Người anh hùng tuổi 20 nối tiếp chiến công ở thời bình

Người lính anh dũng trải qua trận mạc ác liệt của cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã quyết liệt đấu tranh, trấn áp, truy bắt tội phạm hình sự trong thời bình. Và trên tất cả, Đại tá Anh hùng LLVTND Triệu Quang Điện luôn là người mẫu mực, kiên trung nhưng vẫn khiêm tốn, hiền hòa.

Nhà của Đại tá Triệu Quang Điện (SN 1959, dân tộc Nùng) ở số 114, đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Khi tôi đến, trong nhà đã có một số người là người thân, công tác trong lực lượng vũ trang địa phương đến chơi xuân, thăm hỏi, tri ân người Anh hùng.

Những người lính chiến đấu năm 1979 ở Đồng Đăng thăm lại chiến trường xưa

Câu chuyện của người Anh hùng

Đúng dịp này của 45 năm trước, khi hoàn thành huấn luyện, tân binh Triệu Quang Điện được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Cao Lạng (sau này tách ra thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn), đóng quân tại thị trấn Đồng Đăng. Sau tết Kỷ Mùi, chiến sự biên giới phía Bắc nổ ra, khi đó còn thiếu 1 tuần nữa Điện mới tròn 20 tuổi.

Binh nhì Triệu Quang Điện tham gia chiến đấu ngay từ ngày 17/2/1979 trong đội hình vành đai bảo vệ các tuyến đường 05, 06 để dân sơ tán về pháo đài Đồng Đăng. Đối phương tràn vào thị trấn Đồng Đăng, Triệu Quang Điện là xạ thủ lần đầu lâm trận đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, góp phần đẩy lùi, ghìm chân nhiều đợt tiến công của địch. Sau đó, ông lại tham gia yểm hộ cho lực lượng của ta và 500 người dân rút xuống hang Đền Mẫu Đồng Đăng an toàn.

Để duy trì sức chiến đấu, trong đêm tối, ông Điện và một vài anh em nhanh nhẹn bí mật đột nhập thị trấn Đồng Đăng tìm lấy thực phẩm và nước uống mang vào hang. Để có thể cầm cự lâu dài, Triệu Quang Điện tiết kiệm đạn bằng cách bắn tỉa.

Sau 3 ngày kiên cường bám trụ tại hang núi Đền Mẫu, do phải giữ an toàn cho mấy trăm người dân và địch quá đông, bộ đội ta lên phương án, lợi dụng đêm tối đưa người dân vượt qua vòng vây về hậu cứ. Cuộc rút lui không dễ đến ngã tư Hồng Phong bị phục kích, đơn vị lại dẫn dân tụt xuống đường bờ ruộng để thoát, đến rạng sáng hôm sau thì ra đến tuyến sau an toàn. Trong khi hành quân, đồng đội có nhiều người bị thương nên cán bộ, chiến sỹ phải thay phiên nhau cõng. Triệu Quang Điện là một trong những người kiên cường vượt khó nhất. “Nghĩ lại lúc đó tôi cao mét 7 nhưng chỉ nặng 53kg, mấy ngày đói khát không ăn uống gì nhưng vẫn cố sức để dìu được anh em. Nhiều lúc, tôi cõng một đồng đội là thương binh nặng, dìu một đồng chí khác vượt mấy cây số đường rừng...”, ông Điện kể.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, Triệu Quang Điện được thăng quân hàm vượt cấp từ binh nhì lên trung sỹ, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Năm 1979, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2 và sang năm 1980, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa 21 tuổi. Người dân Lạng Sơn yêu quý gọi ông là “Anh hùng tuổi 20”.

Viết tiếp những chiến công

Sau cuộc chiến biên giới phía Bắc, Triệu Quang Điện được đi học nghiệp vụ. Đến cuối năm 1988 thì về công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là thời điểm giao thương buôn bán theo dạng tiểu ngạch giữa hai nước Việt - Trung phát triển. Hàng hóa tập trung về tuyến biên giới, nạn cướp bóc do một số tên xã hội đen cầm đầu có sử dụng súng, vũ khí nóng thường xuyên xảy ra.

Công an Lạng Sơn mở nhiều chiến dịch truy quét. Trong số những chuyên án đánh dấu sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, bài bản, nghiệp vụ cao, bảo toàn lực lượng, mang lại hiệu quả phải nói là tuyệt đối phải kể đến chuyên án phá băng cướp do Trần Quốc Yên ở Hồng Phong, huyện Cao Lộc và băng cướp do Hoàng Văn Chung ở Thụy Hùng, Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cầm đầu… Cả hai chuyên án đều có phần đóng góp quan trọng của Triệu Quang Điện.

Vợ chồng ông Điện giới thiệu bài thuốc gia truyền chữa bỏng Ảnh: Duy Chiến

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Năm 2002, Triệu Quang Điện được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lạng Sơn, năm 2010 là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Ở cương vị công tác nào ông cũng để lại dấu ấn nghề nghiệp và sự nỗ lực, phẩm chất của người Anh hùng.

Đầu tháng 7 năm 2017, khi chỉ còn 15 ngày nữa là được nghỉ hưu, Đại tá Điện còn nhận được Bằng khen và thưởng “nóng” của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vì có thành tích bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Long “ma” (đối tượng xả súng AK bắn chết người ở Cầu Giấy rồi bỏ trốn sang Trung Quốc - PV).

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, bà Phùng Thị Hoa - vợ ông Triệu Quang Điện cho biết: “Anh Điện cũng từng nhắc nhở cả nhà rằng cần cảnh giác với sự an nguy của gia đình. Tội phạm hình sự nhiều tên rất lỳ lợm hung hiểm, ra tay giết người không ghê tay và sẵn âm mưu trả thù. Chính vì vậy, có nhiều đêm chồng đi công tác dài ngày, đột xuất không thông tin, không lời nhắn, nỗi phấp phỏng lo âu lại nhân lên, 3 mẹ con nằm ôm nhau hồi hộp, lo lắng”.

“Anh hùng tuổi 20” là cụm từ mà bà con Lạng Sơn vẫn trìu mến gọi Triệu Quang Điện trong thời kỳ chiến sự biên giới. Đối với bọn giang hồ, côn đồ, tội phạm, ông là “mãnh hổ vùng biên ải” góp phần xây dựng, bảo vệ an ninh trật tự trên quê hương xứ Lạng”.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn

Trở về đời thường, cuộc sống thanh thản bên người vợ hiền, ngày ngày đón 3 đứa cháu cả nội, lẫn ngoại đi học, ông Điện còn có “nghề phụ” là bốc thuốc nam chữa bỏng. “Nhà tôi có nghề bốc thuốc nam gia truyền, đó cũng là niềm đam mê thời xưa của tôi. Khi có thời gian rảnh, tôi lại lấy sách ra tra cứu, học hỏi và cùng anh em trong dòng họ lên núi ở Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn), rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng) và một số rừng nguyên sinh ở Lạng Sơn, Bắc Kạn để kiếm lá thuốc. Sau khi lấy được lá tươi thì đem về nhà rửa sạch, thái, ép lấy nước cho vào chai ngâm ủ. Thuốc này rất hiệu nghiệm, sau khi bệnh nhân bỏng được bôi thuốc vào vết thương sẽ nhanh chóng bớt sưng tấy, khô da, lành sẹo…”, ông Điện cho biết.

Theo ông Triệu Quang Điện, nghề thuốc cứu người đem đến cho ông niềm vui và cũng mang lại khoản thu nhập khá. Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, ông chữa cho khoảng 70 đến 80 bệnh nhân. Với những người trên 70 tuổi và trẻ từ 5 tuổi trở xuống, ông chữa bệnh miễn phí. Tết năm vừa rồi, có người từng là bệnh nhân ở huyện miền núi Lạng Sơn tìm đến gia đình, biếu ông đôi gà trống thiến, tỏ lòng tri ân.

Với những phẩm chất của mình, người anh hùng Triệu Quang Điện luôn được mọi người kính trọng, yêu quý.

Nguyễn Duy Chiến

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-anh-hung-tuoi-20-noi-tiep-chien-cong-o-thoi-binh-post1612928.tpo