Người bệnh tăng huyết áp có cần thay đổi thuốc thường xuyên không?

Người bệnh tăng huyết áp cần dùng thuốc dài hạn để kiểm soát huyết áp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Do lo ngại việc dùng thuốc lâu dài sẽ gây nhờn thuốc nên một số bệnh nhân thường thay đổi thuốc thường xuyên, tuy nhiên việc làm này có thể gây nguy hiểm.

1. Vì sao người bệnh tăng huyết áp không nên tự ý thay đổi thuốc?

Tăng huyết áp đề cập đến sự gia tăng huyết áp động mạch hệ thống (huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương) là đặc điểm chính (huyết áp tâm thu ≥140 mmHg, huyết áp tâm trương ≥90 mmHg), có thể đi kèm với rối loạn chức năng của tim, não, thận và các cơ quan khác.

Khi đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần phải dùng thuốc dài hạn để kiểm soát bệnh và giảm tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Trong một số trường hợp huyết áp tương đối cao, tác dụng của việc chỉ dùng một loại thuốc hạ huyết áp đối với bệnh nhân không rõ ràng, bác sĩ có thể kết hợp hai loại thuốc để nâng cao tác dụng hạ huyết áp.

Nếu tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thuốc hạ huyết áp sẽ không gây kháng thuốc hay phụ thuộc. Nếu bệnh nhân tăng huyết áp dùng một hoặc phối hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp thì sau khi uống sẽ có tác dụng tốt hơn, huyết áp sẽ ổn định, mục tiêu kiểm soát sẽ tốt hơn.

Nhưng nhiều bệnh nhân không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc mà tự quyết định và chuyển đổi thuốc, khiến huyết áp dao động rất lớn và không thể kiểm soát hiệu quả trong thời gian dài.

Có người vì muốn hạ huyết áp, muốn có kết quả ngay nên uống thuốc không thấy hiệu quả sau ít ngày đã tự ý thay đổi thuốc khác. Có người lại sợ dùng thuốc có phản ứng phụ, sợ tác dụng phụ, sợ kháng thuốc, nhờn thuốc…

Trên thực tế, việc điều trị bằng thuốc nào cũng có quá trình, một số loại thuốc hạ huyết áp như thuốc ức chế men chuyển angiotensin có tác dụng tương đối nhẹ, thường mất 1-2 tuần kể từ khi dùng thuốc để đạt được mức kiểm soát huyết áp lý tưởng và ổn định.

Nếu bệnh nhân thường xuyên thay đổi thuốc có thể gây biến động huyết áp và gây tổn thương các cơ quan đích. Ngoài ra, nếu huyết áp tăng hoặc dao động trong khi dùng thuốc, có thể do nhiều yếu tố trong cuộc sống gây ra, như cảm lạnh, mất ngủ, đau khớp và dùng một số loại thuốc khác, có thể khiến huyết áp tăng.

Vì vậy, trước hết cần làm rõ huyết áp tăng và dao động có phải là do tình trạng tăng huyết áp thay đổi hay không, nếu tình trạng không thay đổi thì không nên đổi thuốc. Nếu cần phải đổi thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và chẩn đoán của bác sĩ.

Khi đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần phải dùng thuốc dài hạn để kiểm soát bệnh.

2. Những sai lầm khác người bệnh tăng huyết áp cần tránh khi uống thuốc

Ngoài ra, một số bệnh nhân dễ mắc phải những sai lầm khác nhau trong quá trình dùng thuốc, bao gồm:

- Ngừng dùng thuốc đột ngột: Ngừng thuốc ngay khi huyết áp giảm và hy vọng hạ huyết áp thông qua các biện pháp khác như sử dụng sản phẩm thảo dược hay các chất bổ sung khác... Những việc này thực sự không giúp ổn định tình trạng tăng huyết áp.

Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp cần dùng thuốc suốt đời phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ và không được tự ý dừng thuốc.

- Không dùng thuốc nếu không có triệu chứng: Mặc dù một số bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp nhưng họ cảm thấy không có triệu chứng gì đặc biệt khó chịu, nên không uống thuốc.

Trên thực tế, nhu cầu điều trị bằng thuốc không được quyết định bởi việc có hay không có triệu chứng, nếu tăng huyết áp không được điều trị kịp thời và huyết áp duy trì ở mức cao trong thời gian dài sẽ gây tổn thương các cơ quan đích như tim, não, thận và các mạch máu toàn thân cũng như chức năng của võng mạc bị suy giảm, thậm chí dẫn đến các biến chứng nguy cơ cao như bệnh mạch vành và đột quỵ.

- Dùng thuốc mà người khác đang dùng và thay đổi thuốc hoặc tăng giảm liều lượng theo ý muốn: Bệnh nhân bị tăng huyết áp phải trao đổi với bác sĩ về loại thuốc hạ huyết áp nên dùng, liều lượng nên dùng cũng như hiệu quả và tác dụng phụ sau khi dùng thuốc để bác sĩ có thể lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa.

Bản thân huyết áp cao không đáng sợ nhưng nếu huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần xây dựng thói quen sinh hoạt tốt và ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp từ tận gốc, những bệnh nhân đã bị tăng huyết áp bên cạnh việc điều trị bằng thuốc nên chú ý hơn đến việc cải thiện lối sống, bao gồm:

- Tăng huyết áp có yếu tố di truyền, nếu bố mẹ bị tăng huyết áp thì con bạn nên đi kiểm tra huyết áp sớm để phát hiện sớm và điều trị sớm.

- Giữ cảm xúc ổn định và chú ý giảm bớt áp lực tinh thần do công việc và cuộc sống gây ra.

- Tập thể dục vừa phải, kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc và uống rượu.

- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm soát lượng muối ăn vào. Ăn nhiều trái cây, rau quả và ít thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường và nhiều muối.

DS. Đoàn Thị Phương Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-tang-huyet-ap-co-can-thay-doi-thuoc-thuong-xuyen-khong-169240125163347197.htm