo cách khớp lệnh đa phương, giá CP lại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nên nếu người bị hại không trực tiếp lên tiếng, thì cơ quan chức năng thật khó tìm ra người bị hại ở đâu. Lên tiếng tố cáo hành vi lũng đoạn thông tin, làm giá CP, đó là quyền lợi của mỗi thành viên và là trách nhiệm của các hiệp hội đang hoạt động trên TTCK. Người bị hại hãy lên tiếng. Đó là một lời đề nghị từ cơ quan quản lý TTCK, cơ quan cảnh sát điều tra đến các thành viên thị trường, trong bối cảnh tin đồn và nghi vấn làm giá ngày càng dày đặc. Nếu ứng xử với tình trạng thao túng giá cứ theo kiểu "hòa cả làng" như hiện nay, thì TTCK sẽ không thể tránh khỏi việc niềm tin cứ mất dần, mất dần…

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFGDFB/nguoi-bi-hai-hay-len-tieng.html