Người Anh 'rùng rợn' vì rau quả siêu thị là sản phẩm bóc lột nô lệ

Nạn buôn bán, bóc lột nô lệ hiện đại lan rộng đến mức khi mua hàng siêu thị, người Anh vô tình đang trả tiền cho tội phạm buôn người đã lừa gạt nạn nhân tới Anh làm việc như nô lệ.

Những kẻ buôn người nói trên mới bị kết án tù cách đây hơn một tuần và nằm trong đường dây buôn người lớn nhất châu Âu.

Những người dễ bị tổn thương, như người vô gia cư, cựu tù nhân hay người nghiện rượu, bị lừa để đưa từ Ba Lan sang Anh bằng lời hứa hẹn công việc lương cao, theo Sunday Times. Khi tới nơi, họ bị cưỡng ép lao động, và nhốt trong những căn phòng chật chội, dơ bẩn. Những kẻ buôn người đánh cắp tài khoản ngân hàng và cướp tiền lương của họ, tổng cộng lên tới 2,5 triệu USD.

Vấn đề là sản phẩm từ những đường dây buôn người lại được cung cấp cho những siêu thị lớn ở Anh như Waitrose, Marks & Spencer, Sainsbury’s, Tesco hay Asda. Khách mua hàng không hề hay biết về sự cực khổ của những người bị buôn bán sang Anh và đối xử như nô lệ hiện đại.

Các nạn nhân của đường dây buôn người này sống trong điều kiện tồi tàn, chật chội, trong khi những tên buôn người cướp 2,5 triệu USD lương của họ. Ảnh: Cảnh sát West Midlands.

Các nạn nhân của đường dây buôn người này sống trong điều kiện tồi tàn, chật chội, trong khi những tên buôn người cướp 2,5 triệu USD lương của họ. Ảnh: Cảnh sát West Midlands.

Câu chuyện của Dariusz

Dariusz là một trong số các nạn nhân. Công việc của người đàn ông 42 tuổi là vác những thùng hành lá nặng 20 kg từ xe tải đặt vào các khay gỗ. Hành lá sau đó sẽ được đưa vào kho rồi đóng gói nhãn hiệu các siêu thị.

Ông không có tiền, cũng không có nhà khi còn ở Bydgoszcz, thành phố phía bắc Ba Lan. “Tôi tưởng đây là cơ hội tốt để ra nước ngoài và kiếm tiền. Tôi tưởng đây là sự khởi đầu mới. Nhưng thật tệ... Cuộc sống của tôi bị những kẻ đó kiểm soát toàn bộ”, Dariusz nói với Sunday Times.

“Khi làm việc trên cánh đồng, tôi phải thức dậy lúc 5h sáng, và lên xe chở tới chỗ làm lúc 7h sáng. Công việc vất vả. Chúng tôi được hứa trả lương tối thiểu, nhưng tôi không nhận được một xu”, ông nói.

Ông chính là một nô lệ hiện đại đã rơi vào tay của mạng lưới buôn người lớn nhất ở Anh. Những kẻ buôn người đã trắng trợn dọa giết và chôn xác ông xuống ngôi mộ trong rừng nếu ông cố chạy thoát. Dariusz sống trong căn nhà hai phòng ngủ với tám người khác và phải ăn đồ hết hạn từ tiệm gần đó. Băng đảng kiểm soát mọi hoạt động của ông.

Chúng hoạt động từ Ba Lan đến Anh, bóc lột tới 400 nô lệ tuổi từ 17 đến lục tuần, buộc họ làm việc trong chuỗi cung ứng của các siêu thị lớn ở Anh và sống cuộc sống khổ sở, nghèo đói, theo cảnh sát. Nếu không làm việc, họ sẽ bị người của băng đảng đánh đập, và dọa hành hung gia đình ở Ba Lan. Có kẻ trong băng đảng luôn cầm theo mã tấu.

Ảnh nhìn từ đằng sau một phụ nữ Litva là nạn nhân của buôn người và bị ép làm gái mại dâm ở Anh năm 2014. Ảnh: Guardian.

Ảnh nhìn từ đằng sau một phụ nữ Litva là nạn nhân của buôn người và bị ép làm gái mại dâm ở Anh năm 2014. Ảnh: Guardian.

Theo cảnh sát, một số nạn nhân làm việc tại Sandfields Farms, thuộc G’s, công ty cung cấp hành, cần tây, nấm và củ cải trắng cho các siêu thị. Ít nhất 25 nạn nhân khác bị ép làm công việc chế tạo hàng rào, được đưa vào bán ở các siêu thị như Homebase, Argos, Travis Perkins và Wickes. Các nơi khác có nạn bóc lột nô lệ bao gồm các công ty xử lý rác lớn, các công ty xây dựng - hậu cần, một nông trại gà tây, và một nông trại cung cấp trứng.

Các siêu thị đều nói không biết có nạn lao động cưỡng ép từ phía các nhà cung cấp.

Luật Chống Nô lệ Hiện đại năm 2015 ở Anh buộc các công ty lớn phải công khai các nỗ lực chống nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng của mình. Nhưng các nhà hoạt động cho rằng yêu cầu này không có mấy tác dụng.

“Tôi chắc chắn khách hàng mua đồ tại các siêu thị này sẽ cảm thấy rùng rợn khi biết rằng họ nằm trong hệ thống bóc lột những người dễ tổn thương, kể cả trẻ em. Tôi hy vọng họ sẽ dùng sức mạnh của mình để lựa chọn những công ty chủ động đối phó với nô lệ hiện đại”, Frank Field, nghị sĩ trong Quốc hội Anh gần đây đã thực hiện một cuộc đánh giá độc lập về đạo luật trên, nói với Sunday Times.

Báo cáo của Quốc hội Anh năm 2018 cho thấy nạn buôn bán phụ nữ sang Anh và ép buộc bán dâm đã phổ biến ở Anh và xứ Wales. Ảnh: Getty Images.

Báo cáo của Quốc hội Anh năm 2018 cho thấy nạn buôn bán phụ nữ sang Anh và ép buộc bán dâm đã phổ biến ở Anh và xứ Wales. Ảnh: Getty Images.

Nửa USD một giờ làm việc

Các phiên xét xử băng đảng buôn người ở thành phố Birmingham là các phiên tòa kín, vì vậy chỉ đến bây giờ, các thủ đoạn của chúng mới được hé lộ.

Chúng lừa gạt và đưa những người dễ tin vào lời hứa việc làm và cuộc sống sung túc, như người vô gia cư, cựu tù nhân và người nghiện rượu, từ Ba Lan sang Anh. Chúng ăn chặn tiền lương của các nạn nhân, tổng cộng lên tới 2,5 triệu USD từ năm 2012-2017. Các nạn nhân chỉ nhận được 25-125 USD mỗi tuần. Tính theo giờ, có những người chỉ nhận được nửa USD cho mỗi giờ làm việc.

Chúng mở tài khoản ngân hàng dưới tên những người lao động, rồi cướp đi thẻ ngân hàng để rút tiền vào ngày chuyển tiền lương.

Hồ sơ của cảnh sát cũng hé lộ cách đối xử vô nhân tính đối với các nạn nhân. Một người đàn ông bị những kẻ buôn người lừa tới Anh vì ông cần tiền phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho con gái.

Khi một nạn nhân khác qua đời, kẻ buôn người ra lệnh lấy hết giấy tờ tùy thân của ông trước khi xe cứu thương đến. Một nạn nhân khác thì bị lột trần trước cả nhóm người lao động, đổ chất tẩy trùng iốt lên người, rồi dọa lấy thận nếu không giữ im lặng.

Họ phải ở trong những căn phòng xập xệ, không có toilet, máy sưởi, đồ nội thất hay nước nóng. Một số phải tắm ở ngoài kênh. Một số khác đói tới mức phải bới rác tìm thức ăn.

Hình chân dung các thành viên băng đảng buôn người. Ảnh: Sunday Times

Hình chân dung các thành viên băng đảng buôn người. Ảnh: Sunday Times

Đường dây buôn người lớn nhất châu Âu

Bi kịch của Dariusz bắt đầu từ tháng 2/2015, khi một “cò” tuyển dụng tìm đến ông trong một trung tâm thương mại. Vừa thụ án 7 tháng tù và bị phạt tiền vì ăn cắp hai chiếc xe đạp, ông Dariusz đang nợ nần chồng chất.

“Tôi không còn gia đình ở Ba Lan. Cha mẹ tôi đã qua đời, và tôi không nhìn mặt anh chị em nữa. Tôi coi đó là cơ hội làm lại từ đầu và trả nợ”, Dariusz nói với Sunday Times. Băng đảng vẽ nên công việc 375 USD một tuần, phân loại rác ở Anh, và ông sẽ nhận được một nửa. Nửa còn lại vào tiền ăn, ở.

“Những lời hứa là giả dối”, ông nói. “Khi tôi đến Anh, tôi chẳng được trả bao nhiêu, và họ kiểm soát mọi hoạt động của tôi. Tôi không thể đi mua đồ ăn mà không có ai áp giải... Chúng dọa đánh tôi nếu tôi nghĩ tới việc bỏ trốn. Một người nói tôi có thể tự đào hố chôn mình trong rừng nếu muốn thoát”.

Chặng đường rơi vào vòng nô lệ của Dariusz cũng giống nhiều nạn nhân khác: đi trên xe từ Ba Lan, qua đường hầm eo biển Manche (nối Pháp với Anh) sang Dover, rồi đến Birmingham, nơi ông ở căn nhà hai phòng với nhiều “nô lệ” khác. Ngay hôm sau, ông bị ép phải tới trung tâm việc làm.

Các công việc lương tối thiểu là “đích ngắm dễ dàng” của những kẻ buôn người, vì người chủ các việc đó sẵn sàng tuyển người không biết tiếng Anh, theo cảnh sát.

Dariusz trốn thoát tháng 3/2015 cùng một số nạn nhân khác, và được một tổ chức hoạt động cứu giúp. Cũng chính tổ chức này đã báo cảnh sát.

Kết quả, 5 đàn ông và ba phụ nữ phải vào tù vì tội buôn người, với các án tù từ 4,5 đến 11 năm.

Thẩm phán xét xử vụ án nói đây là đường dây nô lệ hiện đại “tham vọng nhất, rộng và mưu mô nhất” được phơi bày ở Anh. Cảnh sát nói đây là mạng lưới buôn người lớn nhất châu Âu.

Trọng Thuấn
Theo Sunday Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-anh-rung-ron-vi-rau-qua-sieu-thi-la-san-pham-boc-lot-no-le-post964898.html